Nhận diện hệ thống đại học Việt Nam: Đừng để suốt ngày vá víu

(Dân trí) - Trong câu chuyện tự chủ đại học thì việc sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục đại học cho phù hợp với thông lệ quốc tế đang là một vấn đề nan giải, khó thực hiện, đây cũng là câu hỏi lớn đối với các nhà quản lý giáo dục Việt Nam. Vậy giải pháp nào để thực hiện vấn đề này?

GS.TS. Nguyễn Hữu Đức Phó Giám đốc ĐH QG Hà Nội cho biết, đây là một vấn đề cần phải được trao đổi có trách nhiệm và chuyên nghiệp, tránh duy ý chí và chủ quan. Trước đây, chúng ta cũng đã đề cập đến vấn đề này nhiều lần rồi.

Tuy nhiên, vì chỉ dừng lại trao đổi trên bàn hội nghị và các diễn đàn nên thấy ai cũng có lý cả. Khi lý giải, không được trích dẫn từ châu lục này, thì trích dẫn đến quốc gia khác, miễn là chứng minh được định kiến chủ quan của cá nhân. Chỉ có khi vào thực tiễn, vấp rồi mình mới ngộ ra. Để thêm bất cập rồi mình lại phải chữa, suốt ngày vá víu.


GS.TS Nguyễn Hữu Đức Phó Giám đốc ĐH QG Hà Nội

GS.TS Nguyễn Hữu Đức Phó Giám đốc ĐH QG Hà Nội

Cần xác định lại tên gọi đại học

PV: Theo kinh nghiệm và quan sát của GS, hệ thống đại học của Việt Nam ta hiện nay như thế nào?

GS.TS. Nguyễn Hữu Đức: Từ lúc còn là Hiệu trưởng Trường đại học Công nghệ, ĐHQGHN (năm 2005), khi tham dự một số Hội nghị giáo dục quốc tế, tôi cũng đã bắt đầu trao đổi với các đồng nghiệp về điều này. Vì lúc đó tôi cũng không biết nên gọi tên tiếng Anh của trường tôi là gì. Nhưng rồi mọi chuyện cũng dừng lại ở giới hạn quan điểm của từng người mà thôi. Một số lời giải chỉ thực sự được "chung kết" và ngộ ra khi ĐHQGHN của chúng tôi tham gia xếp hạng quốc tế.

Đó là lần tôi sang Singapore làm việc tổ chức xếp hạng QS (năm 2013). Hôm đó, tôi rất tự tin về việc đăng ký tham gia xếp hạng cho các trường đại học thành viên của ĐHQGHN. Vậy mà mới vào hội đàm với QS đã bị hụt hẫng ngay. Người ta chỉ chấp nhận đăng ký xếp hạng cho một số trường thành viên của ĐHQGHN có dáng dấp của một "university" mà thôi. Còn lại một số trường thành viên khác thì không được vì còn đơn ngành và đơn lĩnh vực quá. Số khoa và số chương trình đào tạo tiến sĩ chưa hợp lý đối với yêu cầu cần có về cấu trúc của một trường đại học.

PV: Thực tế thì nhận xét tổ chức QS như vậy có xác đáng không, thưa GS?

GS.TS. Nguyễn Hữu Đức: Lúc về nước, tôi có xem thêm một số tài liệu, trong đó có Luật Giáo dục đại học Ba Lan năm 2005, thì thấy họ có quy định tương tự như vậy. Theo đó, tên gọi “đại học” (“university”, ví dụ University of Warsaw – tức là đại học đa ngành, đa lĩnh vực) chỉ được sử dụng để gọi một cơ sở giáo dục có đào tạo và cấp bằng tiến sĩ cho ít nhất là 12 chuyên ngành, trong đó có tối thiểu 2 chuyên ngành về các ngành về khoa học xã hội và nhân văn hoặc 2 chuyên ngành về toán học và khoa học thực nghiệm hoặc 2 chuyên ngành về khoa học công nghệ và kỹ thuật, khoa học tự nhiên...

