Trung Quốc nỗ lực xoá nạn mù chữ

(Dân trí) - Do quá tập trung vào việc phục vụ những mục tiêu phát triển kinh tế trước mắt, nền giáo dục Trung Quốc đã bộc lộ một số nhược điểm cần phải được giải quyết. Một trong những nhược điểm đang được ngành Giáo dục Trung Quốc tập trung khắc phục là tỷ lệ những người mù chữ ở nước này đã gia tăng trong thời gian gần đây.

Trong những năm qua, cùng với sự vươn lên mạnh mẽ của nền kinh tế, quốc gia này cũng đã đạt được nhiều thành công trên lĩnh vực cải tổ và phát triển giáo dục, nhất là trong giáo dục đại học. Tuy nhiên, do quá tập trung vào việc phục vụ những mục tiêu phát triển kinh tế trước mắt, nền giáo dục Trung Quốc đã bộc lộ một số nhược điểm cần phải được giải quyết. Một trong những nhược điểm đang được ngành Giáo dục Trung Quốc tập trung khắc phục là tỷ lệ những người mù chữ ở nước này đã gia tăng trong thời gian gần đây. 

 

Số lượng người mù chữ tăng 4 lần

 

Theo con số được ông Gao Zuegui, một quan chức của Bộ Giáo dục Trung Quốc đưa ra mới đây, số lượng những người mù chữ tại nước này đã gia tăng gần gấp 4 lần trong vòng 5 năm (từ 2000 đến 2005). Ở Trung Quốc, những người đủ 15 tuổi trở lên không biết đọc và viết được 1.500 ký tự chữ Hán thì sẽ chính thức bị coi là mù chữ. Và từ năm 2000 đến 2005, số lượng những người mù chữ tại nước này đã gia tăng từ 30 triệu lên 116 triệu người.

 

Ông Gao Zuegui cho biết, một trong những nguyên nhân làm số người mù chữ ở Trung Quốc gia tăng là do sự tăng trưởng kinh tế không đồng đều của nước này đã dẫn đến việc hàng triệu người dân ở vùng nông thôn, trong đó có nhiều trẻ em nghèo đã sớm rời bỏ trường học để ra những thành phố lớn kiếm sống. "Tình trạng mù chữ không chỉ là vấn đề cho ngành Giáo dục, mà nó còn có hậu quả xấu đối với xã hội", ông Gao Zuegui nói.

 

Kinh phí giáo dục từng bị cắt giảm

 

Theo các nhà phân tích giáo dục, khi nước CHND Trung Hoa mới được thành lập vào năm 1949, tỷ lệ những trẻ em Trung Quốc được đến trường tiểu học mới chỉ có 20%, và tỷ lệ người mù chữ ở nước này tới 80%. Bởi vậy trong một thời gian dài, Chính phủ Trung Quốc luôn coi công tác xoá nạn mù chữ là một trong những mục tiêu trọng tâm trong chính sách quốc gia.

 

Thế nhưng từ khi Trung Quốc mở cửa kinh tế vào những năm 1980, ngân sách của chính quyền địa phương được ưu tiên để xây dựng cơ sở hạ tầng và thu hút đầu tư. Vì thế kinh phí dành cho các trường học ở vùng nông thôn bị cắt giảm. Kết quả là giáo dục cơ bản dần dần bị phân hóa, trong khi những trường học hàng đầu ở thành phố tăng học phí một cách nhanh chóng và thu hút giáo viên có trình độ và các nguồn lực giáo dục khác, thì các trường ở vùng nông thôn nghèo nước này lại trì trệ. Với dân số 1,3 tỉ người, trong đó có 900 triệu là nông dân cũng chính là một nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng nhanh số lượng người mù chữ tại Trung Quốc trong những năm qua.

 

Nhiều chính sách ưu tiên được triển khai

 

Trước tình hình như vậy, thời gian gần đây, Chính phủ Trung Quốc đã thực thi nhiều chính sách nhằm cải thiện tình trạng giáo dục ở những vùng nông thôn nước này. Năm 2006, Trung Quốc đã quyết định dành thêm 218 tỉ nhân dân tệ để chi cho việc cải cách toàn diện giáo dục ở nông thôn nước này trong vòng 5 năm tới.

