Sĩ tử cắm phố

Rất nhiều bạn trẻ tỉnh lẻ rơi vào cảnh “học tài thi phận” trụ lại thành phố với khao khát được bước chân vào giảng đường. Họ không chỉ ôn luyện chờ ngày “vượt vũ môn” mà còn bươn chải kiếm sống và cố gắng sống tự lập.

Chịu khó, ham học

 

Hành trình lên phố và bám trụ lại của các bạn trẻ khá gian nan. Ở lứa tuổi “ăn no ngủ kỹ”, đã phải xa nhà và bắt đầu cuộc sống tự lập với gánh nặng tâm lý dồn trên vai. Thời khóa biểu một ngày của các bạn như sau: 2 giờ ở lò luyện thi, tự ôn ở nhà và đi làm thêm với đủ thứ công việc như rửa chén bát, chạy bàn, kết hạt cườm...

 

Lê Thị Hoài, quê ở Hương Khê, Hà Tĩnh (trọ học cùng 3 bạn ở 72/500N Phan Huy Ích, P.12, Q. Gò Vấp - TPHCM) cho biết: “Năm ngoái tụi em thi trượt, phần vì chưa có kinh nghiệm, phần vì lần đầu vô thành phố, đi xa mệt mỏi, lo lắng đủ thứ nên không tập trung làm bài tốt được. Tụi em về nhà tự ôn, ra Tết thì rủ nhau vào đây, vừa làm vừa luyện thi và cố gắng đi lại cho quen đường, ổn định tư tưởng, thử sức mình có trụ được ở thành phố không”.

 

Hoài tâm sự đầy tự tin: “Em ở nhà cũng thức khuya, dậy sớm quen rồi! Lên thành phố lo thì lo đấy nhưng dễ sống và có điều kiện để học, có được nhiều kênh thông tin về thi cử. Tụi em chịu khó làm, đói thì không đói, chỉ lo kỳ thi sắp tới. Kỳ này đậu được đại học em sẽ đi làm thêm để tự lo cho mình vì ở nhà còn 3 em đang đi học”.

 

Và Hoài cho biết thêm, ngày em đi, ba mẹ bán nửa tấn thóc được hơn 1 triệu đồng. Vì quá xót ruột, Hoài đã dành lại không tiêu chờ ngày bước chân vào giảng đường sẽ đóng học phí. Hằng tháng, Hoài cùng các bạn làm thêm, dè sẻn cũng đủ trang trải.

 

Hiện tại, Hoài cùng các bạn đang luyện thi ở Trường Đại học Công nghiệp 4. Ở lò luyện thi này, đa phần các sĩ tử đều từ quê lên. Hành trang mang theo chỉ có sự chịu khó và chăm chỉ.

 

Nghị lực và hoài bão

 

16 giờ, 3 người bạn của Hoài đi làm thêm cũng vừa về tới. Trong lúc chuẩn bị bữa cơm chiều trước khi đi học, cả nhóm cùng góp chuyện. Bạn Nguyễn Thị Liên cho biết: “Nhà cực, ba mẹ thì ở xa, tụi em dựa vào nhau để tồn tại và động viên nhau học. Dù khó khăn mấy cũng phải vượt qua bằng được. Chỉ có cách học, may ra tụi em mới thoát khỏi cảnh chân lấm tay bùn. Nhiều khi ra đường nhìn các bạn trẻ đồng lứa, có đầy đủ điều kiện nhưng đua đòi, em thấy tiếc quá!”.

 

Bạn Trịnh Bình Xuân, ra dáng “chị hai” hơn khi bảo rằng, hơi đâu mà so sánh với thiên hạ, phải “lo học, lo cuộc sống, tránh cám dỗ, lo thi, lo đậu và lo kiếm việc làm!”.

 

Trong căn phòng nhỏ bé này, các bạn tự phân công nhau, ai đi chợ, ai nấu nướng, giặt giũ. Riêng Hoài, ngoại lệ, không phải làm những công việc vặt mà đảm trách nhiệm vụ cao cả hơn: Ngoại giao với chủ nhà và dạy kèm bé Thu học.

 

Theo các sĩ tử cắm phố, không có sự chờ đợi nào bằng chờ nhanh đến kỳ thi, nhưng cũng không có nỗi lo nào bằng nỗi lo “vượt vũ môn” lần này. Không ai bảo ai, niềm vui, nỗi buồn và cả sự phấp phỏng lo âu đều được chia đều. Những bạn trẻ đã như già đi trước tuổi với hoài bão của riêng mình.

 

Theo Bích Hà
Người Lao Động