“Thầy giáo của học trò nghèo”

Học giỏi nhưng nhà nghèo nên không thể học đại học, anh Huỳnh Tưởng về làm ruộng, nuôi vịt, tự học rồi mở lớp dạy miễn phí cho học trò nghèo. Niềm vui bất ngờ khi hầu hết học trò của anh Tưởng đều đỗ đạt.

Đến khu phố 3, phường Phú Thạnh, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, hỏi thăm anh Huỳnh Tưởng ai cũng biết. Người dân nghèo ở đây gọi anh là “thầy giáo của học trò nghèo” một cách trìu mến.

 

“Thầy giáo của học trò nghèo” - 1
Lớp học của thầy giáo Huỳnh Tưởng.

 

Học qua sách báo

 

Chúng tôi đến thăm đúng lúc anh Tưởng đang giảng bài. Gia đình anh sống trong ngôi nhà ngói cũ cấp 4 chưa tới 50 m2, vợ anh là giáo viên tiểu học. Năm 1981, tốt nghiệp THPT, dù học rất giỏi và ước muốn cháy bỏng được theo ngành sư phạm nhưng rồi anh đành bỏ vì gia đình quá nghèo.

 

Anh Tưởng trầm ngâm: “Không được học hành đến nơi đến chốn nhưng nhờ chịu khó học hỏi kinh nghiệm ở sách báo, tôi đã tích lũy được chút ít kỹ năng sư phạm”. Có cha kèm cặp từ nhỏ nên 3 đứa con của vợ chồng anh lần lượt đều đậu vào đại học (ĐH).

 

Chuyện anh Tưởng kèm cặp việc học của các con thành công lan khắp vùng quê nghèo. Nhiều gia đình đưa con đến xin anh kèm cặp. Anh nhất định từ chối bởi không có ý định mở lớp dạy học nhưng bà con cứ nài nỉ mãi.

 

“Họ cũng như gia đình tôi ngày trước, muốn con cái học hành thành đạt nhưng ngặt nỗi kinh tế khó khăn quá nên không thể cho con đi học thêm những nơi học phí quá cao. Mình có chút kiến thức không giúp bà con thì không đành lòng”. Anh Tưởng kể về lý do vì sao sau đó mở lớp học miễn phí tại nhà.

 

Học trò tìm đến học có lúc chỉ một người, anh cũng say sưa dạy. Có em ở vùng biển cách hơn 20 km, khi mưa to gió lớn vợ anh phải nấu thêm cơm để các em ăn và ngủ lại.

 

Tâm sự với chúng tôi, anh trầm tư: “Tôi dạy cho các em như dạy chính con mình. Bởi lẽ những người gửi con cho tôi đều là gia đình khó khăn cả. Mình từng ao ước được bước chân vào giảng đường ĐH nhưng không thực hiện được, bây giờ phải giúp cho các em đừng sa cơ, lỡ vận như mình. Cũng có vài phụ huynh đòi trả học phí sòng phẳng nhưng tôi nói rằng chỉ dạy cho học sinh nghèo để trả món nợ ao ước của tôi hai mươi năm về trước mà thôi”...

 

Hạnh phúc bất ngờ

 

Trong 3 năm qua, ngoài việc chăm đàn vịt đẻ và hơn 2 sào ruộng để phụ với vợ nuôi các con học ĐH, anh Tưởng tranh thủ học thêm và đã tốt nghiệp Khoa toán Trường ĐH Huế hệ đào tạo từ xa, để củng cố kiến thức một cách bài bản.

 

Điều hạnh phúc nhất mà anh Tưởng kể chính là học trò đã không phụ lòng anh, biết vượt khó khăn để học tập. Các em lần lượt vượt qua kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhiều em đậu thẳng vào ĐH, CĐ. năm 2008 chỉ có 4 em đậu vào các trường ĐH, CĐ; năm 2009 có 8 em và kỳ thi năm 2010 có đến 10 em đậu thẳng.

 

Vui nhất là trường hợp em Nguyễn Văn Duy đã hỏng kiến thức căn bản, nhờ anh Tưởng tích cực kèm cặp, đã đậu vào Trường ĐH Bách khoa TPHCM với 27 điểm.

 

Đang tâm sự với chúng tôi thì có khách đến tặng một cặp cá ngừ. Đấy là vợ chồng ông Phạm Bơn, phụ huynh của em Phạm Bạo, vừa đậu cùng lúc hai trường ĐH. Vợ ông Bơn xúc động: “Chúng tôi nghèo lắm, lo đi biển kiếm sống từng ngày. May nhờ có thầy Tưởng thương tình kèm cặp cho cháu suốt 3 năm qua mà không hề lấy một đồng. Ơn này không bao giờ trả hết”.

 

Sẽ báo cáo điển hình  

 

Ông Trần Dũng, Phó Chủ tịch UBND phường Phú Thạnh, cho biết rất trân trọng việc làm của anh Huỳnh Tưởng trong việc góp phần giáo dục trẻ em nghèo ở địa phương. UBND phường đã có kế hoạch mời anh giảng dạy tại trung tâm học tập cộng đồng của phường vào đầu năm 2011.

 

Ông Lê Văn Hữu, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Phú Yên, cho biết hội sẽ mời anh làm đại biểu chính thức đi báo cáo điển hình tại Đại hội Đại biểu Hội Khuyến học tỉnh Phú Yên lần thứ II (2010-2015) vào tháng 12 tới.

 

Theo Hoàng Thế - Hải Sơn

Người Lao Động