Sẽ không chấm điểm 7 môn học ở bậc Tiểu học

(Dân trí) - Đó là các môn: Đạo đức, Tự nhiên và Xã hội, Âm nhạc, Mĩ thuật, Thủ công, Thể dục, Kỹ thuật. Theo đó, các môn này giáo viên không chấm điểm mà chỉ đánh giá bằng nhận xét.

Đây là một trong những dự thảo thông tư quy định đánh giá và xếp loại học sinh tiểu học mà Bộ GD-ĐT vừa công bố. Cụ thể, ở các lớp 1, 2, 3 là các môn: Đạo đức, Tự nhiên và Xã hội, Âm nhạc, Mĩ thuật, Thủ công, Thể dục; ở các lớp 4, 5: Đạo đức, Âm nhạc, Mĩ thuật, Kĩ thuật, Thể dục. 

Sẽ không chấm điểm 7 môn học ở bậc Tiểu học - 1
Nụ cười hồn nhiên của các học sinh tiểu học

Kết quả học tập của học sinh không ghi nhận bằng điểm mà bằng các nhận xét theo các mạch nội dung của từng môn học. Các nhận xét được ghi nhận bằng việc thu thập các chứng cứ trong quá trình học tập và hoạt động của học sinh. Nội dung, số lượng nhận xét của mỗi học kì và cả năm học của từng môn học được quy định cụ thể tại Sổ theo dõi kết quả kiểm tra, đánh giá học sinh.

Ngoài ra, theo dự thảo, các môn học được đánh giá bằng điểm kết hợp với nhận xét gồm: Tiếng Việt, Toán, Khoa học, Lịch sử và Địa lí, Tiếng nước ngoài, Tiếng dân tộc, Tin học.

Nội dung đánh giá học sinh tiểu học gồm thực hiện đầy đủ và có kết quả hoạt động học tập; chấp hành nội quy nhà trường; hiếu thảo với cha mẹ, ông bà; kính trọng, lễ phép với thầy giáo, cô giáo, nhân viên và người lớn tuổi; đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ bạn bè và người có hoàn cảnh khó khăn; rèn luyện thân thể, giữ gìn vệ sinh cá nhân; tham gia các hoạt động tập thể trong và ngoài giờ lên lớp, góp phần bảo vệ và phát huy truyền thống của nhà trường và địa phương.

Dự thảo cũng quy định rõ: nhận xét của giáo viên về sự tiến bộ của học sinh hoặc những điểm học sinh cần cố gắng, không dùng những từ ngữ gây tổn thương học sinh; không thông báo trước lớp và trong cuộc họp cha mẹ học sinh những điểm chưa tốt của từng học sinh.

Học sinh có quyền nêu ý kiến và nhận được sự giải thích, hướng dẫn của giáo viên chủ nhiệm lớp, của Hiệu trưởng nhà trường khi thấy mình chưa được đánh giá, nhận xét, xếp loại chính xác, công bằng.

Cũng theo dự thảo này, học sinh có điểm kiểm tra định kỳ bất thường so với kết quả học tập hàng ngày hoặc không đủ số điểm kiểm tra định kỳ đều được kiểm tra lại.

Mục đích của việc thực hiện đánh giá và xếp loại phát huy tính tích cực, sáng tạo, tự tin của học sinh, góp phần thực hiện đổi mới phương pháp dạy và học. Khuyến khích học sinh học tập chuyên cần, đảm bảo sự công bằng trong giáo dục đối với tất cả trẻ em trong độ tuổi giáo dục tiểu học.

Hồng Hạnh