Sao cô không nhìn vào mắt em?!

Bài “Một học sinh nam bị bạn làm nhục nhiều năm liền” trên báo Dân trí ngày 27/3/2009 khiến chúng tôi không tin nổi vào mắt mình. Bài báo phản ánh sự việc em Phạm M.V học sinh lớp 7B trường THCS Xuân La (Tây Hồ, Hà Nội) đã bị bạn làm nhục, hành hạ nhiều năm liền.

Lẽ nào đó là sự thật, đang diễn ra trong trường học trên địa bàn Thủ đô, trong phong trào “Trường học thân thiện”?         

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Tất cả những hành vi tàn ác trên đều xuất phát từ một nguyên nhân: chỉ vì em Phạm M.V. bị khuyết tật, đau yếu. Các bạn trong lớp không những không cảm thông, chia sẻ mà còn tìm cách đánh đập, hành hạ, tiêu khiển trên nỗi đau đớn, nhục nhã của em.

Một điều cũng đau lòng không kém là trước sự việc bạn bị hành hạ thương tâm nhiều lần như thế nhưng không thấy một học sinh nào can ngăn, không có một ai báo cho thầy cô giáo để ngăn chặn, giúp đỡ bạn. Phải chăng sự vô cảm đã lan tràn?
 
Vì vậy, không chỉ nhà trường phải kỉ luật một cách nghiêm khắc những học sinh đã trực tiếp hành hạ em Phạm M.V, mà còn phải xem xét xử lý những học sinh nào thấy, biết bạn bị đánh đập, lăng nhục mà không can ngăn, báo cáo.

Sự việc đau lòng nói trên buộc chúng ta phải xem xét lại một cách nghiêm túc về công tác giáo dục, rèn luyện về đạo đức cho thế hệ trẻ. Rõ ràng với những hành vi độc ác nhằm vào một bạn yếu đuối, đáng thương, không có khả năng tự vệ, hành vi có chủ ý, có tổ chức, lại diễn ra nhiều năm cho thấy một bộ phận học sinh tâm hồn thực sự đã bị “bôi đen”, và là một nguy cơ lớn của xã hội.                

“Nhân chi sơ, tính bản thiện”, vì vậy cần phải xem xét đâu là “lỗ hổng” khiến cho những trẻ em 12, 13 tuổi trở nên lạnh lùng, vô cảm, lấy việc hành hạ người khác làm vui. Lẽ nào các em không được giáo dục để phân biệt phải trái, đúng sai, thiện ác, tốt xấu, không biết rung cảm trước cái đẹp, ghê sợ trước cái xấu, không biết động lòng trước nỗi bất hạnh của người khác? Lẽ nào các em không biết đến đạo lý “thương người như thể thương thân” ngàn đời của dân tộc?                 

Phải chăng đó là những đứa trẻ suốt ngày chúi mũi vào máy vi tính với những trò bắn giết ghê rợn, những trang web, diễn đàn sặc mùi bạo lực, đồi trụy? Hay là các em đã phải học thêm quá nhiều đến mức mụ mị cả đầu óc?

Phải chăng ngay từ nhỏ, những em bé này đã được “định hướng” chạy theo lối sống thực dụng, toan tính? Phải chăng các em được nuông chiều quá mức, nên chỉ biết có bản thân mình?

Đâu rồi những tấm gương, những lời dạy bảo uốn nắn của ông bà, cha mẹ, anh chị, thầy cô? Đâu rồi, sự giáo dục của Sao nhi đồng, Đội thiếu niên, các tổ chức đoàn thể, xã hội?

Bà Nguyễn Thị Tuyết, Chủ tịch Hội phụ huynh lớp 7B cho biết: “có thể do cháu V. gây  ức chế, ngứa mắt nên mới bị các bạn đánh”?! Bà Chủ tịch hội phụ huynh còn giải thích như thế, trách gì các em học sinh! (báo Lao động Thủ đô cuối tuần, ngày 28/3/2009)

Nếu không có những biện pháp giáo dục, uốn nắn kịp thời và hiệu quả, nhân cách của những chủ nhân tương lai của đất nước sẽ ra sao?

