Xa thực tế, công trình nghiên cứu chỉ “xếp xó”

(Dân trí) - Theo Bộ GD-ĐT, hầu hết các công trình nghiên cứu khoa học của các trường ĐH đều lỗ và ế ẩm, không bán hay ứng dụng được do không bám sát nhu cầu thực tiễn. Trong đó, khối trường Kinh tế không “kiếm” được đồng nào từ các công trình nghiên cứu.

 
Xa thực tế, công trình nghiên cứu chỉ “xếp xó” - 1

Hoạt động nghiên cứu khoa học ở các trường ĐH của ta đa phần thiếu thực tế, không hiệu quả
 
Trong 3 năm (2006-2008), nguồn thu từ chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ của các trường đạt gần 1.800 tỷ đồng trong khi kinh phí đầu tư cho hoạt động này đã mất 1.200 tỷ đồng.

Trong đó, khối các trường Kỹ thuật Công nghệ “kiếm” được nhiều nhất, với trên 1.300 tỷ đồng từ việc triển khai các kết quả nghiên cứu (riêng ĐH Mỏ - Địa chất thu được trên 400 tỷ đồng). Mức chi phí đầu tư cho cả khối là 212 tỷ đồng.

Khối các trường Kinh tế cũng được rót kinh phí gần 50 tỷ cho các hoạt động nghiên cứu khoa học nhưng không thu được đồng nào từ các công trình nghiên cứu.
 
Phát biểu tại hội thảo tìm cách tăng nguồn thu từ hoạt động nghiên cứu khoa học ở các trường đại học, PGS.TS Tạ Đức Thịnh, Vụ KHCN&MT, Bộ GD-ĐT cho rằng: “Cơ cấu nguồn thu từ hoạt động khoa học và công nghệ của các trường ĐH chưa cân đối, còn phụ thuộc nhiều vào hợp tác quốc tế. Điều này cho thấy khả năng thương mại hoá những kết quả nghiên cứu của các trường đại học còn hạn chế”.

Nguyên nhân theo PGS Thịnh là do đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ đầu ngành còn mỏng, cán bộ trẻ kế cận thiếu cả số lượng cũng như kinh nghiệm. Cơ sở vật chất cho hoạt động khoa học và công nghệ cũng thiếu và yếu; công tác quản lý hoạt động này vẫn còn bất cập, chưa có các chính sách hay cơ chế khuyến khích gắn kết nghiên cứu khoa học với sản xuất kinh doanh một cách hiệu quả. Đặc biệt, các trường ĐH chưa chủ động trong hoạt động khoa học và công nghệ và chưa bám sát thực tiễn...

Để tăng nguồn thu từ hoạt động khoa học, công nghệ của các trường ĐH giai đoạn 2010-2020, ông Thịnh cho rằng cần tập trung phát triển nguồn nhân lực, tăng cường cơ sở vật chất, xây dựng chiến lược phát triển khoa học phù hợp, hoàn thiện cơ chế chính sách và tăng cường hợp tác quốc tế. Trong đó, các trường không thể chỉ trông chờ vào nguồn kinh phí tự có cho hoạt động nghiên cứu khoa học mà phải tự mình vận động trên cơ sở uy tín và danh tiếng của mình.

Tuy nhiên, làm thế nào để đạt doanh thu cao cho các hoạt động này còn nhiều ý kiến khác nhau. TS. La Thế Vinh, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng: “Các trường ĐH cần phải có Công viên khoa học công nghệ, ở đó có một đội ngũ các nhà khoa học chuyên sâu, có cơ chế quản lý và vận hành nên theo mô hình của các nước phát triển trên thế giới, hướng nghiên cứu và kết quả nghiên cứu phải được xác định rõ ràng thông qua hội đồng thẩm định quốc gia hoặc quốc tế”.

Còn theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Quân, ĐH Kinh tế Quốc dân thì cần mở “chợ” cho các sản phẩm khoa học - công nghệ. “Chợ” này sẽ kết hợp 4 nhà là Nhà nước, nhà đầu tư, nhà khoa học, nhà nông để tạo điều kiện gặp gỡ, trao đổi, liên kết đa phương, trong đó nhà nước có vai trò là người tổ chức và chủ trì, các nhà khoa học cần “tự làm mới mình” để sản phẩm tạo ra “thân thiện với người dùng” và đạt doanh thu cao.

Hồng Hạnh