“Tại sao bạo lực học đường lan rộng như vậy?"

(Dân trí) - “Nếu bạo lực học đường chỉ lác đác một vài vụ như trước đây, mấy ngày qua, các vụ học sinh đánh nhau, phụ huynh đánh giáo viên và dọa nạt cả học sinh khiến em phải tự tử... được báo chí đăng tải khiến chúng tôi đau xót quá. Tại sao bạo lực lại lan rộng đến vậy”?

Trên đây là chia sẻ của bà Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội khóa XIII về tình trạng bạo lực học đường trong thời gian gần đây. Theo bà An, có lẽ ngành giáo dục phải vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa, để bạo lực không lan rộng ra nhiều vùng miền như vậy.

Bạo lực lặp lại và hơi phổ biến ở các vùng miền

+ Liên tục trong vài tuần trở lại đây, nhiều vụ bạo lực học đường xảy ra ở nhiều nơi, với nhiều hình thức khiến dư luận phẫn nộ. Quan điểm của bà về “vấn nạn” này?

Nếu cách đây mấy năm, vụ việc bảo mẫu Quản Thị Kim Hoa ở Biên Hòa, Đồng Nai đánh một trẻ em mà mình trông giữ ở nhóm lớp đã bị báo chí đưa ra ánh sáng khiến dư luận phẫn nộ, thời gian gần đây, tôi không hiểu tại sao tình trạng bạo lực học đường đã xảy ra mọi vùng miền, từ thành thị tới nông thôn, vùng đồng bằng và cả miền núi rẻo cao. Bạo lực đã có tình trạng lặp lại và hơi phổ biến.

Điều này đáng báo động và ngành giáo dục cần phải vào cuộc chứ không thể để như thế này được. Nhà trường là nơi giáo dục nhân cách nhưng để các em tiếp xúc với bạo lực ngay trong môi trường này là không thể.


Đại biểu Quốc hội khóa XIII Bùi Thị An: Để học sinh tiếp xúc với bạo lực trong môi trường giáo dục là không thể.

Đại biểu Quốc hội khóa XIII Bùi Thị An: "Để học sinh tiếp xúc với bạo lực trong môi trường giáo dục là không thể".

+ Theo bà, điều này đặt ra lo ngại gì trong việc giáo dục thế hệ trẻ ở nhà trường hiện nay?

Tôi xem trên báo chí, thấy nam đánh nữ, bản thân bạn nữ cũng túm tóc đánh nhau, dùng dép tát vào mặt đối phương... Nói chung, hành vi bạo lực xảy ra đủ loại hình, đủ mọi lúc mọi nơi... Điều này đặt ra câu hỏi: Việc quản lý học sinh ở nhà trường ra sao?

Tôi nghĩ cần phải làm rõ điều này và hạn chế tối đa, không thể để lặp đi lặp lại nhiều lần, phổ biến nhiều vùng như hiện nay. Tình trạng bạo lực không chỉ xảy ra giữa học sinh với nhau mà còn diễn ra giữa phụ huynh với học sinh khiến học sinh tự tử là chuyện rất đáng báo động.

+ Như vậy, có thể nói tình trạng bạo lực học đường xảy ra, một phần do trách nhiệm từ nhà trường và cả gia đình chưa biết cách quản lý con trẻ?

Vấn đề bạo lực học đường lan rộng như vừa qua đã đặt ra hai vấn đề. Thứ nhất, trách nhiệm của ngành giáo dục ra sao? Chúng ta không đổ lỗi tất cả nhưng nhà trường phải giáo dục lòng yêu thương ra sao, giáo dục nhân cách cho trẻ em như thế nào. Thứ hai là vấn đề xã hội. Chính vì nhiều người thiếu kĩ năng với trẻ em, về nhà chỉ nghe con nói vài câu đã tìm bạn bè để “tính sổ” và bênh vực không khách quan, dẫn đến tình trạng đáng tiếc.

Tôi cho rằng, trách nhiệm không đơn thuần trong ngành giáo dục nữa mà phải mở rộng thêm cả vấn đề xã hội, các tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp, các tổ chức khác phải vào cuộc sát sao hơn nữa. Thí dụ như vụ học sinh tự tử vì bị phụ huynh bắt nạt tại Yên Bái vừa qua, không những gia đình phụ huynh mất con đau lòng mà việc các gia đình hiềm khích nhau, sẽ gây chia rẽ không tốt trong cộng đồng. Do đó theo tôi, đáng ra các bên liên quan phải tìm hiểu ngay từ đầu, đằng này để xảy ra cái chết đáng tiếc như thế, dù thế nào dứt khoát không thể được.

