Phấn đấu có 58 ngàn giảng viên ĐH trình độ thạc sỹ vào năm 2020

(Dân trí) - Ngày 30/12, Bộ GD-ĐT đã công bố quyết định phê duyệt quy hoạch phát triển nhân lực giáo dục 2011-2020. Theo đó, dự báo, năm học 2019-2020 giảng viên đại học của Việt Nam có trình độ thạc sĩ khoảng 58.000 người (70%), giảng viên có trình độ tiến sĩ khoảng 29.000 người (30%).

Với các bậc học như mầm non, nhu cầu nhân lực đến năm 2020 khoảng 240.000 người. Ở bậc tiểu học, nhu cầu khoảng 522.000 người, trong đó có 37.000 cán bộ quản lý (CBQL), 406.000 giáo viên (GV), 79.000 nhân viên (NV). Cơ bản GV các môn học đều tăng, riêng GV Ngoại ngữ giai đoạn 2016-2020 tăng khoảng 2.500 người. Ở bậc trung học phổ thông, nhu cầu nhân lực của giáo dục THPT đến năm 2020 khoảng 148.000 người (trong đó có 9.000 CBQL, 116.000 GV, 23.000 NV). Với bậc giáo dục chuyên nghiệp, dự báo tỷ lệ GV có trình độ thạc sỹ năm 2020 khoảng 38,52%. Ở bậc Cao đẳng, đến năm 2020, nhu cầu CBQL, GV, NV trong các trường cao đẳng khoảng 78.500 người. Năm học 2019-2020 nhu cầu GV cao đẳng có trình độ thạc sĩ khoảng 27.000 người (60%), GV có trình độ tiến sĩ khoảng 3.500 người (8%).

Riêng bậc đại học, đến năm 2020, nhu cầu CBQL, GV, NV trong các trường đại học khoảng 127.000 người. Năm học 2019-2020 GV đại học của Việt Nam có trình độ thạc sĩ khoảng 58.000 người (70%), GV có trình độ tiến sĩ khoảng 29.000 người (30%).

Bộ GD-ĐT cũng cho biết, sẽ cải tiến, hoàn thiện chế độ lương và chế độ phụ cấp ưu đãi cho nhà giáo, xây dựng chính sách ưu đãi thu hút các nhà khoa học đầu ngành, GV giỏi trong và ngoài nước tham gia giảng dạy và hướng dẫn nghiên cứu khoa học. Có chính sách để thu hút các nhà giáo có kinh nghiệm, có sức khỏe, tâm huyết đến tuổi nghỉ hưu tiếp tục tham gia giảng dạy. Đối với công tác tuyển sinh sẽ hoàn thiện chính sách tuyển chọn SV chuyên ngành sư phạm. Đồng thời, hoàn thiện chính sách tạo nguồn tuyển sinh sư phạm cho người dân tộc thiểu số và ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa.

 Hồng Hạnh