Những qui định làm khó thí sinh

Đợt 1 kỳ thi ĐH năm nay kết thúc, không có vụ gian lận nổi cộm nào bị phanh phui. Thế nhưng vẫn còn nhiều lấn cấn, không rõ ràng giữa những qui định trên giấy và thực tế tuyển sinh ở các trường...

Rắc rối chuyện máy tính

Thí sinh (TS) được mang vào phòng thi những loại máy tính nào? Không phải vô cớ khi cứ đến mùa thi, TS và phụ huynh lại cứ phải hỏi đi hỏi lại câu hỏi quen thuộc này. Khi mang câu hỏi này đến các trường ĐH, chúng tôi và cả TS nhận được những giải thích rằng: TS không được sử dụng những loại máy có thẻ nhớ, có chức năng soạn thảo văn bản.

Còn cụ thể được sử dụng những máy nào, câu trả lời lại không hoàn toàn giống nhau. Và ngay những hướng dẫn từ Bộ GD-ĐT về chuyện này cũng không thống nhất và không rõ ràng.

Tháng 2/2006, trả lời trên các phương tiện thông tin đại chúng, ông Quách Tuấn Ngọc, giám đốc Trung tâm tin học Bộ GD-ĐT, cho biết: ngoài các loại máy tính có chức năng đơn giản, trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2006 TS được mang vào phòng thi máy tính Casio FX 570MS, Casio FX 570 ES... Ông cho biết trung tâm sẽ công bố một danh mục các loại máy tính cá nhân để TS có thể lựa chọn; sẽ đề nghị bộ cho TS được sử dụng những loại máy tính thuộc nhãn hiệu khác, không chỉ có các loại máy của Casio...

Đến cuối tháng 6/2006, ông Đỗ Duy Dự - thành viên Ban chỉ đạo tuyển sinh ĐH, CĐ 2006 - cũng khẳng định TS được sử dụng loại máy tính mới Casio FX 570ES và nhiều loại máy của các hãng khác. Thế nhưng, trong công văn của bộ gửi chủ tịch hội đồng tuyển sinh trường ngày 23/6/2006 do Thứ trưởng Bành Tiến Long ký chỉ đề cập đến các loại máy tính Casio nhưng không có máy FX 570 ES.

Nhiều trường đã áp dụng theo công văn này vì cho rằng đây là thông tin có tính pháp lý cao nhất. Vì thế mới có chuyện hội đồng thi Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông (cơ sở tại TPHCM) không cho TS sử dụng máy FX 570ES. TS lỡ mua máy này phải đôn đáo đi mua máy khác ngay trong ngày thi. Trong khi đó, ở hầu hết các trường, loại máy này vẫn được phép sử dụng vì “có tính năng tương tự”.

Cuối cùng, TS được xài máy tính nào vẫn là chuyện do các hội đồng thi qui định. Rõ ràng cần phải cụ thể hóa: các loại máy “có tính năng tương tự” trong công văn của bộ là những loại máy nào? Đợt thi thứ nhất đã qua, vẫn chưa rõ danh mục các loại máy tính được sử dụng trong tuyển sinh theo lời hứa từ trung tâm tin học của bộ khi nào mới được ban hành? Lại có nhiều ý kiến đặt vấn đề ngược lại: bộ có cần can thiệp vào những chuyện quá chi tiết như vậy?

Trong thực tế, các loại máy tính liên tục được cập nhật những tính năng hiện đại. Có nhiều TS sử dụng máy tính với vỏ bề ngoài đúng qui định nhưng trong ruột máy đã được “lên đời” cực xịn thành một kho dữ liệu. Và việc kiểm tra, phát hiện những gian lận kiểu này hoàn toàn tùy thuộc trình độ và sự nghiêm minh của giám thị chứ không phải từ những qui định trên giấy...

Tội nghiệp cái túi xách!

Chuyện cái túi xách của sĩ tử cũng trở thành một đề tài mùa thi từ khi bộ có công văn qui định tư trang của TS và giám thị phải để “bên ngoài khu vực thi”. Dĩ nhiên, ai cũng hiểu tính tích cực của qui định này nhằm tăng cường kỷ luật trường thi. Thế nhưng, ngay từ khi bộ mới triển khai qui định này, nhiều trường ĐH phía Nam đã cho rằng đây là một qui định quá cứng nhắc.

Nếu thực hiện đúng qui định của bộ, TS và giám thị phải để túi xách ngoài cổng trường. Khi đó, khu vực cổng những điểm thi lớn (có gần 10.000 TS dự thi) sẽ biến thành một “núi” túi xách, hành lý của TS. Ai sẽ trông coi khối tài sản này cho TS?

Trong khi đó, không ít sĩ tử đến từ khắp các vùng miền, không có người thân quen để gửi hành lý, tài sản nên không thể buộc họ “đi tay không” vào trường thi... Cuối cùng, hầu hết các trường phải chọn giải pháp cho TS để túi xách ngoài hành lang, ngoài tầm với của TS.

Và chuyện TS mất túi xách, tiền bạc, giấy tờ là một hậu quả không thể tránh khỏi và cũng không còn là chuyện cá biệt ở trường nào. Mới đây nhất, rời phòng thi sau giờ thi buổi chiều ngày 4/7, một nữ TS Trường ĐH Công nghiệp TPHCM không còn tìm thấy túi xách của mình.

Sau một lúc nước mắt ngắn dài, bạn này nhận lại được túi xách của mình từ đội thanh niên tình nguyện ở cổng trường do ai đó đã “cầm nhầm” gửi trả lại. Chưa kịp vui mừng, mở túi xách ra bạn mới hay giấy tờ trong túi (chứng minh nhân nhân, giấy chứng nhận tốt nghiệp...) đã “không cánh mà bay”.

Tội nghiệp những cái túi xách bỗng dưng bị ngờ vực, bị đối xử như những kẻ gian! Trong khi đó, các loại “phao” từ thô sơ đến tinh vi luôn được những kẻ gian thật sự trong trường thi xem như vật bất ly thân và dĩ nhiên phải mang dính bên mình để dễ bề sử dụng.

Nói như một cán bộ coi thi ở Trường ĐH Mở - bán công TPHCM, qui định này của bộ chỉ áp dụng để răn đe người ngay, không có tác dụng mấy với kẻ gian. Nếu giám thị coi thi làm đúng chức phận của mình, hội đồng tuyển sinh trường tổ chức thi cử nghiêm túc, túi xách để ngay trên bục giảng trong phòng thi cũng chẳng việc gì!

Trở lại với những vụ việc gian lận thi cử có tính chất tập thể gần đây ở Tiền Giang và Hà Tây, những điểm thi này thanh tra tuyển sinh từ sở đến bộ đều đã đi qua và được ghi nhận là “nghiêm túc”! Trớ trêu, thực tế đã có không ít hội đồng thi ĐH bị thanh tra nhắc nhở (thậm chí lập biên bản) về việc cho TS để túi xách gần phòng thi...

Điều đáng suy ngẫm là ở đây! Tất cả văn bản qui định liên quan đến kỷ luật thi cử của bộ và công tác thanh tra thi cử tưởng rất chặt chẽ, cuối cùng vẫn bộc lộ nhiều kẽ hở và bất hợp lý. So sánh với những sai phạm nghiêm trọng khác, chuyện cái túi xách để ở đâu trong trường thi ĐH có lẽ không còn quan trọng.

Theo Phúc Điền
Tuổi Trẻ