Thi tốt nghiệp THPT lần 2: Bộ cập rập, trò thờ ơ!

(Dân trí) - Trong khi lãnh đạo các cấp cập rập chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT lần 2, thì họ lại phải đối mặt với một tình trạng không mấy hứng khởi là có quá nhiều học sinh thi trượt tỏ ra thờ ơ với việc ôn và thi, thậm chí cho tiền cũng không thèm… tới lớp.

Chỉ còn 3 ngày nữa, kỳ thi tốt nghiệp THPT lần 2 diễn ra, theo dự báo sẽ có  khoảng 300 nghìn thí sinh trong tổng số hơn 400 nghìn thí sinh đã trượt lần 1.

“Quan” có cần nhưng...

Vào thời điểm này, Ban chỉ đạo thi và kiểm tra thi năm 2007 Bộ GD-ĐT có lẽ như ngồi trên đống lửa. Công văn chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT lần 2 đã được gửi đi hoả tốc xuống các địa phương từ nhiều ngày qua. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long nhấn mạnh: Rút kinh nghiệm từ kỳ thi lần 1, phải thực hiện chặt chẽ quy trình sao in đề thi, đảm bảo chính xác, đầy đủ, bí mật, an toàn. Bộ vừa yêu cầu các Ban chỉ đạo và kiểm tra thi cấp tỉnh, các Sở GD-ĐT, các trường đại học, cao đẳng, học viện, cục Nhà trường Bộ Quốc phòng thực hiện nghiêm túc kỳ thi tốt nghiệp THPT và bổ túc THPT lần 2, diễn ra từ 18 – 20/8 trên phạm vi toàn quốc như kỳ thi lần 1.

Đặc biệt, về đề thi, Thứ trưởng Long nhắc đi nhắc lại rằng để tránh sai sót, nhầm lẫn trong sao in đề thi cần lưu ý: sao in đề thi lần lượt cho từng môn thi, sao in xong, niêm phong đóng gói theo phòng thi, thu dọn sạch sẽ, sau đó mới chuyển sang sao in đề thi của môn tiếp theo.

Trong trường hợp có sự cố gây nghi vấn về sự không đồng nhất giữa phần ghi bên ngoài bì đề thi và đề thi chứa bên trong cần thận trọng và bình tĩnh xử lý bằng cách cắt mép bì đề thi theo quy định, kéo 1/3 trang đề thi ra để quan sát; nếu phát hiện đề thi không phải môn thi dùng cho buổi thi thì ngay lập tức niêm phong và báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý.

Tại cơ quan đầu não của ngành giáo dục, không khí thi tốt nghiệp lần 2 đã được đẩy lên hừng hực không kém gì lần 1. Bộ cũng đã sẵn sàng kế hoạch thành lập các đoàn công tác đi kiểm tra, đôn đốc công tác tổ chức thi tại một số tỉnh chưa tổ chức thật tốt kỳ thi lần 1.

Bộ cũng yêu cầu các địa phương bên cạnh việc điều động, quán triệt quy chế và tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác thi, thanh tra thi...

...nhưng “dân” không vội

Từ nhiều ngày qua, không khí ôn tập uể oải rệu rã của thí sinh đã liên tục được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng với nhiều dẫn chứng sinh động của việc cho tiền cũng không... thèm đi học!

Tại ngôi trường có tỷ lệ tốt nghiệp lần 1 % Đinh Tiên Hoàng (huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi) mỗi học sinh được Sở GD-ĐT hỗ trợ 300.000 đồng, huyện hỗ trợ 20 kg gạo trong hai tháng học ôn tập. Nhưng, như lời của một thầy giáo ở đây thì  nhiều học sinh miền núi... trốn biệt khi biết tin thi trượt tốt nghiệp, vận động được các em ra lớp ôn tập để thi lại là vô cùng gian khó. Trong tổng số 52 học sinh của trường thi trượt chỉ có 20 em chịu đến ôn.

 

Những trường thuộc diện gian khó thì bỏ ôn đã đành, nhưng ngay ở những trường được coi là có chất lượng học sinh khá tốt như THPT Nam Đàn 1, Thanh Chương (thuộc tỉnh Nghệ An), tinh thần của thí sinh cũng không hơn gì khi số học sinh trượt không chịu ôn luôn ở con số vài chục %.

 

Còn như tại tỉnh Ninh Thuận, học sinh không phải đóng bất cứ khoản chi phí nào trong suốt thời gian ôn tập 8 tuần với thời lượng 20 tiết/tuần; riêng học sinh của Trường THPT dân tộc nội trú Phan Rang còn được ngân sách tỉnh cấp 2 tháng... học bổng để ôn thi lại nhưng cũng chỉ có 20% học sinh đến lớp, thậm chí có những trường trong cả 8 tuần qua không có học sinh nào đến lớp!

 

Tương tự với Ninh Thuận, mặc dù “tung” ra rất nhiều mời chào hấp dẫn nhưng Gia Lai vẫn có tới gần 1300 học sinh trong tổng số 6.103 thí sinh thi trượt đợt 1  không học lại và cũng không thèm thi lại. 

 

Ninh Bình chỉ có hơn 50% học sinh trượt tốt nghiệp thi lần 2 đến đăng ký dự thi lại trong tổng số gần 6.000 thí sinh đã trượt. Lãnh đạo Sở GD-ĐT Ninh Bình cho hay: “Tâm lý của nhiều học sinh đã chán nản, không hy vọng vào kỳ thi lần 2 này do kiến thức bị hổng quá lớn. Rất nhiều thí sinh có tổng điểm thi tốt nghiệp lần 1 từ 0 đến 15 điểm, vì vậy các em đã nghĩ để có thể đạt đủ 30 điểm sau hai tháng ôn tập là điều không đơn giản nên bỏ cho xong”.

 

Và như vậy thì rõ ràng mọi nỗ lực của ngành giáo dục để có một kỳ thi tốt nghiệp lần 2 thực chất đã trở giống như những nỗ lực để ... “đấm bị bông”.

 

"Thi lần 2 là một cách làm hình thức!"

 

"Không biết kỳ thi lần II sắp tới sẽ như thế nào nhưng khi đã đặt thêm một kỳ thi tốn kém thì chắc người ta cũng phải hy vọng vớt thêm được một số đáng kể thí sinh nữa. Thực ra đấy cũng là cách làm rất hình thức. Đề thi lần I dễ như vậy mà không qua nổi, làm sao chỉ học thêm vài tháng mà khá được.

 

Việc tổ chức thi kỳ II xuất phát từ ý tốt, song sẽ tốn kém, căng thẳng, mà kết quả có thể nhìn thấy trước sẽ chẳng bao nhiêu, trừ khi lại ra đề thật dễ để vớt hết đa số. Bấy nhiêu vấn đề phức tạp, căn bản đều do vẫn cố bám những quan niệm cũ kỹ về học và thi. Vì vậy, tuy những cải tiến vừa qua rất đáng trân trọng, nhưng thật lòng tôi vẫn cảm thấy chưa ổn. Trong thời buổi hội nhập và cạnh tranh ngày càng gay gắt, nếu chúng ta cứ mải mê luyến tiếc những cái cũ kỹ, lỗi thời, không chịu bứt ra để có những đột phá lớn thì bao giờ mới theo kịp thiên hạ" - GS Hoàng Tuỵ

 

Mai Minh