Trường chờ sập nơi cửa biển Cà Mau

(Dân trí) - Trường tiểu học 6 thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) có chỉ có 3 phòng học ca 3, số học sinh còn lại đến nhà giáo viên để học. Hễ có mưa giông, cha mẹ học sinh ôm con em mình chạy về vì sợ… trường sập.

Trường học ca 3 

Trường tiểu học 6 thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) tổ chức khai giảng, rồi đưa học sinh vào ca 3, vào nhà giáo viên để học. Cô hiệu trưởng Nguyễn Thị Minh giới thiệu: “Trường chỉ có 4 phòng học xây dựng vào năm 1990. Hiện nay 6 phòng học đang xây dựng xong phần móng. Việc giảng dạy và học tập ngay trên công trường xây dựng”.

Trường chờ sập nơi cửa biển Cà Mau - 1
Trường tiểu học 6 Sông Đốc tổ chức giảng dạy học tập ngay trên công trường xây dựng.

Khuôn viên Trường tiểu học 6 Sông Đốc thành công trường, trường học từ sáng sớm đến chiều tối. Ngôi trường này chỉ có 4 phòng học cũ, xây dựng xóa ca 3 vào năm 1990, hiện giờ tường đã bị loang lổ, gạch thì lở, nẹp cây gỗ để chống sập. 20 thầy cô giáo dồn vào một phòng làm Ban giám hiệu, văn phòng, thiết bị, y tế, đoàn thể…

Trường chờ sập nơi cửa biển Cà Mau - 2
Dãy phòng học nẹp cây để chống sập.
 
Trường chờ sập nơi cửa biển Cà Mau - 3
Phòng làm việc chung của 20 thầy cô giáo.

Hơn 370 học sinh phải dồn vào 3 phòng học cũ học ca 3, còn 3 lớp khác về nhà giáo viên. Thầy phó hiệu trưởng Đoàn Văn Thanh cho biết: “Do thiếu phòng học, chúng tôi dồn học sinh thành 12 lớp, để giảm áp lực thiếu phòng học nên sĩ số tương đối đông. Hai lóp 1 có hơn 80 học sinh, biên chế thành 2 lớp, trước đây dựng kiến chia thành 3 lớp để dễ quản lý giảng dạy”.

Trường chờ sập nơi cửa biển Cà Mau - 4
Các em học sinh chờ vào lớp khi các bạn khác đang học.

Trường tiểu học 6 Sông Đốc sử dụng 3 phòng học cũ làm phòng học ca 3 (sáng, trưa, chiều) giải quyết chỗ học cho 9 lớp. Hai lớp mẫu giáo chuyển đến nhà cô giáo Nguyễn Thị Toan, ở cách trường vài trăm mét, rộng khoảng 24 m2 dạy 2 lớp sáng, chiều. Lớp 5, học sinh lớp tuổi hơn phải đi xa, qua cầu, phía sau khu chợ là nhà cô giáo Nguyễn Kim Đa. Cô Kim Đa nói: “Cho học sinh đến nhà học phải chịu khó nhưng sợ nhất là lỡ có tai nạn xảy ra thì sao?”

Đã sập một lần rồi

Các phòng học hiện hữu của Trường tiểu học 6 Sông Đốc là phòng học xóa ca 3 năm 1990, có tuổi thọ 21 năm. Nhiều cha mẹ học sinh chuyển con em mình sang trường khác, hẹn sau này chuyển về. Cô giáo Nguyễn Thị Minh nói: “Hễ thấy chuyển mưa, có gió mạnh là tức tốc đến đón con em chạy về, sợ sập.”

Ngày 23/4/2007, một cơn lốc xoáy quét qua, tốc toàn bộ máy tol xi- măng các phòng học, làm thiệt mạng một học sinh nữ lớp 5 và 5 học sinh khác bị thương. Thầy giáo Châu Thanh Phúc nhớ lại: “Sau cơn lốc xoáy, giáo viên, cha mẹ học sinh ôm các em bị thương sang trạm y tế thị trấn Sông Đốc sơ cứu, rồi chuyển lên Bệnh viện Trần Văn Thời. Em Thùy bị thương ở trán, mất máu nhiều, giao viên trẻ được thử máu để truyền cho em. Nhưng vết thương quá nặng, chấn thương sọ não, không cứu được!”.

Ông Mai Thanh Hải, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Trần Văn Thời nói: “Năm 2002, triển khai chương trình kiên cố hóa trường lớp thì Trường tiểu học 6 Sông Đốc chưa chuẩn bị xong mặt bằng. Sang giai đoạn 2 (2008-2012), Trường tiểu học 6 Sông Đốc có đề xuất điểm xây dựng kiên cố hóa nhưng không biết vì sao Sở GD-ĐT Cà Mau loại ra?”.

Huyền Trang