Sẽ không có chương trình chung nào về GD đặc thù cho toàn quốc

(Dân trí) - Đó là kết luận của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển tại hội thảo “Xây dựng các nội dung GD đặc thù trong các trường phổ thông dân tộc (PTDT) nội trú và PTDT bán trú”.

Hội thảo diễn ra trong ngày 7/11 tại Đà Nẵng do Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển chủ trì với sự tham gia của đại biểu đến từ 15 tỉnh, thành thuộc khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long.

Mỗi địa phương mỗi nội dung GD đặc thù

Ngoài việc truyền đạt kiến thức phổ thông, các trường PTDT nội trú và bán trú còn có nhiệm vụ giáo dục đặc thù (GD truyền thống, bản sắc văn hóa các dân tộc, GD đường lối, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, hướng nghiệp và GD ý thức phục vụ quê hương cho học sinh…).

Tùy đặc điểm vùng miền, mỗi địa phương  xây dựng mỗi nội dung GD đặc thù riêng cho HS các trường PTDT. Điển hình như các trường ở Kon Tum triển khai giảng dạy bộ môn văn hóa cồng chiêng, phối hợp với ngành văn hóa sưu tầm và dạy hát dân ca, giảng dạy về các loại hình văn hóa dân gian của Tây Nguyên. Các trường thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long như Trà Vinh, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cần Thơ… đưa vào chương trình dạy và học bộ môn tiếng KhMer. Qua đó, góp phần nâng có ý thức bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, cao hơn là tình yêu quê hương, bản xứ cho HS các vùng dân tộc thiểu số.

Sẽ không có chương trình chung nào về GD đặc thù cho toàn quốc - 1
Đại biểu các địa phương chia sẻ nhiều kinh nghiệm trong GD đặc thù tại hội thảo.

Nội dung hướng nghiệp và dạy nghề đã được và cần được các trường PTDT chú trọng hơn nữa. Có nhiều gợi ý cho các trường PTDT ở các địa phương như việc các trường ở Ninh Thuận, Lâm Đồng đã thực hiện dạy HS dệt thổ cẩm. Không chỉ góp phần giữ nghề mà còn giúp các em HS dân tộc thiểu số ra trường có trong tay vốn nghề truyền thống để mưu sinh.

Bên cạnh đó, nhiều trường đã hình thành bộ phận quản lý HS hoặc phân công giáo viên (GV) tổ chức các hoạt động ngoài giờ như phụ đạo HS yếu kém, bồi dưỡng HS giỏi, tổ chức dạy thêm tiếng Việt cho HS…

Từ thực tiễn trình bày tại hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển kết luận Bộ sẽ không có chương trình chung về GD đặc thù cho toàn quốc, mà giao quyền cho các cơ sở GD xây dựng chương trình phù hợp với từng địa phương.

Bộ sẽ hỗ trợ tăng biên chế giáo viên

Ngoài việc bàn thảo các biện pháp xoay quanh việc nâng cao chất lượng, hiệu quả GD đặc thù trong các trường PTDT; các đại biểu cũng thẳng thắn đề xuất Bộ sớm có những điều chỉnh về chế độ cho GV, HS, cũng như các bộ phận phục vụ công tác nội trú, bán trú trong các trường PTDT.

Tiếp nhận các ý kiến, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khẳng định Bộ sẽ chủ động trong việc xây dựng chế độ cho đội ngũ GV ở các trường PTDT. Trước mắt, là hỗ trợ về mặt pháp lý để tăng biên chế GV cho các trường có tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.

Sẽ không có chương trình chung nào về GD đặc thù cho toàn quốc - 2
Tiếp nhận các ý kiến đề xuất, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định Bộ sẽ hỗ trợ tăng biên chế GV cho các trường PTDT dạy 2 buổi/ngày.

Thứ trưởng cũng nhấn mạnh yêu cầu nhất thiết, mỗi GV giảng dạy ở các trường PTDT và vùng miền có đồng bào dân tộc thiểu số đều phải cố gắng biết tiếng dân tộc. Đây chính là chìa khóa hỗ trợ đắc lực cho việc tiếp cận HS, nâng cao chất lượng dạy và học cũng như hình thành các kỹ năng khác cho các em

Ngoài ra, các cơ sở GD cần tăng cường liên kết, phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan để nâng cao chất lượng GD đặc thù. Chẳng hạn, phối hợp với Trung tâm hướng nghiệp - dạy nghề ở địa phương để định hướng nghề, dạy nghề cho HS. Ngoài dạy nghề truyền thống, có thể nghiên cứu để triển khai dạy những nghề mới. Tất cả những hoạt động của GD đặc thù trong trường PTDT đều phải gắn với phục vụ đời sống lành mạnh, an toàn của HS nội trú, bán trú, nâng cao chất lượng cuộc sống của HS vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Mục tiêu cuối cùng là làm sao con em vùng dân tộc đến trường học và được đào tạo bài bản tận lực, tận tâm. Từ đó, đáp ứng nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các dân tộc và địa phương.  

Khánh Hiền