Tên gọi “đại học kỹ thuật” (“technical university”) để gọi một cơ sở giáo dục có đào tạo cấp bằng tiến sĩ cho ít nhất 12 chuyên ngành, trong đó có ít nhất 8 chuyên ngành về công nghệ và kỹ thuật (engineering and technological sciences).

Tên gọi “university” kèm theo một danh từ hoặc tính từ chỉ lĩnh vực chuyên môn của trường đó (ví dụ, University of Agriculture) cũng đòi hỏi có đào tạo cấp bằng tiến sĩ cho ít nhất 6 chuyên ngành, trong đó có ít nhất 4 chuyên ngành thuộc đến lĩnh vực liên quan.

Ở Ba Lan, tên gọi “học viện” (academy) chỉ được sử dụng để gọi cho cơ sở giáo dục chỉ cần có đào tạo tiến sĩ cho hai chuyên ngành.

Như thế có nghĩa là, đã là “university” thì đào tạo tiến sĩ và nghiên cứu khoa học là một chỉ số rất cơ bản. Sự phân hạng, phân tầng đại học này càng rõ ràng và nghiêm khắc hơn trong bộ tiêu chí phân hạng ở Hoa Kỳ (ví dụ, xem Carnegie Classifications: university phải có ít nhất 20 chương trình đào tạo tiến sĩ). Ngoại trừ một vài trường còn giữ truyền thống lâu đời của họ, các trường không đào tạo tiến sĩ, hoặc đào tạo ít chuyên ngành tiến sĩ và thạc sĩ họ chỉ gọi là “college”.

Ở nước ta, ngoài tính đơn ngành khá phổ biến, còn có một số cơ sở giáo dục đại học tổ chức còn đào tạo trình độ cao đẳng, chỉ có một số chương trình đào tạo đại học đã được gọi là trường đại học rồi.

PV: Vậy thực tế có phải chỉ có các trường đại học đa ngành, đa lĩnh vực mới được tham gia xếp hạng và có thứ hạng tốt, thưa giáo sư?

GS.TS. Nguyễn Hữu Đức: Tham gia thì có thể, nhưng lọt tốp thì cơ bản là như vậy. Trong tốp 250 trường đại học tốt nhất châu Á chủ yếu là các tên “university”, “university of science and technology”, “university of technology” và “medical university”.

Đó là các trường đại học có tỉ lệ quy mô đào tạo sau đại học chiếm trên 15% và thành tích nghiên cứu tốt. Tôi đặc biệt chú ý thấy có tên Trường Đại học Ngoại ngữ Hàn quốc (Hankuk (Korea) University of Foreign Studies) ở thứ hạng 69.

Tuy nhiên, tìm hiểu kỹ thì thấy rằng tên trường ấy do truyền thống để lại thế thôi nhưng cơ cấu ngành nghề thì họ có đầy đủ cả, từ khoa học xã hội và nhân văn đến kinh tế và luật, kể cả khoa học máy tính… Không phải như mô hình nhiều trường đại học ngoại ngữ của Việt Nam hiện nay.

PV: Tình trạng trường đại học đơn ngành, đơn lĩnh vực như vậy chỉ có ở nước ta, còn xu thế hiện nay trên thế giới thế nào thưa GS?

GS.TS. Nguyễn Hữu Đức: Đại học chúng ta là sản phẩm của hệ thống Liên Xô cũ, gắn với nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung bao cấp, đào tạo nhân lực cho từng Bộ, ngành với tên trường gắn với các chữ “institute”. Hiện nay chủ nhân của mô hình đó đã thay đổi rất nhiều rồi. Các trường đại học của LB Nga bây giờ phổ biến phát triển đúng theo nghĩa "university".

