Đắk Nông:

Trí thức trẻ đưa công nghệ thông tin đến với học sinh vùng cao

(Dân trí) - Lần đầu tiên được làm quen với máy vi tính, nhiều em học sinh dân tộc thiểu số ở huyện Đắk G’Long, tỉnh Đắk Nông rất ngỡ ngàng và rụt rè, không dám sử dụng. Tuy nhiên, gần 1 tháng được hướng dẫn, các em đã làm quen và thao tác thành thạo được trên máy tính.

Cứ 8h sáng hàng ngày, từ thứ 2 đến thứ 6, những học sinh trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (xã Đắk Som, huyện Đắk G’Long, tỉnh Đắk Nông) lại rủ nhau đến trường để ôn tập hè. Khác với mọi năm, mùa hè năm nay những đứa trẻ này không phải hí hoáy trên những tập sách vở quen thuộc, mà được rê chuột, gõ bàn phím để ôn lại kiến thức cũ.

Trí thức trẻ đưa công nghệ thông tin đến với học sinh vùng cao

Đây là hoạt động quan trọng nhất trong nội dung chăm lo cho thiếu nhi dân tộc thiểu số của chương trình Trí thức khoa học trẻ tình nguyện, được Trung tâm Phát triển Khoa học & Công nghệ trẻ TP.HCM thực hiện tại Đắk Nông.


Học sinh dân tộc thiểu số tại Đắk Som làm quen với máy tính.

Học sinh dân tộc thiểu số tại Đắk Som làm quen với máy tính.

Lớp học nhỏ với đầy đủ máy tính, màn hình chiếu được các “thầy cô giáo” là những cán bộ trẻ và những sinh viên đang theo học tại TP.HCM xây dựng và tổ chức hoạt động.

Trước đó, từ trung tuần tháng 7, những chiến sĩ tình nguyện này “đổ bộ” về xã vùng cao Đắk Som, mang theo 20 bộ máy vi tính cùng nhiều kiến thức về nông nghiệp.

Đối với học sinh tiểu học xã Đắk Som, không những được làm quen với chiếc máy vi tính hiện đại, các em thiếu nhi còn được trực tiếp làm những bài ôn tập hè trên máy tính với sự hướng dẫn của các trí thức, thanh niên tình nguyện trẻ.

Lần đầu tiên tiếp xúc, nhiều em bỡ ngỡ nhưng cũng rất thích thú và hào hứng với bài học làm quen. Các em được các chiến sĩ tình nguyện hướng dẫn cách khởi động máy, gọi tên những thiết bị liên quan và làm quen với đánh máy văn bản, vẽ hình, sao chép dữ liệu, xem hình ảnh, phim, nghe nhạc… Lần lượt những dòng chữ, những đoạn văn, khổ thơ đầu tiên được các bạn học sinh hoàn thành.

Nhiều em ban đầu còn bỡ ngõ, rụt rè trước một thiết bị máy tính hiện đại
Nhiều em ban đầu còn bỡ ngõ, rụt rè trước một thiết bị máy tính hiện đại

Bạn Nguyễn Thị Mỹ Khuyên, sinh viên Trường Đại học KHTN TP.HCM cho biết, sau khi vận chuyển 20 chiếc máy tính lên Đắk Nông, các thành viên trong nhóm trực tiếp lắp đặt điện, mạng internet trong vòng 2 ngày. Tuy nhiên, trong quá trình lắp đặt, do vùng sâu vùng xa nguồn điện không ổn định, nhiều khi hệ thống điện bị hỏng do quá tải, các bạn phải sửa chữa và kết nối lại nhiều lần.

Theo chia sẻ của những chiến sĩ tình nguyện trực tiếp đứng lớp, ngày đầu tiên số lượng học sinh còn khá ít, các em ngại và chỉ dám đứng ngoài cửa nhìn vào. Sang đến ngày thứ hai, nhờ sự động viên và trò chuyện của các “thầy cô giáo”, các em đã đi đông hơn, nhiều em còn thích thú muốn được học cả 2 buổi sáng chiều.


