Người thầy của núi rừng Tây Bắc

(Dân trí) - Mỗi năm cứ đến ngày mùng ba Tết, nhà thầy giáo Đặng Quang Việt, hiệu trưởng Trường ĐH Tây Bắc luôn rộn vang tiếng cười của học trò cũ tới thăm. “Sẽ trống vắng vô cùng nếu một ngày nào đó tôi phải rời xa bục giảng” - thầy Việt tâm sự.

Người thầy của núi rừng Tây Bắc - 1
PGS.TS, Nhà giáo nhân dân Đặng Quang Việt.
 
Có lẽ, cái bấu víu, cái níu kép tôi ở lại với Tây Bắc chính là tình người Tây Bắc, những học trò thật thà, chân thành, mộc mạc, dễ thương và hiếu học ở Tây Bắc..., đó là lời chia sẻ của Nhà giáo nhân dân, PGS.TS Đặng Quang Việt - người đã 30 năm gắn bó với nghề giáo từ chàng trai miền xuôi 21 tuổi lên miền núi lập nghiệp theo phân công của Bộ GD-ĐT.

Thầy Việt tâm sự: “Tôi nhớ như in ngày đầu tới trường dạy học vào tháng 5 năm 1981, mùa đông gió rét thấu xương, phòng ở trống huênh, trống hoác, ăn đói, mặc rét cùng với bỡ ngỡ khi mới vào nghề!... Ấy thế mà, sức chịu đựng và mong muốn được cống hiến của tuổi trẻ đã giúp tôi vượt qua những khó khăn tưởng chừng không thể. Tôi được sống chung, làm việc chung với an hem bạn bè cùng cảnh ngộ, những con người nhân hậu mà tôi đã được gặp ở Tây Bắc, những học trò thật thà, chân thành, mộc mạc, dễ thương và tình người Tây Bắc!. Và, Tây Bắc đã trở thành quê hương thứ 2 của tôi một cách tự nhiên không biết tự lúc nào.

Thời điểm này, kinh tế của đất nước khó khăn, Tây Bắc lại càng khó khăn hơn! Những giáo viên vừa mới ra trường như tôi rất đói, đói triền miên, chẳng mấy khi ăn no cả. Nhiều hôm thức khuya đọc sách, bụng đói cồn cào nhưng đành ôm bụng đói đi ngủ. Nhiều đêm, đói quá chẳng ngủ được, sáng hôm sau, không có gì trong bụng, vậy mà phải lên lớp liền 5 tiết. Có hôm, đi lên lớp về, mắt hoa cả lên, đi cũng không vững. Tôi không thể quên những kỷ niệm thời gian khó đó”.

Chính khó khăn đó đã để lại trong lòng thầy Việt, sự cảm thông, một tình yêu tha thiết với Tây Bắc. năm 1985, sau khi tốt nghiệp cao học Toán khóa 8 tại Hà Nội với kết quả xuất sắc, thầy Việt cũng là người duy nhất trong khóa đó được kết nạp Đảng. Ngay sau ngày kết nạp Đảng, thầy Việt đã làm thủ tục chuyển đảng từ Thành ủy Hà Nội lên Trường cao đẳng Sư phạm Tây Bắc.

Thầy Việt cho hay: “ Lúc đó, tôi quay trở lại Tây Bắc, mọi thứ gần như vẫn xưa, chẳng có gì khá hơn. Bạn bè, chiến hữu vẫn mong ngóng ngày được chuyển vùng, rất ít người yên tâm công tác tại đây. Con đường phấn đấu phía trước vẫn mờ mịt, nếu không muốn nói là mất phương hướng. Trong những năm tháng đó, may mắn thay, tôi đã tìm thấy được niềm vui trong dạy học. Nhiều em sinh viên đã chăm chú nghe tôi giảng như muốn nuốt lấy từng câu, từng chữ. Chính những sinh viên đó đã giúp tôi yêu nghề hơn, bất chấp những khó khăn tưởng chừng như khó vượt qua. Tôi đã đứng ra cưu mang, giúp đỡ cho một số học trò có hoàn cảnh khó khăn. Chính việc làm hữu ích đó giúp tôi vượt qua trở ngại và có được thành công trong nghề dạy học".

Sau nhiều năm hết mình về công tác dạy học, năm 1995, thầy Việt được Bộ GD-ĐT đề bạt làm phó hiệu trưởng Trường cao đẳng sư phạm Tây Bắc. Vừa dạy học vừa tham gia làm quản lý, năm 2002, thầy Việt đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ. Sau khi Trường đại học Tây Bắc ra đời, thầy Việt đã được Bộ GD-ĐT giao trọng trách làm hiệu trưởng đầu tiên của trường.

Một trường đại học được nâng cấp lên từ trường cao đẳng sư phạm miền núi, cái gì cũng thiếu từ giáo trình đến cơ sở vật chất. Với tình yêu Tây Bắc và lòng yêu nghề, sau thời gian ngắn thầy Việt đã đưa Trường ĐH Tây Bắc là trường đại học trọng điểm của vùng. Đây là một kết quả thể hiện sự cố gắng to lớn của tập thể nhà trường, trong đó có đóng góp không nhỏ của thầy Việt.

Dù rất bận rộn trong công tác quản lý của một trường đại học mới thành lập nhưng thầy Việt vẫn dành thời gian lên lớp giảng dạy cho sinh viên. Sau nhiều năm nghiên cứu giảng dạy với nhiều công trình nghiên cứu khoa học xuất sắc, năm 2007, thầy Việt được Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước công nhận chức danh phó giáo sư. Với những cố gắng phấn đấu không mệt mỏi, năm 2002, thầy Việt được công nhận là Nhà giáo ưu tú và năm 2010 được công nhận danh hiệu cao quý Nhà giáo Nhân dân.

Thầy Việt tâm sự: “Những dịp Kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam, dịp nghỉ Tết Nguyên đán, dịp nghỉ hè, học trò các thế hệ, kể cả trò luyện thi đại học đã đến thăm tôi ngày một đông. Những thành đạt của các em là nguồn động viên vô cùng to lớn đối với tôi, tiếp thêm sức mạnh cho tôi và làm tôi thêm yêu mến nghề dạy học. Sẽ trống vắng vô cùng nếu một ngày nào đó tôi phải rời xa bục giảng”.

Hồng Hạnh