Nỗi khổ của trường tiểu học đông học sinh nhất Việt Nam

(Dân trí) - Trường Tiểu học An Hội (đường Phạm Văn Chiêu, phường 8, quận Gò Vấp, TPHCM) năm học này có số lượng học sinh lên đến mức kỷ lục: trên 5.000 em, với 103 lớp học. Sĩ số một lớp trung bình là 50 em, có những lớp lên đến 59 em.

Học sinh chen chúc nhau ngồi
 

Chỉ cần bước vào cổng trường An Hội là có thể thấy, bàn ghế trong những lớp học được kê san sát với nhau. Thầy cô giáo nói to hết cỡ. Giờ ra chơi, đúng là kiểu như ong vỡ tổ. Nếu so sánh với sĩ số chuẩn mà Bộ GD-ĐT đưa ra là 35 học sinh/lớp thì trường tiểu học An Hội đã vượt xa con số này. 

 

Dành hầu hết các phòng cho học sinh nhưng với số lượng học sinh tăng vọt trong năm nay, trường An Hội đành phải mượn thêm 7 phòng của trường THCS Phạm Văn Chiêu ở sát ngay đó. Với những phòng học đi mượn này, trường An Hội giải quyết được chỗ học cho 14 lớp.
 
Nỗi khổ của trường tiểu học đông học sinh nhất Việt Nam - 1

Một lớp học ở Trường Tiểu học An Hội (Ảnh: Tuổi trẻ)

 

Câu chuyện về tình trạng quá tải ở Trường Tiểu học An Hội không chỉ bây giờ mới có. Từ hàng chục năm trước, khi những ngôi trường ở quận Gò Vấp còn là con số hiếm hoi, đếm trên đầu ngón tay thì An Hội đã trở thành nơi tập trung đông đúc nhất lượng học sinh tiểu học. 

 

Đến năm học 2005-2006, tình trạng quá tải đã diễn ra. Lúc này, số học sinh toàn trường đã lên 4.000 em với 90 lớp. Bắt đầu đây, nhà trường đã thực hiện phương án vay mượn phòng ốc. Trước hết là từ ngôi trường mầm non gần đó để dạy học sinh lớp 1.

 

Đến năm học 2009-2010, khối lớp 1 tăng lên 29 lớp, với số học sinh vào khoảng 1.400 em, bằng cả số lượng học sinh một trường tiểu học. Khối lớp 3 có 13 thì đến 4 lớp có sĩ số đạt 59 em/lớp. 

 

Giáo viên lang thang tìm chỗ nghỉ

 

Ở Trường Tiểu học An Hội, tìm đỏ con mắt cũng sẽ không thấy phòng giáo viên nằm đâu. Bởi phòng giáo viên cũng chính là phòng của các phó hiệu trưởng. Trong một căn phòng, ngoài 2 bàn phó hiệu trưởng thì đây còn là nơi sinh hoạt, nghỉ ngơi của các thầy cô sau mỗi tiết dạy. Không gian chật hẹp của căn phòng khiến nhiều thầy cô ngán ngại. Bởi vậy, có những cô giáo không biết tìm chỗ nghỉ ngơi ở đâu, cứ lang thang hết phòng này qua phòng khác. Không những thế, việc thiếu giáo viên trầm trọng nên nhiều thầy cô kiêm nhiệm đủ thứ công tác từ giáo viên chủ nhiệm đến dạy tất các các môn phụ như nhạc, họa...

 

Trao đổi với Dân trí vào chiều ngày 28/10/2009 về những bất hợp lý của trường tiểu học An Hội vì số lượng học sinh quá đông, cô Đỗ Thị Hoa, Phó trưởng phòng giáo dục quận Gò Vấp cho biết: “Phòng giáo dục cũng đành bó tay trước tình trạng học sinh quá tải như thế này. Phụ huynh tha thiết xin ở lại, lẽ nào trường chuyển học sinh đi xa”.

 

Lí do cho việc sĩ số học sinh tăng vùn vụt đến chóng mặt, theo lời cô Đỗ Thị Hoa chính là vì lượng người nhập cư ở khu vực phường 8 và các khu vực xung quanh như phường 9, phường 12, 14 càng ngày càng đông. Ở khu vực này, khan hiếm trường tiểu học. Ở ngay quận Gò Vấp, chỉ có mỗi một trường tiểu học dân lập. 

 

Nhưng khi trường An Hội tính đến chuyện chuyển học sinh sang trường dân lập, nhiều phụ huynh không đồng ý. Bởi ngoài lí do về điều kiện kinh tế thì phụ huynh cũng không có điều kiện để đưa đón các em đi học xa. Trong khi đó, những trường công lập khác như Lam Sơn, Minh Khai hay Lương Thế Vinh đều không đủ sức chứa cho hàng ngàn học sinh. Chính vì vậy, Trường Tiểu học An Hội phải “kham” cho những trường xung quanh.

 

Đã có lúc, phòng giáo dục quận tính đến phương án chuyển một số học sinh sang Trường Tiểu học Lương Thế Vinh (ngôi trường duy nhất của quận Gò Vấp có sĩ số học sinh đạt chuẩn 35 em/lớp). Tuy nhiên, cũng sẽ chỉ chuyển được 300 học sinh, trong khi phải tăng sĩ số học sinh ở Lương Thế Vinh lên con số 45 học sinh/lớp. Như vậy, cũng không giải quyết được nhiều mà còn làm cho chất lượng dạy học ở Lương Thế Vinh không được đảm bảo, cô Đỗ Thị Hoa nhận định. 

 

“Nếu chỉ nhận những học sinh có hộ khẩu thì đó là không có lương tâm nhà giáo. Chúng tôi không thể không nhận những học sinh thuộc diện tạm trú. Dẫu biết là thiệt thòi cho những học sinh có hộ khẩu, nhưng chúng tôi chẳng thể làm khác hơn. Chúng tôi cũng động viên phụ huynh học sinh cùng san sẻ những khó khăn của ngành giáo dục”.

 

Một hy vọng cho Trường Tiểu học An Hội đó là sắp tới quận Gò Vấp sẽ xây thêm 2 ngôi trường THCS nữa ở phường 12 và 13. Phòng giáo dục quận Gò Vấp đã đề nghị chuyển 2 ngôi trường này sang phục vụ học sinh tiểu học. Cô Đỗ Thị Hoa ước tính nếu xây xong trong năm 2010 thì một nửa học sinh trường An Hội sẽ được chuyển sang những ngôi trường mới.

 

Hoàng Hoa