Trung Quốc: Cử nhân ngành “nóng” khó xin việc

(Dân trí) - Mỗi năm, hàng triệu học sinh Trung Quốc chen nhau thi vào những ngành học “nóng” với hy vọng sau này sẽ xin được việc làm tốt hơn. Nhưng một khảo sát mới đây cho thấy 9 trong 10 chuyên ngành có lượng cử nhân thất nghiệp nhiều nhất là những chuyên ngành “nóng”.

Theo khảo sát của công ty tư vấn MyCOS, một hiện tượng phổ biến xảy ra với những cử nhân tốt nghiệp các chuyên ngành “nóng” (các ngành học được ưa chuộng như tài chính, báo chí, luật, nghệ thuật…) là số lượng cử nhân vượt trội so với lượng công việc ở những chuyên ngành này.

Kết quả cho thấy 33% những cử nhân mới ra trường và chưa có việc làm đã học 1 trong 10 chuyên ngành được ưa chuộng nhất. Theo khảo sát trên, tỷ lệ có việc làm của cử nhân nói chung là 91% sau khi ra trường 6 tháng, nhưng tỷ lệ có việc làm của những cử nhân các chuyên ngành “nóng” lại không đạt mức này. Ví dụ, sau khi ra trường nửa năm, chỉ khoảng 86% cử nhân Luật tìm được việc.

Tiến sĩ Wang Boqing ở công ty MyCOS cho rằng chính chỉ tiêu của những ngành học được ưa chuộng là nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp cao của sinh viên tốt nghiệp các chuyên ngành này. Theo TS. Wang, hầu hết các thí sinh đều không có kế hoạch nghề nghiệp trước khi chọn chuyên ngành theo học và dựa vào những gợi ý ít ỏi của giáo viên và bố mẹ. Ngoài ra, nhiều thí sinh đã không có đầy đủ thông tin tham khảo khi chọn chuyên ngành.

Theo tờ CRI, sự cẩu thả trong việc chọn ngành học đã khiến không ít cử nhân ở Trung Quốc thất vọng. Một khảo sát của zhaopin.com cho thấy 52% người được hỏi ước rằng họ chọn học chuyên ngành khác, 34% muốn học thêm các chuyên ngành khác. Chỉ có 14% là không hối tiếc vì đã học chuyên ngành mà họ vừa học xong.

TS. Wang cho rằng các trường ĐH Trung Quốc cần điều chỉnh lại các ngành học để phù hợp với cấu trúc kinh tế xã hội đang thay đổi đồng thời hạn chế chỉ tiêu của những chương trình nhất định.

Còn giáo sư Sun Dongdong ở trường ĐH Bắc Kinh khuyên các thí sinh không nên chạy theo xu hướng khi nộp hồ sơ thi ĐH mà phải quyết định chọn ngành học dựa vào khả năng và sở thích của mình.

Xuân Vũ
Theo CRI