“Thí sinh cần tích cực nộp NV2”

(Dân trí) - Đó là những dòng chữ rất to và rất rõ “chạy” trên trang web của nhiều trường ĐH dân lập. Nguyện vọng 2 chen chân, nóng bỏng ở đâu thì “mặc” nhưng “khu vực” này, thí sinh luôn nhận được những lời giục giã kiểu như: chỉ bằng điểm sàn, bao nhiêu cũng đủ!

Mặc dù theo quy định của Bộ GD-ĐT thì đến 25/8 mới là ngày bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển NV2 nhưng không ít trường vẫn đăng đàn kêu gọi tha thiết như vậy!

 

Khổ vì hai chữ “Dân lập”

 

Có thí sinh khi gọi về Dân trí đã “bắt đền” vì : “Em nộp hồ sơ dự thi vào ĐH Kiến trúc Đà Nẵng, thi xong rồi mới biết đó là ĐH dân lập. Em không chịu đâu!” Còn nhiều thí sinh khác đã trượt NV1, khi xem điểm chuẩn của nhiều trường xấp xỉ mức sàn hăm hở gọi tới hỏi thông tin, nhưng khi biết đó là trường dân lập thì đã ngay lập tức... cụt hứng!

 

Hai chữ “dân lập” là một thực tế “đau thương” mà HĐTS các trường dân lập năm nào cũng phải đối mặt. Cố bỏ qua thực tế này, một số HĐTS dân lập đành phải nén “đau thương” để nhìn về một tương lai sáng sủa hơn với NV2, 3 và tự “dỗ dành” rằng do thí sinh không nắm được thông tin, khi trượt NV 1 thường cứ nộp hồ sơ vào các trường công lập, đến khi trượt NV 2 rồi mới nhớ ra các trường ngoài công lập. Chính vì thế, điểm tuyển NV 1, 2 hay 3 của các trường dân lập thường giống hệt nhau ở mức bằng sàn để luôn rộng mở vòng tay đối với mọi thí sinh!

 

Năm nào cũng như năm nào, trong suốt 3 năm qua, danh sách tuyển NV2, NV3 của một loạt các trường dân lập Thăng Long, Phương Đông, Đông Đô, Văn Hiến, Hùng Vương,  Phú Xuân, Duy Tân... vẫn không mấy thay đổi với điệp khúc triền miên thiếu chỉ tiêu.

 

Không phải vì các trường dân lập không biết tự quảng bá thương hiệu để thu hút thí sinh mà gần như đã trở thành “dớp” trong nhiều năm qua, đầu vào của các trường dân lập thường quá kém, có quảng bá mấy nhưng khi vấp phải một đầu vào yếu như vậy, cộng với mức điểm sàn của Bộ GD-ĐT “chặn” bên trên thì bao nhiêu thí sinh rồi cũng rơi rụng hết!

 

Chẳng hạn như ĐH dân lập Yesin - Đà Lạt chỉ có vẻn vẹn... 2 thí sinh đạt được kết quả thi 15 điểm, còn lại tất cả thí sinh đều dưới mức điểm sàn. Dân lập Phú Xuân có khá hơn với... 4 thí sinh, Văn Hiến với 5 thí sinh đạt mức 15.

 

Rất cần “tháo gông”

 

“Tại sao các trường ĐH công lập không kèm từ “công lập” sau cái tên của mình như ĐH công lập Bách khoa, ĐH công lập Xây dựng ĐH công lập Ngoại thương... mà chỉ có ĐH dân lập phải “đeo gông”!” Rất bức xúc, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội Lê Khắc Đoá đã đưa ra nhận xét như vậy.

 

Được biết, trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội vốn có tiền thân là trường ĐH dân lập quản lý và kinh doanh. Từ năm 2006 đã được đổi tên và bỏ hẳn “mác” dân lập. Sau hai năm được bỏ “mác” dân lập, việc tuyển sinh của trường đã khởi sắc thấy rõ. Năm 2007, số thí sinh đăng ký dự thi vào trường đã tăng tới hơn 300% so với năm 2006! Cùng với số thí sinh đăng ký dự thi tăng lên thì chất lượng đầu vào cũng tăng lên theo. Nếu lấy theo mức điểm sàn 15 điểm của khối A, trường cũng tuyển được tới 979 thí sinh/870 chỉ tiêu.

 

Là một 30 thành viên của Hội đồng xây dựng điểm sàn năm 2007, GS Hoàng Xuân Sính, Chủ tịch HĐQT trường ĐH dân lập Thăng Long không có ý kiến gì về mức sàn 15 đối với khối A, B, 14 khối C và 13 khối D mà Hội đồng đã quyết định mặc dù với mức điểm sàn là 15 của khối A, ĐH dân lập Thăng Long chỉ tuyển được 133 thí sinh/560 chỉ tiêu.

 

Theo GS Sính thì chất lượng đầu vào của các trường ĐH rất cần một mức điểm sàn để đảm bảo. Nhưng muốn tuyển sinh được thì cần lắm là sự thay đối trong nhận thức của thí sinh và phụ huynh. Mà nhận thức này muốn thay đổi thì các trường ĐH dân lập cần phải được “tháo gông”.

 

Như vậy, trong khi lãnh đạo Bộ GD-ĐT luôn “góp ý” rằng các trường ĐH dân lập phải tự khẳng định mình, tự quảng cáo cho mình trở nên hấp dẫn vì nguồn tuyển sinh luôn rất dồi dào thì các trường dân lập vẫn ngập chìm trong cảnh tuyển sinh ngắc ngoải. Có lẽ, vấn đề không phải quá sâu sa từ việc khẳng định hay tự quảng cáo mà chỉ đơn giản là ở những “cái gông”!

 

Mai Minh