Thừa Thiên Huế:

Nguy cơ người tài “dứt áo ra đi”

(Dân trí) - Nếu Huế không có một chính sách đãi ngộ nhân tài tốt, tình trạng chảy máu chất xám sẽ không thể tránh khỏi trong xu hướng hội nhập ngày càng mạnh như hiện nay.

Đó là điều mà PGS-TS Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc Đại học Huế băn khoăn trước kỳ họp HĐND tỉnh khóa IV diễn ra vào sáng nay 3/4. Ông Toàn cũng cho biết, hiện trên bàn làm việc của ông đang nhận được nhiều đơn xin “ra đi” của các cán bộ đầu ngành ở ĐH Huế để đến với các cơ sở đào tạo đại học “hấp dẫn” hơn.

Hiệu trưởng trường ĐH Y Dược Huế sắp “Nam tiến”

Theo nguồn tin của chúng tôi, một cán bộ đầu ngành trong lĩnh vực y khoa ở Huế là PGS-TS Phạm Văn Lình, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược Huế kiêm Giám đốc Bệnh viện trường sẽ thôi chức vụ của mình và “Nam tiến” vào tận Cần Thơ với chức vụ Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược Cần Thơ. Việc PGS-TS Phạm Văn Lình ra đi được giải thích là do sự điều động của Bộ Y tế. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến khẳng định là đến năm 2009 ông Lình sẽ hết nhiệm kỳ làm hiệu trưởng ở Trường ĐH Y Dược Huế. Nếu trở về với vai trò một cán bộ giảng dạy bình thường thì không xứng tầm với một cán bộ đầu ngành như ông nên chuyện “ra đi” của ông được dư luận xem là điều không khó hiểu.

PGS-TS Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc ĐH Huế cũng xác nhận với chúng tôi chuyện “Nam tiến” của ông Lình và ông lấy làm rất tiếc về điều này. PGS-TS Phạm Văn Lình được xem là một người có nhiều đóng góp quan trọng trong việc xây dựng “thương hiệu” Trường ĐH Y Dược Huế cũng như trong lĩnh vực y tế tỉnh Thừa Thiên Huế. Chính ông là người đã đem về cơ sở Trung tâm phẫu thuật thần kinh sọ não bằng dao Gamma đầu tiên ở Việt Nam và các nước Đông Nam Á tại Huế. Ngoài ra, PGS-TS Phạm Văn Lình có rất nhiều đóng góp trong công tác giảng dạy, đào tạo cũng như khám chữa bệnh. Việc ông chuyển công tác vào Cần Thơ sẽ là một “mất mát” của ngành y tế tỉnh Thừa Thiên Huế cũng như với việc xây dựng và phát triển ĐH Huế thành đại học trọng điểm quốc gia giai đoạn 2008-2015.

PGS-TS Nguyễn Văn Toàn cũng lo lắng khi PGS-TS Phạm Văn Lình chuyển công tác sẽ kéo theo một số cán bộ đầu ngành trong lĩnh vực y khoa của Huế chuyển theo.

“Tôi chỉ chấp nhận việc chuyển đi của PGS-TS Phạm Văn Lình vì đây là điều động cán bộ của Bộ Y tế, còn những người khác xin đi thì tôi sẽ không chấp nhận vì nó sẽ làm ảnh hướng đến tiến trình xây dựng và phát triển của ĐH Huế trong giai đoạn này”, PGS-TS Nguyễn Văn Toàn khẳng định.

26 phó giáo sư không có phòng làm việc riêng

Ngoài trường hợp của PGS-TS Phạm Văn Lình, hiện trên bàn làm việc của ông Toàn có khoảng 20 “lá đơn” xin chuyển công tác vào Sài Gòn làm việc của PGS-TS Đoàn Đức Hiếu, Trưởng khoa Mác-Lênin Trường ĐH Khoa học Huế. “Quan điểm của chúng tôi là những cán bộ của ĐH Huế sau khi được đào tạo tiến sỹ, được công nhận chức danh phó giáo sư phải có thời gian cống hiến cho ĐH Huế ít nhất 5 năm mới được xem xét chuyển công tác đến cơ sở đào tạo khác.” - ông Toàn cho biết.

Nếu không cứng rắn, thì tình trạng chảy máu chất xám sẽ xảy ra ồ ạt khi năm 2009 Việt Nam chính thức ký kết điều khoản cho phép thành lập cơ sở đào tạo 100% vốn nước ngoài hoặc trong xu hướng nhiều trường đại học mới được thành lập hiện nay”, ông Toàn nhấn mạnh.

Tuy nhiên, những biện pháp giữ chân người tài của ĐH Huế chỉ là muối bỏ bể nếu như không có sự vào cuộc của lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế. Theo GS. Lê Văn Thuyết - cán bộ duy nhất ở ĐH Huế được công nhận chức danh giáo sư, sau mấy chục năm cống hiến trong ngành giáo dục, ông chưa bao giờ được hưởng một chính sách đãi ngộ “người tài” của tỉnh, trong khi bạn bè của ông làm ở các tỉnh khác được tạo điều kiện về nhà ở, phụ cấp, lương bổng rất hậu hĩnh, xứng đáng với những đóng góp mà họ đã bỏ ra.

Theo thống kê, ĐH Huế là một trong số rất ít các trung tâm đào tạo đại học sở hữu một đội ngũ cán bộ giảng dạy “chất lượng cao” trong cả nước, với hơn 100 giáo sư, phó giáo sư và khoảng hơn 300 tiến sỹ. Thế nhưng, hiện có 26 phó giáo sư không có nổi một phòng làm việc riêng - điều kiện tối thiểu cho những cán bộ giảng dạy có chức danh phó giáo sư trở lên.

Sông Lam