Tuyển sinh lớp 10 hệ chuyên::

Phụ huynh lo lắng, học sinh mệt mỏi

(Dân trí) - Không kém sĩ tử chuẩn bị thi đại học, các cô cậu học sinh chuẩn bị thi vào hệ THPT chuyên cũng đang ngày đêm "cày" với đống sách vở ngồn ngộn. Nhiều bậc phụ huynh cũng cùng tinh thần "chiến đấu" với con em mình...

Ngày 12/6, một số trường đại học có đào tạo hệ THPT chuyên đã bắt đầu tổ chức tuyển sinh đầu cấp. Một tuần sau (18/6), đồng lọat các trường THPT trên địa bàn Hà Nội cũng sẽ tuyển sinh lớp 10. Các trường tốp đầu, đặc biệt là khối chuyên luôn có sự cạnh tranh gay gắt khi tỷ lệ đăng ký dự thi cao hơn rất nhiều so với chỉ tiêu tuyển sinh.

Phụ huynh đặt hết niềm hy vọng vào con em mình. Các cô cậu học sinh cũng không muốn thua kém bạn bè, dốc sức "nhồi" kiến thức chuẩn bị cho kỳ thi.

Chị Nguyễn Thị Lan ở đường Hoàng Văn Thái (Thanh Xuân, Hà Nội) than thở, năm nay hai vợ chồng chị có tới 2 nỗi lo, thằng anh cả chuẩn bị thi đại học, cô em út thì thi vào khối chuyên lớp 10 (chuyên Toán thuộc Trường đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội).

Theo lời cô bé thì lớp em có rất nhiều bạn đăng ký vào lớp này, bạn nào cũng có sức học khá nên em rất lo. “Cả ngày cứ thấy nó với chồng sách cao nghệu của 2 môn Toán và Văn. Lúc thì nó đọc ra rả bài thơ thuộc lòng, lúc nó ôm cuốn “Để học giỏi Văn” lật lên lật xuống, tối cũng chúi mũi giải bài tập Toán mà thầy ra trên lớp học ôn, đến 1, 2 giờ sáng mới chịu ngủ. Mình cũng thương nó mà cố động viên con cố vượt qua giai đoạn khó khăn này”, chị Lan nói.

Theo thông báo của Trường đại hoc Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội, kỳ thi sẽ bắt đầu từ ngày 14/6. Điều kiện dự tuyển rất gắt gao, điểm xếp loại tốt nghiệp THCS phải từ loại khá trở lên, riêng điểm môn chuyên năm lớp 9 phải xếp loại giỏi (8.0 điểm) trở lên.

“Điều kiện dự tuyển cao như thế nên các học sinh thi vào trường này đều là “gà nòi”, không biết con bé nhà mình nó có vượt qua được không. Nó chăm học như thế mà không đậu thì mình thương lắm, mấy hôm nay toàn pha sữa phục vụ con cái hết mình”, chị Lan tỏ vẻ bần thần, lo lắng.

Cũng chung một tâm trạng lo lắng bất an, anh Nguyễn Đức Dũng ở chung cư CT5 đường Phạm Hùng có con trai thi vào THPT Chu Văn An thì chia sẻ thêm, nhà anh chỉ độc cậu con trai ham học, nó mà đậu được vào trường thì cũng nở mày nở mặt đối với cán bộ công chức nhà nước như anh. Theo tìm hiểu của anh thì chỉ tiêu tuyển sinh của trường chuyên Chu Văn An chỉ 560 học sinh, trong khi đó số đăng ký dự tuyển lên đến hơn 2000 em. Tương tự, trường chuyên Amsterdam có chỉ tiêu tuyển sinh chỉ 510 em nhưng có đến 2016 thí sinh đăng ký dự tuyển. Tỷ lệ chọi cao như vậy nên áp lực đối với các thí sinh thi vào trường chuyên rất lớn.

Gặp chúng tôi ở cồng trường, em Hà Thị My Anh, đăng ký dự thi vào trường chuyên ngữ Đại học Ngoại ngữ-Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, những ngày này xung quanh phòng em đâu cũng là sách tiếng Anh, sách Toán, sách Văn. Cả trong mơ em cũng thấy sách vở la liệt. Thi xong đợt này chắc em sút vài cân, My Anh cười bảo với tôi.

Ông Nguyễn Văn Mỹ, cán bộ giảng dạy Đại học Quốc gia Hà Nội nhìn nhận, trong những năm trước đây, các trường chuyên thực sự thu hút được các học sinh giỏi và có những thành tích đáng nể. Tuy nhiên, trong bối cảnh áp lực thi cử hiện nay và các mặt trái của đồng tiền, khá đông phụ huynh học sinh nhìn việc vào trường chuyên một cách thực dụng: vào đó chắc đỗ đại học. Một số phụ huynh giầu có chỉ còn thiếu mác trường lớp của con cái cũng bằng mọi giá cho con học trường chuyên. Ông cũng cho rằng khá nhiều trường chuyên bị thay đổi mục tiêu đào tạo, khiến cho nhiều học sinh bị lệch kiến thức khi bước lên đại học.

Hầu hết các phụ huynh có con thi vào khối chuyên, trường chuyên đều nghĩ rằng con cái mình sẽ được học tập trong một môi trường tốt (về điều kiện cơ sở vật chất, về đội ngũ giáo viên) và cơ hội đỗ đại học sau này cũng sẽ cao hơn. Riêng các “nhân vật chính” là các thí sinh dự thi thì đa số vẫn hết sức mơ hồ khi đăng ký ngành học, trường học và thực sự cũng không biết mình có phù hợp với ngành học đã đăng ký. Tâm lý chung của các em là “bố mẹ đã vẽ nên con đường, mình chỉ việc…bước đi”.

Sông Lam