Nhận xét về công trình “Nghiên cứu cách đọc từ gốc Hán trong tiếng Việt và tiếng Hàn” của TS Park Ji Hoon

Với luận án tiến sĩ ngôn ngữ học "Nghiên cứu cách đọc từ gốc Hán trong tiếng Việt và tiếng Hàn", TS. Park Ji Hoon đã đưa ra được nhiều kết quả nghiên cứu mới trong việc xem xét cách đọc từ gốc Hán của người Việt và người Hàn.

Nghiên cứu cách đọc từ gốc Hán trong tiếng Việt và tiếng Hàn là một đề tài mang tính cấp thiết và rất có giá trị khoa học. Những kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ làm sáng tỏ những quy luật ngữ âm trong cách đọc từ gốc Hán của người Việt và người Hàn, những tương đồng và dị biệt trong hai cách đọc của hai dân tộc, từ đó góp phần soi sáng lịch sử tiếng Hán, tiếng Việt và tiếng Hàn.  Thêm nữa, xét trên ý nghĩa thực tiễn, những kết quả của đề tài sẽ góp phần nâng cao hiệu quả học tiếng Việt của người Hàn và học tiếng Hàn của người Việt. 

Nghiên cứu về từ gốc Hán nói chung thì ở cả Việt Nam lẫn Hàn Quốc đều đã có nhiều học giả quan tâm (Vương Lực, Nguyễn Tài Cẩn, Nguyễn Ngọc San, Lee KI-Moon, Kang Shin Hang, …). Tuy nhiên nghiên cứu cách đọc từ gốc Hán trong tiếng Việt và tiếng Hàn, từ đó rút ra những quy tắc chung và những sự khác biệt giữa hai ngôn ngữ thì đây là công trình đầu tiên. Có thể coi đây là một hướng tiếp cận mới, một bước “đột phá dũng mãnh” đối với việc nghiên cứu các từ gốc Hán trong tiếng Việt và tiếng Hàn.

Nhận xét về công trình “Nghiên cứu cách đọc từ gốc Hán trong tiếng Việt và tiếng Hàn” của TS Park Ji Hoon - 1
Tiến sỹ Park Ji Hoon (thứ 4, bên trái) trong lễ bảo vệ luận án tiến sĩ ngôn ngữ học "Nghiên cứu cách đọc từ gốc Hán trong tiếng Việt và tiếng Hàn" thuộc chuyên ngành Lí luận ngôn ngữ, ĐH Sư phạm Hà Nội năm 2011.

Với công trình này, TS Park Ji Hoon, đã đưa ra được nhiều kết quả nghiên cứu mới trong việc xem xét cách đọc từ gốc Hán của người Việt và người Hàn. Có thể nhấn mạnh một số điểm mới như sau:

Nêu bật được sự tương đồng và khác biệt giữa phụ âm đầu Hán Hàn và phụ âm đầu Hán Việt với 5 hệ thống: Thần âm, Thiệt âm, Xỉ âm, Nha âm và Hầu âm.

Nêu bật được sự tương đồng và khác biệt giữa vận mẫu (vần) Hán Hàn và vận mẫu Hán Việt với 6 hệ thống: Vần mở, Vần kết thúc bằng -i, Vần kết thúc bằng -u, Vần kết thúc bằng -m, -p, Vần kết thúc bằng -n, -t, Vần kết thúc bằng -ng, -k.

Cho được một bức tranh toàn cảnh về những từ gốc Hán ở Việt Nam và ở Hàn Quốc nằm ngoài cách đọc Hán Việt và Hán Hàn, đặc biệt là dấu vết âm gốc lưỡi trong một số trường hợp ở Chương tổ, những biến đổi ngữ âm sau khi hình thành âm Hán Việt và Hán Hàn và những trường hợp đọc mô phỏng thổ ngữ tiếng Trung ở trong tiếng Việt gốc Hán và tiếng Hàn gốc Hán.

Các luận điểm của tác giả được trình bày sáng rõ, có sức thuyết phục, đủ độ tin cậy và có giá trị khoa học thực sự đối với ngành ngữ âm lịch sử tiếng Việt và tiếng Hàn.

Là người Hàn Quốc, nhưng người viết tỏ ra nắm vững kiến thức ngữ âm học đại cương và các thuật ngữ ngôn ngữ học bằng tiếng Việt.

Với 4 chương (Chương I: Giới thiệu tổng quát âm Hán làm cơ sở và xuất phát điểm cho các cách đọc chữ Hán phổ biến trong tiếng Việt và tiếng Hàn; Chương II: So sánh sự hình thành hệ thống phụ âm đầu Hán Việt và Hán Hàn; Chương III: So sánh sự hình thành hệ thống vần Hán Việt và Hán Hàn; Chương IV: Những từ gốc Hán ở Việt Nam và Hàn Quốc nằm ngoài cách đọc Hán Việt và Hán Hàn), cấu trúc của công trình là hợp lí và khoa học. Trong từng chương, các mục, tiểu mục có kết cấu lôgic. Văn phong trong sáng, giản dị, mạch lạc.

Với 178 trang chính văn, 84 trang Phụ lục, và với danh mục 207 tài liệu tham khảo bằng tiếng Việt, tiếng Trung, Hán Nôm, tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Hàn, người viết tỏ ra là một người làm việc cần cù, nghiêm túc, thành thạo nhiều ngoại ngữ, có năng lực nghiên cứu khoa học.

“Nghiên cứu cách đọc từ gốc Hán trong tiếng Việt và tiếng Hàn” là một công trình khoa học nghiêm túc, có giá trị lí luận và thực tiễn cao. Những nội dung mà công trình đề cập đến đã góp phần soi sáng lịch sử tiếng Hán, tiếng Việt và tiếng Hàn.

GS.TS Mai Ngọc Chừ
ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội