Thành công tuyệt vời của phương châm “Chung sống với lũ”

(Dân trí) - Đề tài khoa học “Thoát lũ ra Biển Tây” của cố GS Nguyễn Sinh Huy đã được giải thưởng Nhân Tài Đất Việt năm 2012 vinh danh. Nhân dịp Xuân mới, chúng tôi xin giới thiệu tới bạn đọc bài viết của Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu xung quanh thành công này.

Công trình “Thoát lũ ra Biển Tây” của cố GS Nguyễn Sinh Huy có tính thực tiễn cao, mang tầm ảnh hưởng lớn đối với hàng triệu người sống ở vùng Tứ giác Long Xuyên.  

Tháng 6 năm 1975, tôi được Ban Bí thư điều động vào Nam công tác để nhận nhiệm vụ tổ chức Viện Khoa học Kỹ thuật miền Nam do Trung ương Cục miền Nam giao cho và ngay sau đó đã có dịp đi khảo sát hai vùng lũ ở đồng bằng sông Cửu Long vào thời kỳ này còn rất hoang vu là Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên. Sau này, khi đã trở về Hà Nội, tôi vẫn thường xuyên được điều động tham gia các hoạt động khoa học ở miền Tây Nam Bộ, cho đến khi hoàn thành hệ thống công trình điều khiển lũ ở Tứ giác Long Xuyên thoát lũ ra Biển Tây vào năm 2000. Một phần tư thế kỷ hoạt động ở miền Tây Nam Bộ đã để lại trong ký ức của tôi bao nhiêu kỷ niệm sâu sắc, mà lý thú nhất là sự hình thành phương châm “chung sống với lũ”.

Vào những năm cuối thập kỷ 80 và đầu thập kỷ 90 thế kỷ trước, việc thực hiện chủ trương khai thác Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên gặp một trở ngại lớn là nguồn nước lũ rất mạnh từ cánh đồng phía trên tràn vào qua biên giới Tây Nam. Trong các cuộc họp của Thủ tướng Võ Văn Kiệt với lãnh đạo các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long vấn đề chống lũ lần nào cũng được thảo luận rất sôi nổi. Đã từng có ý kiến đề xuất quy hoạch xây dựng một hệ thống đồ sộ các công trình ngăn lũ và thoát lũ đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hai vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên như Đồng bằng sông Hồng, song ý tưởng này đã không nhận được sự đồng tình của lãnh đạo các tỉnh vì hệ thống công trình chống lũ tuyệt đối đó sẽ triệt tiêu những lợi ích to lớn mà dòng nước lũ mang lại cho người dân đồng bằng sông Cửu Long.

Được khích lệ bởi những ý kiến khẳng định lợi ích của lũ ở đồng bằng sông Cửu Long, với những kết quả nghiên cứu khoa học rất phong phú về Đồng Tháp Mười, ngày 25 tháng 11 năm 1995. Trung tâm Khoa học tự nhiên và Công nghệ Quốc gia (nay là Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) tổ chức tại Thị xã Cao Lãnh Hội nghị khoa học về “Sử dụng tài nguyên nước và hạn chế hậu quả lũ lụt vùng Đồng Tháp Mười”. Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đến dự. Tại Hội nghị này, Giáo sư Nguyễn Sinh Huy đã trình bày báo cáo chính nêu rõ những nguyên lý về điều khiển lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long và phân tích đầy đủ cả tác hại lẫn lợi ích của dòng nước lũ. Sau khi nghe xong tham luận của các nhà khoa học, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã phát biểu ý kiến rất đồng tình với việc cần chú trọng cả việc phát huy lợi ích của nước lũ và đề xuất với các nhà khoa học phương châm chỉ đạo việc nghiên cứu điều khiển lũ là “chung sống với lũ”.

Tiếp theo đó, tại Hội nghị của Chính phủ và lãnh đạo các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long trong hai ngày 9 và 10 tháng 1 năm 1996, Thủ tướng đã chỉ đạo: “Phải coi lũ lụt ở Đồng bằng sông Cửu Long như một tài nguyên, cần lợi dụng, khai thác triệt để những lợi ích của nước lũ”. Đúng một tháng sau, tại Quyết định số 99/TTg ngày 9 tháng 2 năm 1996 về định hướng dài hạn và kế hoạch 5 năm (1996-2000) phát triển thủy lợi, giao thông và xây dựng nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Điều 2, khoản 1 có toàn văn như sau: Nghiên cứu các biện pháp thoát lũ tràn từ biên giới Cămpuchia theo hướng đưa qua sông Vàm Cỏ và Vịnh Thái Lan.