Ngay cả ở CH Pháp, vào những năm 1970, các trường đại học cũng đã từng bị chia nhỏ. Ví dụ như Đại học Paris đã được chia thành 13 trường đại học (I đến XIII). Mặc dù về cơ bản vẫn giữ được bản chất "university" và có qui mô lớn, nhưng xét về khả năng liên kết và phát huy sức mạnh liên ngành thì mô hình này đã bộc lộ một số hạn chế.

Đặc biệt, trong bản đồ và các bảng xếp hạng đại học thế giới, sự hiện diện và uy tín của các đại học Pháp chưa cao. 15 năm qua họ cũng đã tích cực đổi mới. Giai đoạn 2005-2013, quá trình tái cấu trúc thay đổi theo hướng tích hợp thành các tổ hợp đại học kiểu 2 cấp theo mô hình PRES (centers for research and higher education). Như PRES ParisTech (tổ hợp 13 cơ sở giáo dục đại học kỹ thuật-công nghệ vùng Paris), PRES Lyon (tổ hợp của 11 cơ sở giáo dục đại học và nghiên cứu vùng Lyon)...

Từ năm 2013 đến nay mô hình PRES được điều chỉnh tiếp thành các ComUE (association of universities and higher education institution). Trường đại học Tổng hợp Joseph Fourier (Grenoble) trước tôi có sang nghiên cứu ở đó, nay đã kết hợp với 2 Trường đại học Tổng hợp Grenoble khác là Pierre-Mendès-France University và Stendhal University để trở thành Đại học Grenoble Alpes.

PV: Cách làm của CH Pháp có vẻ giống như cách Việt Nam chúng ta đã làm 25 trước đây đối với việc tổ chức mô hình các đại học quốc gia và đại học vùng, thưa GS?

GS.TS. Nguyễn Hữu Đức: Về mặt hình thức có vẻ như vậy, nhưng thực chất thì cần phải tìm hiểu kỹ hơn một chút. Tôi có nghiên cứu qua trường hợp của Trường đại học Joseph Fourier, sau ghi sát nhập, click vào website https://www.ujf-grenoble.fr của trường cũ đều chỉ dẫn đến website của đại học mới https://www.univ-grenoble-alpes.fr. Ba trường đại học thành viên cũ bây giờ chỉ còn lại 23 khoa (faculty), trường (school) và viện (institute). Nghĩa là họ tái cấu trúc rất hữu cơ và triệt để.

Tôi nghĩ rằng, mô hình đại học 2 cấp với sự tích hợp cơ học của Việt Nam đã phát huy được một số lợi thế ưu tiên trước đây về tự chủ đại học, nhất là tự chủ về học thuật. Hiện nay lợi thế ấy cạnh tranh ấy không còn nhiều vì nhiều trường đại học khác cũng đã có được các quyền ấy.

Lợi thế và nguồn lực lớn nhất của các đại học này bây giờ phải là sức mạnh đầy đủ của một thực thể university hữu cơ thực thụ. Chỉ cần có một số điều chỉnh nhỏ, mang tính nguyên tắc, đúng chuẩn mực thì sẽ phát huy tiếp được hiệu quả. Trong quá trình ấy, bước đi từ PRES đến ComUE của CH Pháp có thể là một tham khảo có ý nghĩa. Sau khi học tập kinh nghiệm của các đại học này, có thể nghiên cứu để quy hoạch và tổ chức lại hệ thống đại học của Việt Nam.


Việc phân tầng đại học rất quan trọng đối với sinh viên trong việc lựa chọn trường để học theo đúng sở thích của mình

Việc phân tầng đại học rất quan trọng đối với sinh viên trong việc lựa chọn trường để học theo đúng sở thích của mình

Phân tầng đại học theo 2 nhóm

PV: Việc phân tầng đại học Việt Nam cũng là vấn đề khó thực hiện mặc dù vấn đề này đã được các nhà quản lý đưa ra khá lâu rồi. Theo GS phân tầng đại học quan trọng như thế nào trong việc cơ cấu lại hệ thống giáo dục đại học của VN hiện nay?