Những ngón tay dò dẫm trên bàn phím.

Những ngón tay dò dẫm trên bàn phím.

“Nhìn các em chăm chỉ nghe giảng, hứng thú khi thực hành khiến chúng tôi cảm thấy phấn khởi và có động lực hơn. Việc các bạn nhỏ rủ nhau đến lớp ngày một đông và các bậc phụ huynh cũng rất quan tâm đến việc dạy tin học trong hè cho con em mình đã góp phần làm nên sự thành công của chương trình”, anh Phạm Trí Luật, Phó nhóm hồ hởi chia sẻ.

K’Năng (học sinh lớp 2, Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi) lần đầu tiên trong đời được sử dụng máy tính, cậu bé tỏ ra phấn khích khi tập gõ chữ và viết tên các thành viên trong gia đình. Cậu học sinh người Mạ này chia sẻ: “Trước đây con chỉ nhìn thấy máy tính ở trong phòng cô giáo với trên tivi. Trong buôn con ở chưa nhà nào có máy tính cả. Chúng con đi học, được các anh chị dạy cho tắt mở máy, đánh chữ, tập vẽ, xem hoạt hình trên máy tính nên thích lắm, bạn nào cũng muốn được học”.

Trí thức trẻ đưa công nghệ thông tin đến với học sinh vùng cao - 4

Việc dạy Tin học không chỉ riêng đối tượng học sinh mà còn dành cho mọi lứa tuổi. Các bạn tình nguyện viên còn mở thêm lớp dạy tin mỗi ngày cho người dân nơi đây. Với mục đích giúp cho mọi người làm quen với máy tính, với mạng internet và các thiết bị công nghệ đồng thời truyền đạt những kiến thức khoa học về sản xuất nông nghiệp.

Anh K’Nam (trú thôn 1, xã Đắk Som) cùng con gái là H’Nhân đang theo học tại lớp Tin học đều cảm thấy thú vị trước sự hiện đại của máy tính. Nam phụ huynh này phấn khởi cho biết: “Hai bố con học được mấy bữa rồi, thích lắm. Cái này còn tiện hơn cả tivi nên chắc mấy hôm nữa mua một cái về cho cả nhà sử dụng, để cho con gái học luôn”.


Đây là chương trình do những trí thức trẻ trực tiếp tổ chức và hoạt động. (Ảnh: Ngọc Huyền)

Đây là chương trình do những trí thức trẻ trực tiếp tổ chức và hoạt động. (Ảnh: Ngọc Huyền)

Được biết, ngoài việc dạy cho học sinh tiếp cận với công nghệ thông tin, đội hình Trí thức Khoa học trẻ tình nguyện đã tổ chức lớp tập huấn tin học văn phòng dành cho cán bộ, nhân viên tại trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi. Lớp học do các cán bộ trẻ của trung tâm trực tiếp truyền đạt những kiến thức nâng cao về Word, Excel và Power Point, Proshow Gold… - những phần mềm phục vụ công việc hiện tại của các giáo viên cũng như cán bộ, nhân viên đang công tác tại trường.

Cô Phạm Thị Thu Huyền, Hiệu trưởng trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi đánh giá: “Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi đóng chân trên xã vùng sâu vùng xa Đắk Som, các em hầu như chưa bao giờ được tiếp cận với máy tính, màn hình chiếu… Thông qua chương trình, những tri thức khoa học công nghệ lần đầu tiên được truyền đạt đến các em, giúp các em học sinh dân tộc thiểu số ở đây được mở mang kiến thức, có những ngày hè bổ ích hơn. Về phía nhà trường, chúng tôi rất hoan nghênh và ghi nhận những đóng góp tích cực đến từ chương trình của những thanh niên, trí thức trẻ tình nguyện”.

Dương Phong

Dòng sự kiện: Gương sáng giáo dục