Trung Quốc: Cha mẹ “ép” con học các môn nghệ thuật

(Dân trí) - Ngày nay, các bậc cha mẹ Trung Quốc đua nhau “nhồi” cho con học các môn nghệ thuật. Cuối tuần, các lớp bồi dưỡng nghệ thuật chật ních trẻ con. Số HS đạt giải cao trong các môn nghệ thuật ngày càng nhiều nhưng lại có rất ít em thực sự hiểu về nghệ thuật.

Lịch học kín tuần, vẫn học các môn nghệ thuật

Em Lý Nhân, hiện đang là học sinh lớp sáu, có lịch học dày đặc cả tuần. Lúc 3 tuổi, em bắt đầu học múa, mỗi tuần học 3 tiếng vào chiều thứ bảy và học vẽ 2 tiếng vào chiều chủ nhật hàng tuần. Lúc 8 tuổi, em bắt đầu học đàn, mỗi tuần học 5 buổi tối, mỗi buổi 1 tiếng.

Sau khi vào lớp 6, dù việc học trên lớp rất bận nhưng mỗi tuần cô bé vẫn dành ra 3 buổi tối để tham dự lớp năng khiếu khác. Mỗi lần Nhân đi học về, chưa kịp cơm tối xong thì đã đến giờ đi học đàn. Thế là cô bé lại vội vàng đạp xe đi học. Học đàn xong, Nhân lại làm bài tập đến tận 11 giờ tối.

Mặc dù học hành rất vất vả, song Lý Nhân vẫn rất kiên trì. Cô bé cho biết nếu có cơ hội vẫn tiếp tục học để đạt trình độ cao hơn nữa. Sau khi vào trung học, nếu có cơ hội tham gia các lớp năng khiếu, Nhân vẫn tiếp tục đăng ký.

Bà Cát Khánh Lan, phụ huynh một học sinh tiểu học, hồ hởi khoe rằng con gái bà là cán bộ lớp, biết múa các điệu múa dân tộc, biết chơi đàn Piano, vẽ cũng đạt giải nhất toàn quốc, tất cả các phương diện đều không tồi. Bà Lan cho rằng trong thời gian học tiểu học, nên cho con cái theo học nhiều bộ môn nghệ thuật khác nhau. Sau khi vào trung học, bài vở rất nhiều, sẽ khó có thời gian để chúng học các bộ môn nghệ thuật.

Biến nghệ thuật thành một môn học trên lớp

Rất nhiều phụ huynh hy vọng bồi dưỡng con cái thành những người toàn tài. Thế nên, rất nhiều em nhỏ đua nhau học các bộ môn nghệ thuật, đồng thời đăng ký tham gia các cuộc thi tài năng để thử sức. Các trường học cũng rất coi trọng việc học sinh có sở trường gì không, có đạt giải gì không, điều này khiến các cuộc thi năng khiếu càng trở nên hấp dẫn và lôi cuốn sự tham gia của đông đảo các em nhỏ.

Em Lý Nhân nói có lần khi đến phỏng vấn ở một trường trung học khu vực Thanh Dương, em thấy rất nhiều bạn đã đạt rất nhiều giải thưởng, nào là giải về đàn Piano, nhảy Latinh, Toán vui, tiếng Anh, có người còn có tới bốn, năm chứng chỉ đạt giải. Theo Nhân, vì giáo viên ai cũng coi trọng các giải thưởng, chứng chỉ nghệ thuật nên những học sinh tất nhiên càng phải nỗ lực hơn nữa.

Một giáo viên kiêm nhiệm tại một cung thiếu nhi trong thành phố phàn nàn rằng phần lớn phụ huynh và học sinh xem việc học và thi các bộ môn nghệ thuật giống như là yêu cầu để lên lớp, kết quả làm mất đi ý nghĩa thực sự của những bộ môn nghệ thuật. Trong khi đó, học các môn nghệ thuật là một quá trình thưởng thức, cảm thụ và sáng tạo.

Lưu Ninh, giáo viên mỹ thuật một cung thiếu nhi nội thành cho biết, trong việc bồi dưỡng tài năng mỹ thuật, hiện nay đang có một thực trạng là các em đạt giải này giải nọ ngày càng nhiều, còn các em thực sự hiểu về mỹ thuật và thực sự biết thưởng thức mỹ thuật lại rất hiếm. Lưu Ninh cho rằng nguyên nhân tạo nên hiện tượng này là do xu hướng xem các bộ môn nghệ thuật như là một phần của việc học trên lớp ngày càng lan tràn ở học sinh và phụ huynh. Dưới sự tác động của nền kinh tế thị trường, các đơn vị đào tạo thì cần đến doanh thu, các giáo viên giảng dạy thì cần đến danh tiếng, các bậc phụ huynh cần “nở mày nở mặt” với mọi người… - tất cả những đối tượng này đều trông chờ vào tấm văn bằng, chứng chỉ thành tích trong nghệ thuật.

Theo ông Trương Thắng, Hiệu trưởng trường Tiểu học thực nghiệm Thanh Hoa, cha mẹ nên hướng dẫn và khuyến khích con cái, chỉ cho con hiểu rằng, học nghệ thuật là để con cảm thụ được vẻ đẹp cuộc sống, vẻ đẹp của nghệ thuật, chứ không phải biến việc học nghệ thuật và kiểm tra thành tích trở thành điều kiện để lên lớp. Nếu không, hứng thú của con trẻ với nghệ thuật sẽ giảm dần, các em sẽ nảy sinh suy nghĩ rằng học các môn nghệ thuật chỉ là để có thêm nhiều chứng chỉ thành tích mà thôi.

Nguyễn Thanh Mai
Theo jyb