Và chúng tôi cũng rất ngạc nhiên và bất bình trước cách ứng xử và thái độ của giáo viên chủ nhiệm và nhà trường. Cô Đỗ Cúc Phương, giáo viên chủ nhiệm lớp 7B cho biết: “Sự việc xẩy ra trong nhà vệ sinh nên cô không được biết” và nói thêm: “Ngay từ khi làm chủ nhiệm lớp, riêng cháu V được không chỉ tôi mà ngay cả các thầy cô giáo trong nhà trường lưu ý và hết sức giúp đỡ vì thông cảm cho hoàn cảnh của em”.

Câu nói của cô giáo khiến người ở ngoài ngành giáo dục còn cảm thấy vô lý, còn chúng tôi là giáo viên càng không thể chấp nhận.

Mỗi lớp được phân ra các tổ, nhóm, có học sinh phụ trách, rồi có các bộ lớp như chi đội trưởng hay bí thư chi đoàn, lớp phó, lớp trưởng. Hàng ngày, các em sinh hoạt 15 phút đầu buổi rồi mới vào học, mỗi tuần ngoài các giờ lên lớp của giáo viên chủ nhiệm còn có riêng một giờ sinh hoạt lớp, nhằm kiểm điểm lại mọi mặt hoạt động trong tuần vừa qua, xử lý các tình huống phát sinh. Ngoài ra còn có các buổi họp phụ huynh, và phụ huynh, học sinh có thể trực tiếp trao đổi với ban giám hiệu và các thầy cô trong trường.

Với một lịch sinh hoạt và làm việc liên tục, dày đặc như vậy, mà việc một học sinh bị hành hạ tàn nhẫn bởi nhiều học sinh khác nhiều lần vẫn không được phát hiện để ngăn chặn kịp thời?  

Những việc như “..bạn H. dùng chân cố tình đạp ghế đổ làm con tôi bị kẹt và nát 1 phần đầu ngón tay, phải đi viện phẫu thuật. Chưa hết, trong 2 tháng trở lại đây, con tôi lại bị bạn B đánh vào mồm sưng không ăn được, rồi đến việc bị bạn H., bạn C, bạn Hg kéo ra khỏi chỗ ngồi, bạn thì đội giẻ lau bảng lên đầu, bạn thì bóp vào bộ phận sinh dục cháu…”…thì xẩy ra ở đâu, thưa cô giáo?

Thế mà cô còn nói là đã “lưu ý” đến em Phạm M.V. “Lưu ý” sao em bị đánh đến bầm dập, phải nhập viện mà cô không biết. “Hết sức giúp đỡ” sao cô không nhìn vào áo em, để thấy vệt máu vương? “Thông cảm” sao cô không nhìn vào mắt em để thấy những nỗi buồn khổ oan ức, nghẹn ngào cay đắng không thể cất thành lời? 

Thông tin từ báo Lao động Thủ đô cuối tuần ra ngày 28/3/2009(trang 4) cho biết: “Cháu V. đã nhiều lần trình bày với cô giáo chủ nhiệm, nhưng không hiểu vì lí do gì những hành vi đó không được ngăn chặn kịp thời. Đã nhiều lần gia đình gặp trực tiếp Ban giám hiệu, cô giáo chủ nhiệm để phản ảnh, nhưng tình trạng trên vẫn không được giải quyết triệt để”.

Đó mới là sự thật!                                  

Trước sự việc nghiêm trọng là một học sinh bị buộc cởi quần áo đi trong trường mà nhà trường không hề xem xét, điều tra, xử lý, lại cho rằng em bị “thần kinh” và chỉ gọi điện thông báo cho gia đình. Đến khi gia đình tường trình sự việc và yêu cầu xử lý, thì lại vội vàng họp kỉ luật và quyết định hạ hạnh kiểm những học sinh đã tham gia làm nhục bạn, và còn tỏ ra rất “kiên quyết” khi hứa nếu học sinh nào tái phạm sẽ đuổi học.