Nam sinh bị phụ huynh bạn học đánh đập và bắt quỳ ở ngã 3 khiến em nghi ngờ phải tự tử vì nhục nhã ở Yên Bái (ảnh từ clip)
Nam sinh bị phụ huynh bạn học đánh đập và bắt quỳ ở ngã 3 khiến em nghi ngờ phải tự tử vì nhục nhã ở Yên Bái (ảnh từ clip)

Cần cân đối việc giáo dục kiến thức và nhân cách

+ Vậy theo bà, cần phải làm gì để hạn chế vấn nạn bạo lực học đường hiện nay?

Theo tôi, cần đặt ra vấn đề giáo dục nhân cách sao cho chuẩn. Môi trường giáo dục là nơi mọi người hy vọng trong sạch và các em được hưởng thụ các môn quan hệ thầy trò, bạn bè tốt đẹp. Tuy nhiên, những sự việc đáng tiếc xảy ra vừa qua, chúng ta đặt ra vấn đề: Có lẽ cần cân đối lại việc dạy kiến thức và giáo dục nhân cách.

Về việc dạy kiến thức, có lần tôi đã đề nghị, trong chương trình, những gì không cần thiết có thể lược bỏ, thậm chí bỏ tới một nửa chương trình không cần thiết. Bù lại, các em có thời gian chơi, thời gian học tập thể thao, học nhạc... Những điều này sẽ kéo các em ra khỏi các cạm bẫy trên mạng xã hội. Thứ hai, giúp các em xây dựng ý thức cộng đồng rất cao, nhân cách tốt.

Nhân tiện Bộ GD&ĐT đang thay đổi cơ bản toàn diện giáo dục, chúng ta cần kiên quyết xem lại việc giáo dục nhân cách cho học sinh, đừng để xảy ra những sự việc đáng tiếc cho ngành giáo dục bởi một đất nước mà nền giáo dục không tốt thì khó phát triển bền vững.

Học sinh bị đánh tập thể vì thiếu 5 nghìn đồng nộp tô cho bạn ăn sáng ở Hải Dương (ảnh từ clip)
Học sinh bị đánh tập thể vì thiếu 5 nghìn đồng "nộp tô" cho bạn ăn sáng ở Hải Dương (ảnh từ clip)

+ Chúng tôi được biết, ngành giáo dục đã triển khai nhiều chương trình giáo dục lối sống và phát triển nhân cách cho học sinh trong nhiều năm qua. Bà nghĩ sao nếu nói rằng, những sự việc đáng tiếc xảy ra trên đây được diễn ra ngoài nhà trường và rất khó kiểm soát?

Chúng tôi không quy hoàn toàn trách nhiệm cho giáo viên hay ngành giáo dục. Nhưng tôi nghĩ rằng, nếu giáo dục hiệu quả, học sinh phải có nhân cách mọi lúc mọi nơi chứ không chỉ trong nhà trường hoặc trước mặt người dạy. Chúng tôi không đổ toàn bộ trách nhiệm cho các thầy cô giáo nhưng tôi cho rằng, các thầy cô giáo nên xem lại hiệu quả giáo dục nhân cách học sinh.

Tôi quan niệm, mục tiêu và hiệu quả giáo dục phải lan tỏa mọi lúc mọi nơi, đi đâu cũng tốt chứ không phải trong nhà trường hoặc trước mặt giáo viên thì học sinh mới sợ. Các em có thể tự tin, tự trọng, tự lập ở mọi lúc mọi nơi chứ không chỉ ở trên lớp.

+ Trước những sự việc có tính chất dã man vừa qua như: Học sinh đánh hội đồng bạn học vì thiếu 5 nghìn đồng "nộp tô", học sinh nữ đánh nhau đến ngất xỉu... Bà có nghĩ, học sinh đang ngày càng manh động?

Qua một vài sự việc mà kết luận học sinh ngày càng manh động hơn thì tôi không nghĩ như thế bởi hiện còn rất nhiều học sinh ngoan, nhiều em con nhà nghèo nhưng đã trở thành thủ khoa, thành các cán bộ giỏi, hữu ích cho Nhà nước. Tuy nhiên, đó là những sự việc vô cùng đáng tiếc. Nguyên nhân vì sao phải tìm rõ. Có thể, do sự giáo dục không đến nơi đến chốn từ nhà trường, từ gia đình, từ các tác động của công nghệ thông tin đang trong giai đoạn bùng nổ...

Tuy nhiên, chung quy lại, phần lớn do ảnh hưởng bởi sự quản lý của gia đình và nhà trường khiến các em thu nạp các thông tin không trong sạch. Vì vậy, trách nhiệm cuối cùng vẫn là định hướng của nhà trường, gia đình để các em được tham gia nhiều hoạt động xã hội hơn, được chơi các môn thể thao lành mạnh và không còn thời gian để tham gia các trò tiêu khiển không tốt để xảy ra những điều đáng tiếc như vừa qua.

Xin trân trọng cảm ơn bà!

Mỹ Hà (ghi)

(Email:myha@dantri.com.vn)

Dòng sự kiện: Bạo lực học đường