Vậy là bỏ thi đại học?

Bộ GD-ĐT tạo lại muốn làm một cải cách nữa trong thi cử, bỏ kỳ thi vào ĐH, CĐ; các trường này căn cứ vào điểm thi tốt nghiệp phổ thông để xét chọn lấy sinh viên cho mình.

Thêm một cải cách, trong khi cải cách thi trắc nghiệm mà GS. Văn Như Cương có gọi vui là “nền thi tuyển bôi đen” vẫn còn nguyên đấy nỗi băn khoăn, lo lắng của xã hội mà chưa có biện pháp khắc phục: Một thí sinh thi vào Khoa Trung văn của một trường ĐH ở TP.HCM và đã đỗ tuy chưa học Trung văn. Sau khi nhập học, nhà trường mới phát hiện ra anh sinh viên ấy chưa hề biết chữ nhất bẻ làm đôi, hỏi sao anh đã vẫn có điểm của môn Trung văn. Anh ta trả lời là cứ bôi đen liều vào một trong bốn ô trắc nghiệm và với một chút may mắn trong xác suất, anh ta đã đỗ.

Quả là các kỳ thi ĐH, CĐ đã ngốn của các bậc phụ huynh và xã hội rất nhiều tiền của. Mỗi cô cậu tú lều chõng từ quê ra thành phố tốn ít nhất 1 triệu, các thí sinh “lớp 13, 14” thì phải dăm sáu lần hơn thế. Chúng ta có hơn một triệu thí sinh, tỉ lệ 30-40 chọn 1 hiển nhiên đã ném cả nghìn tỉ xuống biển ham vọng, hàng năm. Nhân thể cũng nói thêm rằng, phần lớn các em thi trượt là ở nông thôn; nơi chất lượng giáo dục còn rất lắm chuyện để bàn. Và như vậy, những tích lũy nhỏ nhoi của các nông hộ đã bị ném cả xuống biển ham vọng vô tăm tích. Cho nên, việc bỏ kỳ thi ĐH, CĐ được nhân danh tiết kiệm có vẻ như sẽ dễ dàng được chấp nhận?

Nhưng nhìn một cách hệ thống, thì cải cách này rồi sẽ gây ra những xáo trộn cái trật tự của công tác tuyển sinh trung thực mới đi vào nền nếp và, ngay cả những người lạc quan nhất, cũng không tin lắm vào chất lượng của các cử nhân, kỹ sư trong tương lai.

Vì sao nói như vậy?

Vì công tác coi, chấm thi sẽ chịu một áp lực lớn hơn của tiêu cực. Các thầy cô sẽ đổi trường để chấm và coi thi, họ đều là đồng nghiệp quen thân nhau và đều cùng ở dưới quyền của bệnh thành tích nên dễ dàng thỏa thuận rằng hãy dễ người dễ ta. Đó sẽ là một tổng xung lực đối trọng với một quyết tâm chống bệnh thành tích trong thi cử. Các chuyên gia trình Dự án bỏ thi ĐH, CĐ có thể bác bẻ rằng, năm ngoái chúng ta đã có một kỳ thi tốt nghiệp THPT nghiêm túc, đánh trượt ngót 40% thí sinh đó thôi. Vâng, đúng thế, nhưng đó là năm ngoái, là thi tốt nghiệp phổ thông, là còn hứa hẹn một kỳ thi thứ hai sau đó hai tháng mà ai cũng hiểu rằng nó dễ hơn. Còn từ sau khi Dự án được chấp nhận, nó sẽ đồng thời là kỳ thi tuyển sinh, nó sẽ khác.

Mặt khác, sao các chuyên gia và Bộ GD-ĐT không tính tiết kiệm cho dân bằng cách tiếp tục nghiêm túc như năm ngoái. Ngót 40% bị trượt tốt nghiệp đã không về thành phố lớn trong các kỳ thi tuyển sinh là đỡ tốn 400 tỉ rồi. Nên chăng, nếu chỉ vì để tiết kiệm, hãy xem xét đến chính sách các em tốt nghiệp lần thi thứ hai không được thi vào ĐH, CĐ Chính quy (có thể thi Tại chức và Từ xa trong tương lai?)

Chúng ta đã bỏ thi ĐH, CĐ trong 3 năm (1967-1970) và đã bị trả giá, xin nghĩ cho kỹ.

Theo Văn Chinh
Nông nghiệp Việt Nam