GS.TS. Nguyễn Hữu Đức: Ba bất cập đơn giản nêu trên khi tổ hợp lại gây ra các bất cập lớn hơn. Trong đó, chỉ từ chỗ trường đại học nào cũng được xưng danh là “university” giống nhau nên thực hiện việc triển khai phân tầng cũng lắm bàn cãi và xã hội cũng có những nhầm lẫn, đưa ra một số đánh giá quá khắt khe, đồng hạng cho cả ngành giáo dục đại học.

Xin đơn cử một ví dụ này. Chúng ta biết rằng, nhu cầu nguồn nhân lực của xã hội rất phong phú, có “phổ” rất rộng về chất lượng và trình độ. Có những tổ chức cần tuyển nhân lực tinh hoa, trình độ cao và khả năng sáng tạo. Bên cạnh đó cũng có những tổ chức chỉ cần tuyển nguồn nhân lực đáp ứng những kiến thức, kĩ năng “phổ quát” và khả năng ứng dụng.

Đáp ứng 2 nhóm mục tiêu này là phân tầng hai nhóm trường đại học, như cách nói truyền thống, đại học định hướng nghiên cứu (hay đại học “tinh hoa”) và đại học ứng dụng – thực hành (hay đại học “đại chúng”).

Đối với nhóm đại học tinh hoa, yêu cầu có nhiều nhà khoa học giỏi và cần tuyển sinh được đầu vào các em có năng lực sáng tạo tốt và có điểm thi đại học cao là điều hiển nhiên. Trong khi đó, đối với các nhóm đại học đại chúng, tại sao chúng ta không thể chấp nhận một nguyên tắc của giáo dục là khi đạt kết quả học tập của lớp này thì được học lên lớp trên và cũng như vậy, tốt nghiệp bậc học này sẽ đủ điều kiện được tiếp tục học lên bậc học trên? Vậy nên đối với nhóm này, điểm chuẩn đầu vào không cao đâu phải là điều đáng bận tâm quá. Trên thế giới, nhất là ở Châu Âu đây là hình thức khá phổ biến. Quá trình sàng lọc sẽ được thực hiện trong quá trình học đại học.

Thực hiện phân tầng như vậy, ngoài đáp ứng mục tiêu quy hoạch, còn là giải pháp thực hiện 3 công khai và quảng bá cho trường đại học của mình một cách trực tiếp và và minh bạch. Đồng thời với đó, các trường đại học sẽ nhận được sự đồng thuận và chia sẻ của cộng đồng trong việc thực hiện tự chủ một cách tương thích, phù hợp với mục tiêu của mình.

PV: Vậy chỉ cần thực hiện phân tầng theo Nghị định 73 mà Thủ tướng Chính phủ đã ban hành trước đây đã đủ chưa, thưa GS?

GS.TS. Nguyễn Hữu Đức: Nghị định 73 đã được xây dựng theo tiếp cận hội nhập khá rõ nét. Tuy nhiên, cần phải có hướng dẫn cụ thể và toàn diện hơn nữa mới triển khai thực hiện được.

Sự cụ thể ở đây không chỉ giới hạn ở sứ mạng, mục tiêu, mà như đã nói ở trên, phải nghiên cứu để xác định được cả tên gọi (tiếng Việt và tiếng Anh), cơ cấu các bậc đào tạo và quy định các điều kiện đảm bảo chất lượng.

Tôi hy vọng, trong lần sửa đổi Luật Giáo dục đại học tới đây, vấn đề này sẽ được xét và xác lập theo triết lý giáo dục của ta, gọi tên sự vật đúng bản chất, đổi mới căn bản và triệt để. Tránh cách làm luôn luôn cứ đi học tập, tham khảo, tích góp từ mỗi châu lục, mỗi quốc gia một chút kinh nghiệm như trước đây.

Xin trân trọng cám ơn GS.TS. Nguyễn Hữu Đức

Hồng Hạnh