Thưa bà Nguyễn Thị Hòa - Hiệu trưởng nhà trường, hành vi của những học sinh này có mức độ rất nghiêm trọng, đã diễn ra trong nhiều năm, và nhà trường đã xử lý nhiều lần rồi, lẽ nào đó chưa phải là đã “tái phạm”? Không biết bà sẽ chờ những học sinh đó “tái phạm” đến lần thứ mấy nữa thì mới đuổi học?

Những hành vi của những em học sinh lớp 7B trường THCS Xuân La đối với em Phạm M.V. không những vi phạm những điều người học không được làm trong quy định của Luật Giáo dục (khoản 1, điều 88), mà còn vi phạm những quy định trong Luật hình sự về tội “cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác”.

Điều 104, Bộ Luật hình sự quy định về tội danh này như sau:

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:

a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;

b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;

c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người;

d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không  có khả năng tự vệ;

đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

e) Có tổ chức;

g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;

h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê;

i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm;

k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân”.

Nếu những học sinh trên đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự thì đã phải chịu sự trừng phạt nghiêm khắc của pháp luật. 
 
Trước câu hỏi của phóng viên, bà Nguyễn Thị Hòa nói: “Tuy nhiên, chúng tôi sẽ sớm tổ chức một buổi họp các bên liên quan để xử lý sự việc đúng vai trò và chức năng của nhà trường. Chúng tôi không bao che hay trù dập một ai cả, phải có nhìn nhận đầy đủ về sự việc đến đâu chúng tôi sẽ giải quyết đến đấy”.

Thưa bà Nguyễn Thị Hòa, tại sao khi “chưa có nhìn nhận đầy đủ về sự việc” mà nhà trường đã ra quyết định kỉ luật? Trong cách xử lý vội vã ấy, còn có điều gì khuất tất? Cách xử lý hạ hạnh kiểm cụ thể ra sao? Tuy chưa được biết hạnh kiểm những em đó ra sao, nhưng chúng tôi đoán rằng các em đó đều được xếp loại hạnh kiểm loại khá, tốt cả, vậy bây giờ hạ xuống mức nào?

Thưa bà Nguyễn Thị Hòa, có lẽ bà cũng đã biết học sinh chỉ cần một lần có hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự bạn học thì đã đáng bị xếp hạnh kiểm loại yếu. Vậy bà căn cứ vào đâu để ra quyết định chỉ hạ hạnh kiểm đối với những học sinh có vi phạm nghiêm trọng đến mức phi nhân tính như thế?

  Đề nghị Phòng GD-ĐT quận Tây Hồ, Sở GD-ĐT Hà Nội và các cơ quan chức năng quan tâm đến sự việc có những biện pháp xử lý thích đáng, kịp thời.

 Trần Quang Đại
Giáo viên trường THPT Trần Phú, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh

LTS Dân trí - Một con người có tâm hồn và nhân cách phát triển bình thường thì ngay từ nhỏ đã biết yêu thương nâng đỡ những con vật nhỏ bé, không bao giờ nỡ đang tay hành hạ chúng, huống chi đây là bạn học bị tật nguyền, yếu đuối mà lại hùa nhau hành hạ bạn hết ngày này sang tháng khác… Sự việc kỳ quặc và vô lương tâm ấy diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật hàng năm trời tại một trường THCS của thủ đô thì thật là một tiếng chuông cảnh tỉnh về sự xuống cấp nghiêm trọng trong công việc hệ trọng của nhà trường là giáo dục đạo đức cho học sinh. Điều ấy cũng nói lên sự quản lý lơi lỏng và thiếu trách nhiệm không chỉ của cô giáo chủ nhiệm lớp 7B mà còn là trách nhiệm của người đứng đầu nhà trường - Hiệu trưởng Trường THCS Xuân La, quận Tây Hồ Hà Nội.

Cần phải xử lý nghiêm minh những học sinh vô nhân tính cũng như giáo viên và lãnh đạo nhà trường chưa làm tròn trách nhiệm trong việc giáo dục và quản lý học sinh cũng như chưa bảo đảm trật tự, an ninh cho nhà trường. lẽ ra phải là môi trường thân thiện và chuẩn mực về đạo đức.