Người thầy già mê nét đẹp ca trù

(Dân trí) - Ở cái tuổi gần đất xa trời, nhà giáo Nguyễn Nghĩa Nguyên vẫn giữ được giọng nói trong trẻo. Có lẽ chính niềm đam mê ca trù đã giúp thầy lưu giữ nét trẻ trung, trong trẻo trong tâm hồn.

Năm 1985, sau 43 năm làm nghề “gõ đầu trẻ”, nhà giáo Nguyễn Nghĩa Nguyên (huyện Diễn Châu, Nghệ An) rời bục giảng về quê sinh sống ở tuổi 65. Dù đã nghỉ công tác nhưng sức ông vẫn còn dẻo dai, tâm hồn còn đầy sức trẻ. Và thầy thèm được ngồi bên ấm chè xanh, cùng mọi người gõ trống, phách, hát ca trù mỗi tuần trăng lên.

Người thầy già mê nét đẹp ca trù  - 1
Thầy Nguyễn Nghĩa Nguyên luôn tâm niệm: "Ca trù là si sản truyền kiếp không thể thiếu hiện nay..."

Ước mơ ấy của thầy đến giữa thập niên 90 mới thành hiện thực, khi thầy được Hội văn nghệ dân gian (HVNDG) Nghệ An kết nạp làm hội viên. Hành trình đi tìm lại “di sản” ca trù của thầy bắt đầu từ đó... Với chiếc xe đạp cũ, thầy đi khắp các vùng Nghệ Tĩnh (Nghệ An và Hà Tĩnh), ở đâu nghe nói có nghệ thuật ca trù là thầy đến.

Thầy ngậm ngùi: “Ca trù là thể loại âm nhạc dân gian xa xưa nhất nên trong thời buổi kinh tế thị trường, loại hình âm nhạc này đã bị mai một nhiều. Việc tìm lại nó thật sự khó khăn. Có ngày tôi đạp xe tới 70 cây số chỉ để được nghe các nghệ nhân hát một vài làn điệu ca trù cổ, rồi cố gắng ghi chép lại. Với tôi ca trù là gia sản truyền kiếp không thể thiếu ở thời đại ngày nay”.
 

Người thầy già mê nét đẹp ca trù  - 2

Một tiết mục ca trù giao lưu ngày lễ giữa các làng xã trong CLB của thầy Nguyên


Những cố gắng của thầy được đền đáp khi năm 2002, thầy Nguyên được Sở VH-TT Nghệ An khi đó và lãnh đạo huyện Diễn Châu cho phép thành lập câu lạc bộ ca trù đầu tiên của tỉnh Nghệ An, thầy là người chủ nhiệm. Câu lạc bộ ngay từ đầu đã "kéo" được 60 hội viên tham gia với nhiều lứa tuổi khác nhau, trong đó có những nghệ nhân dù tuổi đã cao nhưng vẫn sở hữu giọng ca trong trẻo, ngọt ngào, như cụ Trần Hải (nay đã 97 tuổi), cụ Lưu Thị Tăng (SN 1920), cụ Nguyễn Thị Phán (SN 1922).
 
Dù hoạt động trong điều kiện khó khăn song tính đến nay, CLB của thầy đã đào tạo được nhiều lớp trẻ thành công với nghiệp ca trù. Hàng năm, CLB được đi biểu diễn ở nhiều nơi trên cả nước, trong các sự kiện lớn. Bản thân thầy Nguyễn Nghĩa Nguyên cũng thường được các trường học mời đến giảng và hát minh hoạ cho các buổi học về thể loại âm nhạc này.
 
Thầy Nguyên tâm sự: "Ca trù là thế loại âm nhạc hàn lâm rất quý. Để mất đi di sản ấy thì có tội với cội nguồn, có tội với lịch sử. Gần 20 năm nay, tôi đã dày công sưu tầm, nghiên cứu và khơi dựng cũng vì lẽ đó. Với tôi, ca trù là di sản phải được truyền cho con cháu sau này. Tôi nay ở cái tuổi gần đất xa trời nhưng hãy còn là người của dương thế thì làm cho thế hệ mai sau tiếp bước và gìn giữ thế hệ cha ông...". Thầy Nguyễn Nghĩa Nguyên năm nay đã gần 90 tuổi, 64 năm tuổi Đảng, nửa đời làm thầy giáo, thầy từng dìu dắt bao thế hệ học trò thành tài. Khi về hưu, nghiệp trồng người của thầy lại được chắp cánh cùng niềm đam mê ca trù.

Nguyễn Duy - Ngọc Thái