Bình Định:

Những học sinh ưu tú Việt Nam giao lưu với giáo sư đoạt giải Nobel Vật lý

(Dân trí) - Hơn 30 học sinh tiêu biểu nhất Việt Nam từng đạt giải trong các kỳ thi Olympic quốc tế đã có buổi giao lưu đầy thú vị và bổ ích với Giáo sư Jerome Friendman (người Mỹ, đoạt giải Nobel Vật lý năm 1990).

GS. Jerome Friendman và GS Đàm Thanh Sơn trò chuyện với học sinh xuất sắc của Việt Nam.
GS. Jerome Friendman và GS Đàm Thanh Sơn trò chuyện với học sinh xuất sắc của Việt Nam.

Sáng 7/8, tại Trung tâm quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE - ở phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn, Bình Định), Hội Gặp gỡ Việt Nam (Pháp) tổ chức buổi giao lưu giữa GS. Jerome Friendman (người Mỹ, đoạt giải Nobel Vật lý năm 1990) với 34 học sinh Việt Nam từng đạt giải trong các kỳ thi Olympic quốc tế.

Đoạt giải Nobel vì tính tò mò

GS. Jerome Friendman kể, từ hồi học phổ thông, ông chỉ thích hội họa nên chỉ học các môn học liên quan đến nghệ thuật và rất ít học các môn khoa học khác như toán, lý… Năm học lớp 11, trong lần đến thăm bảo tàng ở Chicago, ông đọc một cuốn sách khoa học của Albert Einstein viết về thuyết tương đối dành cho đại chúng.

GS. Jerome Friendman đạt giải Nobel Vật lý năm 1990 và GS. Đàm Thanh Sơn giao lưu với các học sinh xuất sắc của Việt Nam.
GS. Jerome Friendman đạt giải Nobel Vật lý năm 1990 và GS. Đàm Thanh Sơn giao lưu với các học sinh xuất sắc của Việt Nam.

“Dù là cuốn sách dành cho đại chúng, nhưng lúc đó tôi không có nhiều kiến thức về khoa học. Tôi đọc đi đọc lại nhưng vẫn không hiểu hết được các vấn đề trong cuốn sách nên càng thêm tò mò. Từ đó, tôi quyết tâm đi theo ngành khoa học vật lý để giải mã những điều mình chưa hiểu về cấu trúc bên trong của vật chất”, Giáo sư Nobel chia sẻ.

Mong muốn được GS. Nobel truyền lửa đam mê khoa học, em Nguyễn Phương Thảo, lớp 12 Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội - đạt Huy chương Vàng Olympic Sinh học quốc tế năm 2018 và Huy chương Bạc Olympic Sinh học quốc tế năm 2017 hỏi rằng: "Trong quãng đời nghiên cứu khoa học là con đường rất dài và khó khăn thì đối với cả những bạn như em, làm thế nào để tiếp tục giữ đam mê, tiếp tục theo đuổi dù biết là khó khăn, nhiều lúc giáo sư có cảm thấy chán nản?".

GS. Jerome Friendman cho rằng, mấu chốt của một người làm nghiên cứu khoa học là niềm đam mê và sự tò mò. Đối với tôi càng tò mò bao nhiêu thì càng thôi thúc mình tự đặt câu hỏi rồi tự đi tìm câu trả lời. Thực sự mình rất muốn tìm ra câu trả lời, nhưng có những lúc mình biết có tìm ra được câu trả lời hay không. Nghiên cứu khoa học thực sự là công việc tuyệt vời nhất trên cuộc đời. Vì các bạn được trả lương để làm và trả lời câu hỏi của chính mình đặt ra.

Các bạn học sinh đặt câu hỏi cho giáo sư Nobel.
Các bạn học sinh đặt câu hỏi cho giáo sư Nobel.

“Cho dù không được giải Nobel đi chăng nữa, tôi vẫn thấy cuộc đời mình thật là có ý nghĩa và công việc này rất là thú vị. Vì tôi rất đam mê đeo đuổi câu hỏi của chính mình, tìm được câu trả lời và được trả lương”, GS. Jerome Friendman chia sẻ.

GS. Trần Thanh Vân - Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam chia sẻ: “Cuộc gặp ngày hôm nay, tôi chỉ hy vọng để lại cho các em một niềm vui vì được gặp được một nhà khoa học lớn. Đây xem như một cái duyên để cho các em giữ một ngọn lửa yêu khoa học, hiến tất cả những ý tưởng của mình để khoa học được phát triển và đưa khoa học Việt Nam lên một tầng cao mới của thế giới”.

Việt Nam có những học sinh tiêu biểu nhất quốc tế

Dành lời khen cho 34 học sinh Việt Nam từng đạt giải trong các kỳ thi Olympic quốc tế, GS. Jerome Friendman, nói: “Trong số 34 học sinh đạt giải Olympic quốc tế có mặt trong buổi giao lưu thì có 2 nữ sinh. Hai em này đều đạt huy chương vàng, một em còn đạt điểm cao nhất đoàn Việt Nam và cao nhất quốc tế. Các bạn ở đây không chỉ là học sinh tiêu biểu nhất Việt Nam. Thực ra, các bạn là những học sinh tiêu biểu nhất trên toàn thế giới”.

Tuy nhiên, GS. Jerome Friendman cũng đưa ra lời khuyên: “Các học sinh Việt Nam nếu muốn nghiên cứu khoa học hay học tập ở nước ngoài thành công thì nên cố gắng học tiếng Anh. Các nhà khoa học trên thế giới hiện nay đều giao tiếp với nhau bằng tiếng Anh. Để phát triển hơn thì các bạn phải học tiếng Anh giỏi để giao tiếp được với khoa học và các nhà khoa học trên thế giới”, GS chia sẻ.

GS. Đàm Thanh Sơn khuyên các bạn học sinh Việt Nam nếu có điều kiện thì nên đi du học.
GS. Đàm Thanh Sơn khuyên các bạn học sinh Việt Nam nếu có điều kiện thì nên đi du học.

Cũng tại buổi giao lưu, GS. Đàm Thanh Sơn cho rằng, ở thời điểm hiện nay, nếu các học sinh Việt Nam muốn theo đuổi con đường khoa học và nếu có khả năng nên chọn con đường du học. Hiện, tuy các trường đại học ở Việt Nam rất tiến bộ, có nhiều giáo sư làm việc khoa học nhưng nếu đi du học thì sẽ có tầm nhìn rộng lớn hơn. Học ở nước ngoài, các học sinh Việt Nam sẽ học hỏi được nhiều người hơn, cách làm việc khác, sẽ tiếp cận vấn đề khác với cách mà các em vốn quen ở Việt Nam.

Đồng quan điểm, GS. Trần Thanh Vân nói: “Tinh thần học ở Việt Nam, cách học ở Việt Nam hiện nay rất khác với nước ngoài. Vì vậy, nếu có cơ hội thì nên đi du học ở ngoại quốc. Song, các bạn phải luôn tâm niệm trong lòng mình rằng, sau khi học ở ngoại quốc sẽ quay trở về Việt Nam để phụng sự tổ quốc tốt hơn”.

Doãn Công

Dòng sự kiện: Gương sáng giáo dục