Triển khai đề án trường PTDTNT: “Tránh đầu tư dàn trải”

(Dân trí) - Đó là ý kiến phát biểu chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa tại hội nghị triển khai Đề án “Củng cố và phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú giai đoạn 2011-2015” ngày 20/3.

Triển khai đề án trường PTDTNT: “Tránh đầu tư dàn trải”

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa phát biểu chủ trì hội nghị.
 
Để triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ của Đề án “Củng cố và phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú giai đoạn 2011-2015” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 21/09/2011, Bộ GD-ĐT đã tổ chức hội nghị xoay quanh vấn đề triển khai Đề án.

Tại hội nghị, Bà Nguyễn Thị Thu Huyền - Vụ trưởng Vụ Giáo dục dân tộc trình bày khái quát Dự thảo về việc hướng dẫn triển khai thực hiện Đề án với những nội dung chính: Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định thành lập Ban điều hành Đề án cấp tỉnh; các địa phương rà soát danh mục theo Quyết định để lập kế hoạch xây dựng theo thứ tự ưu tiên, trong năm 2012 tập trung hoàn thành để đưa vào sử dụng các hạng mục công trình thiết yếu như: phòng học, phòng học bộ môn, công trình cấp nước, công trình vệ sinh…

Các đại biểu có mặt tại hội nghị đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, cam kết thực hiện Đề án và nhận thức rõ ý nghĩa của Đề án trong phát triển nguồn nhân lực cho vùng dân tộc và miền núi. Đồng thời các đại biểu cũng chỉ ra những đặc thù, khó khăn riêng của từng địa phương khi tiến hành triển khai Đề án. Bài toán về việc cân đối ngân sách của các tỉnh vẫn làm đau đầu các nhà giáo dục.
 
Triển khai đề án trường PTDTNT: “Tránh đầu tư dàn trải”

Các đại biểu tham dự chỉ ra những đặc thù riêng của từng địa phương.

Ông Lê Văn Quý - Giám đốc Sở GD-ĐT Điện Biên đóng góp ý kiến văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện Đề án nên chỉ rõ đối tượng tham gia vào Ban chỉ đạo Đề án từng tỉnh. Ông Quý cũng kiến nghị đối với những địa phương đặc biệt khó khăn, nên cân nhắc xem xét đầu tư nguồn vốn 100%  (Theo Đề án, 70% kinh phí thực hiện trích từ ngân sách Trung ương, 30% còn lại từ địa phương).

Bà Nguyễn Hồng Liêu - Giám Đốc Sở GD-ĐT Ninh Thuận thống nhất quan điểm với ông Quý. Bà Liêu cho rằng các tỉnh thu nhập thấp không dễ có được 25-30% vốn đối ứng, Bộ nên quan tâm hỗ trợ nguồn kinh phí đặc biệt cho các địa phương này.
 
Triển khai đề án trường PTDTNT: “Tránh đầu tư dàn trải”
Bà Nguyễn Hồng Liêu dẫn chứng những khó khăn về trượt giá.

Bà Liêu cũng chỉ ra một khó khăn nữa đối với các địa phương đó là tình trạng trượt giá dẫn đến vật liệu xây dựng cùng nhiều dịch vụ đi kèm tăng giá. Thực tế tại tỉnh Ninh Thuận cho thấy để xây dựng trường Dân tộc nội trú Ninh Phước (thuộc huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận), nơi có đông đồng bào dân tộc Chăm, theo đúng chuẩn quốc gia ở thời điểm 2009 tính toán là 21 tỷ đồng, nhưng đến nay mức kinh phí này đã lên đến con số 60 tỷ đồng. “Cần có sự rà soát lại so với số liệu ban đầu khi xây dựng đề án bởi có sự biến động về giá những năm qua. Kinh phí xây dựng ban đầu theo dự kiến là thấp so với hiện nay”, bà Liêu khẳng định.

Khoảng cách địa lý, cự ly vận chuyển cũng là một trong những nguyên nhân khiến giá thành vật liệu xây dựng tăng lên. Ông Sèng Chỉn Ly - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang đưa ra ví dụ chứng minh: 1m3 cát ở thành phố Hà Giang có giá 120.000 đồng nhưng đến trung tâm huyện Mèo Vạc đã lên tới mức giá 1 triệu 600 đồng.

Phát biểu tổng kết hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa thay mặt Ban chỉ đạo Đề án và lãnh đạo Bộ tiếp thu ý kiến đóng góp. Bà Nghĩa bày tỏ sự thông cảm với các tỉnh về khó khăn giải quyết vốn đối ứng, tuy nhiên trong điều kiện kinh tế khó khăn thì vốn của chương trình sẽ không được thêm nên trước mắt cần phải thực hiện theo kinh phí của đề án.

Danh sách các hạng mục công trình được phê duyệt thực hiện Đề án và danh mục rà soát của các địa phương hiện nay là vênh nhau do nguồn kinh phí có hạn. Các địa phương rà soát và đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, căn cứ trên danh mục đã được phê duyệt, tránh đầu tư dàn trải. “Mục tiêu Đề án là khả thi và phụ thuộc rất lớn vào quyết tâm của địa phương. Mong các địa phương phát triển quy mô hợp lý, phù hợp với thực tế của địa phương mình”, bà Nghĩa nhấn mạnh.
 

Trong những năm gần đây, do nhiều đơn vị hành chính mới thành lập nên các trường PTDTNT ở các địa phương này chưa được đầu tư cơ sở vật chất, học sinh phải đi học nhờ, học gửi (PTDTNT huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai; PTDTNT huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum;…). Do thiếu điều kiện cơ sở vật chất nên tính đến năm học 2010-2011, số trường PTDTNT được công nhận trường chuẩn quốc gia mới chiếm khoảng 13% tổng số trường trong hệ thống.

Đề án “Củng cố và phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú giai đoạn 2011-2015” được phê duyệt với tổng kinh phí gần 4154 tỷ đồng với mục tiêu phấn đấu đến năm 2015, cả nước có 317 trường PTDTNT với khoảng 85.000 học sinh và có khoảng 30% số trường PTDTNT đạt chuẩn quốc gia.

Phương Nhung