Những đứa trẻ “thèm” chữ

(Dân trí) - Đều đặn mỗi tối, khi thành phố đã lên đèn, tiếng cô xen lẫn tiếng trò ê e đánh vần tập đọc lại vang lên trong hai lớp học do Hội Liên hiệp Thanh niên TP Huế (LHTN) mở ra dạy cho trẻ làng chài, những em có hoàn cảnh khó khăn...

Ngôi trường nhỏ của trẻ em nghèo

 

Trường Huỳnh Thúc Kháng, từ mấy năm nay, mỗi tối lại rộn ràng tiếng con trẻ, những mái tóc xơ cứng như rơm ngờ nghệch ê a đánh vần say sưa. Lớp học vẫn thường đón người lạ đến thăm. Cô giáo Hoa tự hào giải thích: “Mấy người dân xung quanh thấy bọn trẻ làng chài học chật vật thế mà hỏi gì chúng cũng biết, sao con mình học trường chuyên hẳn hoi mà vẫn câu được, câu chăng? Họ tò mò đến xem thử có bí quyết gì”.

 

Lớp học là một căn phòng nhỏ được Trường Tiểu học Huỳnh Thúc Kháng cho đội công tác xã hội của Hội LHTN TP Huế  mượn mở lớp học tình thương. Ban ngày là nơi học của các lớp chính quy; tối đến lại biến thành ngôi trường nhỏ của các trẻ em nghèo.

 

Lớp học có một chiếc bảng đen, một bóng đèn neon mập mờ, 4 cô giáo trẻ và gần hai mươi mái đầu nhỏ hí hoáy. Thế mà bao năm nay, mái trường nghèo ấy đã gieo chữ cho biết bao nhiêu đứa trẻ làng chài. Cô giáo Lê Phương tâm sự: “Tụi học trò ở đây chủ yếu là con em dân vạn chài không có điều kiện đến trường, có cả trẻ em mồ côi cha mẹ, lang thang nơi đầu đường xó chợ; cho nên dạy bảo các em là một điều hết sức vất vả”.

 

Em Lê Quang Duy kể: “Gia đình em sống ở làng vạn chài Phú Bình, chỗ ấy sát trường nhưng em không được đi học vì không có tiền, nghe mấy đứa trên ghe rủ nhau đi học chữ không mất tiền nên em đến đây”.

 

Về đây, những phận nghèo

 

Ở một ngôi trường khác nằm trên đường Hùng Vương, không khí học chữ của cô trò Trường tình thương An Cựu cũng sôi nổi không kém. Từ mấy phòng học mà Hội LHTN TP Huế mượn lại, mấy năm nay  tối nào cũng ấm áp tiếng cô trò. Học trò ở đây thôi thì đủ thành phần: trẻ em con làng chài, trẻ em thiểu năng trí tuệ, lại có cả những em con nhà khá giả nhưng vẫn đến đây học để tiếp thu thêm kiến thức. 

 

Hiện tại, các em đang phải học trong những lớp học ghép, một phòng học nhưng lại có đến ba bốn lớp, chia ra các nhóm rồi mỗi cô lại phụ trách hướng dẫn một lớp, cho nên thật khó để phân biệt đâu là tiếng giảng của lớp 4 và đâu là bài học của lớp 5. Cô giáo lớp này giảng bài, học trò chưa nghe thì lớp bên kia... đã thấu!

 

Dù thế nhưng hôm nào sĩ số đến lớp cũng khá cao. Thèm cái chữ cho nên em nào cũng yêu mái trường nghèo này như chính con thuyền, mớ vé xổ số của chính mình.

 

Thầy nghèo dạy trò nghèo

 

Gắn bó với những đứa trẻ nghèo là các anh chị sinh viên các trường đại học, cao đẳng trong TP Huế và mội số học sinh phổ thông lớp cuối. Hiện tại Thành đoàn đang có đội ngũ gồm hai mươi thầy cô giáo nằm trong đội công tác xã hội của Hội LHTN TP Huế. Tất cả các thầy cô đều đăng ký đến trung tâm để đi dạy tình thương xuất phát từ sự tự nguyện và hoàn toàn không có một khoản trợ cấp nào, tuy thế nhưng số lượng hội viên rất đông.

 

Anh Trương Quang Trung - Đội trưởng Thành Đoàn - cho biết: “Hầu hết các anh chị hội viên của đội công tác xã hội đều là những học sinh, sinh viên nghèo, đời sống gặp nhiều khó khăn nhưng tất cả đều tình nguyện đăng ký đi dạy tình thương mà không đòi hỏi một quyền lợi nào”.

 

Bạn Quang Thế, sinh viên ĐHSP Huế tâm sự: “Dạy những lớp học này thường vất vả, vì các em quen với cuộc sống của trẻ em đường phố nên việc dạy bảo rất khó; nói thật, ban đầu đăng ký đi dạy cũng... hơi nản, nhưng dần rồi thấy quen và gắn bó luôn”.

 

Các thầy cô giáo mỗi người một trường, có bạn là người Huế, đạp xe tận tít Hương Trà ra dạy; có bạn ở trọ tối nào cũng phải nhịn đói lên lớp rồi về... ăn mì gói. Thế nhưng ở họ đầy máu nhiệt huyết của tuổi trẻ, đầy lòng nhân ái.

 

Nơi tỉ phú tình thương và khát vọng tri thức

 

Không những dạy không công, các bạn còn góp tiền chung nhau làm quỹ, cứ đến cuối tháng lại dành ra mua phần thưởng cho những học trò đạt nhiều điểm mười; cuối năm học, các em được tổ chức “lễ tổng kết” cũng do các anh chị sinh viên, học sinh tự tổ chức để khích lệ, động viên các em học tập. Chính vì thế, học trò làng chài quý thầy cô như anh chị ruột thịt.

 

“Nhiều hôm các em mải chơi, không chịu học hành, bực mình đến phát khóc, chán nản, cuối buổi ra về bỗng nhiên thấy mấy đứa kéo nhau ra “hối lộ” “chuộc lỗi” với cô giáo  bằng cách... dắt xe cho cô, có đứa hôm sau lại mang cả mớ dâu hái được ở đâu đó đem tặng cô” - bạn Thu Thủy, sinh viên ĐHKH kể.

 

Tạm biệt lớp học tình thương của những đứa trẻ nghèo, tôi lặng lẽ ra về trong những xúc cảm khôn nguôi. Hình ảnh những đứa trẻ nghèo lem luốc đen đủi vì nắng gió tròn xoe những cặp mắt đen láy, đăm đăm theo dáng gầy của các cô giáo trẻ cứ ám ảnh tôi mãi. “Tiền có bao nhiêu rồi cũng hết, làm được một điều gì đó để bù đắp một phần cho các em có hoàn cảnh nhiều thua thiệt là mình cảm thấy vui rồi” - Lời tâm sự chân thành đầy nhã ý của cô giáo Phan Thị Thúy, sinh viên ĐH Sư phạm Huế làm tôi nhớ mãi. 

 

Bá Dũng