 

Với việc tăng cường ngân sách đầu tư cho giáo dục ở những vùng nông thôn, kể từ năm 2006, Chính phủ Trung Quốc đã giảm và miễn học phí cùng phụ phí cho học sinh trong giai đoạn giáo dục bắt buộc của khu vực nông thôn miền Tây có kinh tế kém phát triển. Và kể từ năm nay, chính sách này đã mở rộng tới tất cả học sinh nông thôn của nước này.

 

Theo Bộ trưởng Bộ Giám sát Trung Quốc Lý Chí Luân, từ năm 2007, Trung Quốc sẽ xoá bỏ nhiều khoản thu phí trong ngành Giáo dục ở tất cả các địa phương, như tiền mua tài liệu bổ trợ giai đoạn giáo dục bắt buộc ở khu vực nông thôn, tiền mua đồng phục, bảo hiểm, phòng chống dịch bệnh, gửi xe ở trường học...

 

Ngoài ra, Trung Quốc cũng nghiêm cấm việc thu phí của học sinh với danh nghĩa mở các lớp dạy thử nghiệm, dạy thêm. Việc miễn các khoản phí giáo dục tại nông thôn Trung Quốc được đánh giá là sẽ tạo điều kiện cho nhiều người hơn có cơ hội tiếp thu giáo dục, góp phần quan trọng trong việc xoá nạn mù chữ cũng như phòng ngừa hữu hiệu sự xuất hiện những người mù chữ mới.

 

 

Trung Quốc nỗ lực xoá nạn mù chữ - 1
 

Một trong những nguyên nhân của tình trạng mù chữ

 là có quá nhiều lao động nông thôn đổ xô ra thành phố

 

Mặt khác, theo ước tính ở Trung Quốc hiện nay đang có gần 200 triệu người từ nông thôn ra thành phố làm việc, trong tổng số con cái của họ, có khoảng 6 triệu em đi theo bố mẹ vào thành phố và 22 triệu em ở lại quê nhà. Bởi vậy gần đây, 7 ban ngành, bao gồm Hội Liên hiệp Phụ nữ Trung Quốc, Bộ Giáo dục Trung Quốc... đã phối hợp ra thông tri yêu cầu các địa phương tăng cường công tác quan tâm trẻ em ở lại nông thôn hoặc đi theo bố mẹ vào thành phố. Thông tri cũng yêu cầu, các địa phương xây dựng các pháp quy, chính sách đảm bảo cho những trẻ em ở lại nông thôn hoặc đi theo bố mẹ vào thành phố đều được tiếp cận với giáo dục nghĩa vụ một cách bình đẳng...

 

Hiện nay Trung Quốc đã xây dựng cơ chế công tác xoá nạn mù chữ do Chính phủ chỉ đạo. Ngành Giáo dục các cấp đều đã thành lập cơ quan chuyên trách về xoá nạn mù chữ, biên soạn các loại giáo án và sách về xoá nạn mù chữ, mở các lớp xoá nạn mù chữ dưới nhiều hình thức. Nhiều khu vực nông thôn đã áp dụng mô hình xoá nạn mù chữ kết hợp với củng cố và nâng cao những kỹ năng sản xuất vào đời sống cho những người được xoá mù chữ.

 

Bà Trần Chí Lập - Uỷ viên Quốc vụ viện Trung Quốc nêu một trong những ví dụ điển hình đã thành công theo mô hình như vậy là huyện Tự trị các dân tộc Long Thắng, Quảng Tây. Tại đây, việc xoá nạn mù chữ đã được kết hợp với công tác phát triển những ngành nông nghiệp đặc thù, và khai thác những thế mạnh về du lịch của địa phương, giúp cho đông bào các dân tộc vùng miền núi nhất là phụ nữ dân tộc thiểu số không những biết chữ mà còn học được rất nhiều kỹ năng, ngành nghề để phát triển kinh tế và cải thiện cuộc sống.

 

Theo bà Lập, mục tiêu của Trung Quốc là sẽ giảm tỷ lệ người mù chữ tại nước này xuống còn khoảng 2% vào năm 2010 và giảm một nửa tổng số người thanh niên mù chữ vào năm 2015.

 

Vũ Anh Tuấn 

Theo BBC, CRI, FEER