Thủ khoa xuất sắc khối xã hội: Không chốn “dung thân”

(Dân trí) - Ở thành phố ngàn năm văn hiến và được coi là mảnh đất luôn trải thảm đỏ thu hút nhân tài, nay lại được mở rộng thành một trong 20 thành phố lớn nhất thế giới là Hà Nội, thủ khoa xuất sắc ngành xã hội cũng khó mà tìm được chốn “dung thân”.

Theo thông báo của Sở Nội vụ Hà Nội về nhu cầu tuyển dụng thủ khoa xuất sắc của năm 2008, TP Hà Nội cần tuyển dụng thủ khoa cho 6 nhóm ngành

1- Nhóm ngành về quy hoạch, quản lý đô thị, xây dựng, môi trường

2- Nhóm ngành đào tạo về khoa học kỹ thuật - công nghệ

3- Nhóm ngành về quản lý nhà nước: Các chuyên ngành luật, hành chính công, QLNN về đất đai, văn hóa…

4- Nhóm ngành y, dược

5- Nhóm ngành về giáo dục, sư phạm

6- Nhóm ngành về thủy sản

Theo đó, có 12 Sở, ngành và UBND huyện có thông báo “tuyển thẳng” thủ khoa xuất sắc của năm 2008. Chỉ rất ít trường hợp cần tuyển trong đó thuộc nhóm ngành xã hội nhưng lại ở vị trí rất “buồn”. Ví dụ như ở Sở Kế hoạch và Đầu tư cần tuyển cho vị trí lưu trữ học và quản trị văn phòng công tác trong lĩnh vực văn thư - hành chính và lưu trữ!

Một số trường hợp còn lại cần tuyển thì lại đòi hỏi ứng viên thủ khoa xuất sắc ngành xã hội phải là nam, trong khi, những ngành này, nữ giới thường chiếm thế thượng phong và ngôi vị thủ khoa cũng vậy. UBND quận Đống Đa cần tuyển thủ khoa xuất sắc ngành Văn hóa - chuyên ngành thư viện nhưng phải là... nam.

Một cơ hội hiếm khác cho thủ khoa ngành xã hội là UBND huyện Thanh Trì cần tuyển ngành Triết học - Đông phương học để công tác trong lĩnh vực tôn giáo.

Thủ khoa của ngành xây dựng và giao thông là “đắt hàng” nhất. Hầu như ở Sở, ngành nào cũng có nhu cầu cần tuyển. Sở Xây dựng hà Nội cần tuyển tới 7 thủ khoa kỹ sư xây dựng, UBND quận Ba Đình cần tuyển 3 thủ khoa xuất sắc thì cả vị trí cần tuyển đều thuộc nhóm ngành này. Tương tự, 4/5 vị trí cần tuyển của UBND huyện Mỹ Đức đều thuộc về lĩnh vực xây dựng và giao thông…

Oải vì chính sách thu nhút nhân tài!

Có một thực tế tồn tại từ nhiều năm nay là dù có “đắt hàng” hay không “đắt hàng” thì thủ khoa xuất sắc thường cũng không mấy mặn mà với những sở, ban ngành mời gọi mình. Tại một cuộc tạo đàm do Thành đoàn TP Hà Nội với chủ đề “Chính sách thu hút nhân tài của thành phố” được tổ chức hồi cuối tháng 8 với sự có mặt của nhiều sở, ngành của thành phố, thực tế này được gọi tên là “oải vì chính sách thu hút nhân tài”.

“Thanh minh” cho chính sách trải thảm đỏ của Hà Nội, bà Nguyễn Thị Vinh, Phó giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội cho biết, so với những ứng viên muốn vào làm việc tại Hà Nội thì các thủ khoa xuất sắc có nhiều ưu đãi hơn. Nếu ngành thành phố tuyển phù hợp với ngành thủ khoa được đào tạo thì thủ khoa sẽ được tuyển thẳng, không nhất thiết phải có hộ khẩu tại Hà Nội.

Thủ khoa còn nhận được nhiều ưu đãi khác như nếu được tuyển dụng vào và được các trường cho học chuyển tiếp luôn thì thành phố tạo điều kiện cho đi học luôn, kinh phí hỗ trợ = 1,5 lương tối thiểu + kinh phí mua tài liệu + khi bảo vệ luận văn thạc sĩ được hỗ trợ 30 lần mức lương tối thiểu, nghiên cứu sinh được 80 lần mức lương tối thiểu (đối với đào tạo trong nước).

Nếu thủ khoa đã được tuyển dụng và xin được học bổng ở nước ngoài thì thành phố vẫn tạo điều kiện cho đi học và được hỗ trợ 100USD/tháng. Nếu đã được tuyển dụng và đi học ở nước ngoài theo chương trình của thành phố cử đi thì thành phố cũng tạo điều kiện cho vay 100% kinh phí đi đào tạo ở nước ngoài và căn cứ vào kết quả học tập tại nước ngoài của các thủ khoa để tính toán kinh phí. Nếu kết quả đạt loại tốt, thủ khoa sẽ được 100% kinh phí, nếu đạt loại khá thì được 70% và phải bồi hoàn lại 30%. Nếu trung bình thì được hỗ trợ 50%, bồi hoàn lại 50%. Nếu không hoàn thành kết quả học tập thì phải hoàn trả 100% kinh phí.

Tuy nhiên, từng ấy ưu đãi cũng chưa bao giờ là đủ. Chính vì thế mới diễn ra thực thế như theo khẳng định của ông Nguyễn Văn Phong, Bí thư Thành đoàn Hà Nội: “Tôi tin chắc 50% các thủ khoa xuất sắc thường đã được giữ lại trường, số còn lại các em cũng đã xin được học bổng đi du học, chỉ còn lại khoảng 15-20% có nhu cầu đi xin việc và trong số này, có nhu cầu về thành phố là rất ít”.

Đoàn Trần