Ngay sau khi Quyết định 99/TTg được công bố, một tập thể khoa học đa ngành gồm các anh Nguyễn Sinh Huy (Trường đại học Thủy lợi), anh Hồ Chín và chị Nguyễn Thị Hồng Hà (Trung tâm Địa học thành phố Hồ Chí Minh), anh Nguyễn Tất Đắc (Viện Cơ học ứng dụng), anh Cao Tất Thuận (nguyên là cán bộ Phân viện Quy hoạch thủy lợi Nam Bộ), anh Nguyễn Đình Phước (Đài khí tượng thủy văn Nam Bộ), anh Cao Tấn Khoan và anh Vũ Quý Hiển (Công ty tư vấn thiết kế thủy lợi 2) đã đề xuất với Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề tài cấp nhà nước về điều khiển lũ ở Tứ giác Long Xuyên-thoát lũ ra Biển Tây, và được Bộ phê duyệt. Kết quả nghiên cứu đã được Hội đồng Khoa học cấp nhà nước do Giáo sư Nguyễn Ân Niên, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật thủy lợi miền Nam, làm Chủ tịch đánh giá cao và đã được sử dụng làm cơ sở khoa học để thiết kế và xây dựng một hệ thống công trình điều khiển lũ ở Tứ giác Long Xuyên mà công trình đầu tiên là kênh T5.

Sơ đồ thiết kế và quy trình vận hành toàn bộ hệ thống công trình đã thể hiện rất rõ việc thực hiện phương châm “chung sống với lũ”. Nhiệm vụ của hệ thống công trình không phải là ngăn chặn hoàn toàn nước lũ chảy từ biên giới chui qua bảy cầu trên đoạn quốc lộ 90 từ Châu Đốc đến Nhà Bàn rồi chảy tràn vào vùng trũng của Tứ giác Long Xuyên ở phía bờ tây sông Hậu, mà chỉ ngăn chặn lũ đầu vụ để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho việc thu hoạch lúa vụ 2 tại vùng trũng này và tạo điều kiện cho nước phù sa sông Hậu chảy sâu vào trong nội đồng theo các kênh ngang được đào để lấy nước sông Hậu, làm tăng thêm độ phì nhiêu của ruộng đất. Còn lũ chính vụ vào những năm có lũ lớn thì không thể nào thoát hết ra biển Tây, buộc lòng lại phải cho chảy vào vùng trũng của Tứ giác Long Xuyên ở phía bờ tây sông Hậu và cho vùng này nghỉ lúa vụ 3. Vì cuối vụ 2 vùng này hoàn toàn khô ráo cho nên hạ thấp được mực nước sau khi xả lũ chính vụ xuống khoảng 40 cm so với khi không ngăn lũ đầu vụ. Việc hạ thấp mực nước thời kỳ lũ chính vụ 40 cm là đủ để đảm bảo sự an toàn cho tất cả các khu dân cư trong vùng. Nếu nghỉ trồng lúa vụ 3 và làm việc khác như đánh bắt thủy sản, chế biến lương thực, chuẩn bị vụ lúa năm sau, nghỉ ngơi giải trí, học tập văn hóa thì không bị thiệt hại gì. Chung sống với lũ là như thế đấy. Chính Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã mô tả cuộc đời sống chung với lũ như vậy trong bài phát biểu của ông tại Hội nghị Cao Lãnh ngày 25 tháng 11 năm 1995. Khi nghe ông nói như vậy, tôi thầm nghĩ: “Anh Sáu lãng mạn quá”.

Để có thể điều khiển dòng lũ vào vùng trũng của Tứ giác Long Xuyên như vừa trình bày, không thể bịt kín cả 7 cầu, mà chỉ bịt kín 5 cầu, ở phía dưới hai cầu còn lại lắp hai đập cao su Tha La và Trà Sư,  khi cần ngăn lũ thì bơm nước vào làm cho đập phồng lên, khi phải xả lũ thì tháo nước ra cho đập xẹp xuống. Hai đập cao su đã hoạt động và phát huy tác dụng suốt 15 năm qua.

Dòng nước lũ đầu vụ bị ngăn lại không cho chảy vào vùng trũng của Tứ giác Long Xuyên được chuyển sang phía tây dọc theo biên giới rồi theo kênh T5 chảy về tưới cho một vùng đất phèn khô hạn của hai tỉnh An Giang và Kiên Giang, biến vùng này thành một vùng lúa cao sản của hai tỉnh, cuối cùng thoát ra Biển Tây.

Ngoài việc xây dựng các công trình nói trên, một loạt các biện pháp công trình khác đã được thực hiện, như phá một đoạn đường quốc lộ từ Xuân Tô đi Tà Keo và thay bằng cầu cạn dài khoảng 400m để chuyển lũ từ phía đông con đường sang phía tây (chui qua cầu cạn), nạo vét và đắp cao bờ nam kênh Vĩnh Tế để tăng khả năng thoát lũ của kênh và ngăn lũ tràn qua bờ kênh chảy vào đồng ruộng, xây cống ngăn mặn trên tất cả các con kênh chảy ra Biển Tây… Đến cuối năm 2000, một hệ thống công trình điều khiển lũ đồng bộ và hoàn chỉnh được xây dựng xong, tạo nên một vùng lúa cao sản rộng lớn mới ở Tứ giác Long Xuyên.

