“Thương hiệu” giáo dục

Nhưng điều quan trọng hơn cả, có lẽ là với việc hợp tác này, các trường đại học của Trung Quốc có cơ hội “đánh bóng” tên tuổi, tiến tới tạo ra những “thương hiệu” giáo dục nổi danh như Harvard, Yale...

Theo một thỏa thuận mới đây giữa Trường Đại học Yale nổi danh của Mỹ với trường Đại học Bắc Kinh, trong thời gian tới, Trường Đại học Bắc Kinh sẽ đón nhận các sinh viên Yale tới học chung với các sinh viên Trung Quốc tại các lớp học và các ký túc xá chuyên biệt.

 

Với thỏa thuận này, đây là lần đầu tiên sinh viên Trung Quốc và sinh viên Mỹ có mối quan hệ gần gũi giao lưu thường ngày với nhau trong một trường học.

 

Nhưng không chỉ vì yếu tố “đầu tiên” mà sự kiện này thu hút sự chú ý của công luận. Nó trở thành một sự kiện bởi vì nếu như nhìn nhận lại lịch sử giáo dục đại học của Trung Quốc thì đây quả thật là sự biến chuyển mà trong một thời gian ngắn trước đây, người ta khó có thể hình dung ra nổi.

 

Lý do là vì trước đây, hầu như chỉ có trào lưu sinh viên Trung Quốc ra nước ngoài, tìm đến các trường đại học danh tiếng như Harvard, Oxford, Yale... để học tập và thông thường, sau khi tốt nghiệp, họ thường ở lại để tìm công ăn việc làm. Hàng trăm ngàn sinh viên Trung Quốc đã đi theo con đường này và trở thành nguồn chất xám quý giá để phục vụ nền khoa học, kinh tế của các nước sở tại.

 

Cách đây vài chục năm, cũng có một số sinh viên nước ngoài tới Trung Quốc học tập, chủ yếu là từ các nước XHCN và châu Phi, nhưng chủ yếu là xuất phát từ mục đích chính trị, quan hệ nhà nước...

 

Giờ đây, nhiều trường đại học của Trung Quốc đã tìm cách thu hút sinh viên ngoại quốc, hợp tác với các trường đại học hàng đầu quốc tế nhằm tìm cách vươn tới một vị thế mới trên bản đồ giáo dục thế giới.

 

Việc hợp tác với các trường đại học danh tiếng nước ngoài, thu hút sinh viên ngoại quốc từ các trường này tới học tập chung với sinh viên Trung Quốc có mấy cái lợi: vừa học hỏi được kinh nghiệm của đối tác nước ngoài để cạnh tranh tốt hơn, vừa tạo nguồn thu ngoại tệ.

 

Nhưng điều quan trọng hơn cả, có lẽ là với việc hợp tác này, các trường đại học của Trung Quốc có cơ hội “đánh bóng” tên tuổi, tiến tới tạo ra những “thương hiệu” giáo dục nổi danh như Harvard, Yale...

 

Một trong những “thương hiệu” giáo dục đại học của Trung Quốc đã bắt đầu được nhiều người biết tới là Đại học Thanh Hoa.

 

Dường như Trung Quốc đang đi bước đầu trên con đường tạo ra những trường đại học có đẳng cấp quốc tế.

 

Theo Phan Đăng

Người Lao Động