Ngày 22 tháng 11 năm 2012 Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam và Ủy ban nhân dân hai tỉnh An Giang, Kiên Giang đã tổ chức Hội thảo khoa học “20 năm khai thác, phát triển kinh tế - xã hội vùng Tứ giác Long Xuyên”. Theo báo cáo tổng kết, sản lượng lúa của vùng này đã tăng từ 600 ngàn tấn/năm lên đến 4,73 triệu tấn/năm. Hệ thống công trình điều khiển lũ ở Tứ giác Long Xuyên được xây dựng dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã có đóng góp quan trọng vào thành công lớn lao đó của nhân dân hai tỉnh An Giang và Kiên Giang và là sự vận dụng sáng tạo phương châm “chung sống với lũ” do Ông đề xuất. Ngay sau khi vừa được đào xong vào năm 1997, kênh T5 đã phát huy tác dụng và được nhân dân trong vùng gọi là kênh “Ông Kiệt”. Năm 2009 Hội đồng Nhân dân tỉnh An Giang đã đặt tên kênh T5 là kênh Võ Văn Kiệt và quyết định xây dựng tại đầu kênh Công viên Võ Văn Kiệt và Tượng đài Võ Văn Kiệt với Văn bia như sau: “Người nhờ đất để sống. Đất nhờ người có tên. Người nhờ người dẫn lối... Ông đã ghi đậm dấu ấn trên đồng đất miền Tây Nam Bộ. Người dân gọi đó là “Dấu ấn Võ Văn Kiệt”. Lịch sử 200 năm liên tục một dòng chảy cuộn tràn sức sống trên vùng đất phương Nam. Thế hệ hôm nay nương dòng chảy ấy hiên ngang ra biển lớn với tất cả đức tin, niềm tự hào và lòng biết ơn sâu sắc”.

Năm 1996, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (
Năm 1996, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (giữa) đi thị sát vùng tứ giác Long Xuyên (khu vực đầu nguồn An Giang). Nơi ông đứng (trong ảnh) cũng là nơi ông quyết định khởi công xẻ tuyến kênh T5 và cả hệ thống kênh thủy lợi thoát lũ ra Biển Tây. (Ảnh: Báo Tuổi trẻ)

Hệ thống công trình đều khiển lũ ở Tứ giác Long Xuyên đã phát huy tác dụng tuyệt vời trong hai trận lũ lịch sử năm 2000 và năm 2011. Đài Truyền hình Việt Nam đã bình chọn thành công của phương châm “chung sống với lũ” ở đồng bằng sông Cửu Long là một trong 10 sự kiện nổi bật của năm 2011. Tập thể tác giả công trình khoa học “Điều khiển lũ ở Tứ giác Long Xuyên - Thoát lũ ra Biển Tây” đã được vinh danh tại lễ trao Giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm 2012.

Khác với thời kỳ 15 năm vừa qua, trong tương lai thiên tai lũ lụt, hạn hán ở miền Tây Nam Bộ sẽ gia tăng, không phải chỉ vì biến đổi khí hậu, mà còn vì hàng loạt đập thủy điện đang và sẽ được xây dựng ở thượng nguồn sông Mêkông. Nước biển dâng không chỉ làm mất đi nhiều diện tích trồng lúa đất đai phì nhiêu, mà sóng biển ngày càng mạnh lên còn làm gia tăng thiên tai sụt lở bờ biển, song không thể không chung sống với nước biển dâng và khí hậu bị biến đổi. Khi các hồ thủy điện ở thượng nguồn đồng loạt xả lũ thì tác hại của thiên tai lũ lụt sẽ hết sức nghiêm trọng, còn khi các hồ thủy điện ở thượng nguồn tích hết nước để phát điện thì những lợi ích mà người dân miền Tây Nam Bộ đã được hưởng thụ từ lũ sẽ bị giảm đi, đất đai nhiều vùng sẽ trở nên khô cằn vì thiếu nước ngọt. Việc chung sống với nước biển dâng và biến đổi khí hậu, ngăn chặn tác hại của thiên tai, hạn hán, lũ lụt ngày càng gia tăng đang đòi hỏi giới khoa học Việt Nam phải nỗ lực nghiên cứu giải quyết nhiều vấn đề rất hóc búa song cũng rất lý thú. Tôi tha thiết mong rằng sẽ có nhiều nhà khoa học tài năng dấn thân cho sự nghiệp nghiên cứu các vấn đề sống còn này của miền Tây Nam Bộ.

Những người làm khuyến học sẽ khích lệ lớp người khoa học trẻ tuổi gia nhập đội ngũ do các anh chị dẫn đường, và góp phần nâng cao dân trí để nhân dân miền Tây Nam Bộ vận dụng có hiệu quả những thành tựu khoa học của các anh chị.

Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu
Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam