NGND - GS Đinh Xuân Lâm và nỗi buồn xuyên lịch sử

(Dân trí) - Ở tuổi 84, dù tóc đã trắng phau nhưng ông còn trầm tư hơn cả thời gian mỗi khi nhắc đến việc học và dạy sử trong nhà trường phổ thông. Ông buồn, nỗi buồn ứa tràn trong từng vết nhăn nơi khóe mắt và trong mỗi cái nhìn bàng bạc chồng chất suy tư.

PV Dân trí có cuộc trò chuyện với Nhà giáo nhân dân - Giáo sư Đinh Xuân Lâm bên thềm Hội thảo Khoa học "Thực trạng việc dạy và học lịch sử trong trường phổ thông - Nguyên nhân và giải pháp" do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức.

Sự lãng quên đáng sợ!

Thưa GS, đây có phải là lần đầu tiên Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học để đòi "công bằng" cho môn Sử?

Có lẽ là như vậy. Cách đây vài năm, Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật đã có một đề tài lớn, tập trung nhiều nhà giáo, nhiều nhà khoa học tiến hành rà soát chương trình và sách giáo khoa các môn học, trong đó có môn Lịch sử của các lớp THCS. Đã có nhiều cuộc hội thảo, nhiều bản nhận xét, có nghiệm thu và có kiến nghị, có tổng kết với sự tham dự của Bộ GD-ĐT. Nhưng sau đó là sự im lặng đáng sợ, tất cả đều rơi vào quên lãng để đến hôm nay lại trở về điểm xuất phát.

Rút kinh nghiệm từ lần trước, lần này Hội thảo sẽ được tiến hành như thế nào?

Lần này, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam với chức năng là một tổ chức nghề nghiệp đã tổ chức một cuộc Hội thảo với quy mô lớn hơn, với tính chuyên môn cao hơn nhằm đánh giá một cách toàn diện thực trạng dạy và học môn Lịch sử ở trường phổ thông, về nội dung, chương trình sách giáo khoa môn Lịch sử, về đội ngũ giáo viên....để cuối cùng sẽ đưa ra một kiến nghị lên Bộ GD-ĐT và lãnh đạo các cấp.

Người quân tử theo lối Trung dung

 

Cùng với GS. Phan Huy Lê, GS. Hà Văn Tấn và GS. Trần Quốc Vượng, GS. Đinh Xuân Lâm đã tạo nên "tứ trụ" của ngành sử học Việt Nam đương đại. Theo lời giải thích của cố GS. Trần Quốc Vượng thì khái niệm "tứ trụ" đó có lẽ hình thành vào cuối năm 1960, khi cả bốn ông đều nổi tiếng học giỏi.

 

Cũng theo phác họa của cố GS. Trần Quốc Vượng về người "bạn vàng" Đinh Xuân Lâm thì ở GS. Đinh Xuân Lâm nét chính là: nét tinh tế và nghi thức của văn hóa Huế, sự trong sáng, thanh tao, lãng mạn... của văn hóa Pháp đã tạo nên nét tính cách hiền lành, nhìn sự đời trôi chảy khá thản nhiên, thanh thản hơn mà không phù phiếm, ít tham vọng hơn mà không phải không làm việc hết mình cho một kỳ vọng hay lý tưởng nào đó mang dáng dấp người quân tử sửa mình theo đạo Trung dung...

Niềm hy vọng dễ thương và... thơ ngây

Có lẽ, niềm hy vọng của GS sau Hội thảo này là sẽ khiến cả Bộ GD-ĐT và xã hội phải thay đổi cách nhìn đối với môn Lịch sử?

Hội thảo khoa học lần này đã được sự hoan nghênh hưởng ứng nồng nhiệt không chỉ của các giáo viên dạy môn Lịch sử trong các trường phổ thông, các giảng viên khoa Lịch sử các trường ĐH, CĐ... mà còn đông đảo phụ huynh học sinh quan tâm đến việc học tập của con em mình.

Thanh niên mà quay đầu với lịch sử dân tộc thì đấy là một nguy cơ lớn vì điều đó sẽ làm thui chột lòng tự hào dân tộc. Nếu muốn đưa dân tộc tiến lên thực hiện các khẩu hiệu như: Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh... thì phải trên cơ sở lòng tự hào dân tộc chân chính. Bác Hồ đã nói: Dân ta phải biết sử ta. Thế hệ trước tôi, thế hệ tôi đều rất tự hào về truyền thống dân tộc và yêu lịch sử, đó là nền tảng cơ bản. Vậy thì lớp trẻ ngày nay tại sao không?

Nhưng thưa GS, nếu Hội thảo này lại tiếp tục rơi vào số phận "im lặng đáng sợ"?

Chắc là không thế đâu! Mặc dù khi diễn ra Hội thảo, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân không đến dự được vì bận công tác ở nước ngoài nhưng ông Nhân đã giao trách nhiệm cho lãnh đạo 2 vụ chức năng của Bộ GD-ĐT tham gia và phải ghi chép đầy đủ để trình lại cho ông xem.

Hơn nữa, kinh phí tổ chức Hội thảo cũng do Bộ GD-ĐT và NXB Giáo dục tài trợ, bỏ tiền ra làm Hội thảo, lẽ nào họ lại không quan tâm! Để chấn chỉnh cách nhìn nhận về môn Lịch sử, đó không chỉ là công việc riêng của các thầy cô giáo môn Lịch sử, của giới sử học mà phải là công việc của toàn ngành Giáo dục với sự quan tâm của toàn xã hội.

Soạn thảo sách theo tinh thần... đại đoàn kết

Những giải pháp chính để có thể "cứu" được môn Lịch sử, theo GS nên là gì?

Một điều cần khẳng định là có nhiều nguyên nhân dẫn tới thực trạng đáng lo ngại trong dạy và học Lịch sử ở trường phổ thông. Nhưng chỉ có một khâu cần phải được ưu tiên giải quyết ngay, nếu giải quyết được khâu này thì các khâu sau mới thông suốt được. Đó là phải có quan niệm đúng về môn Lịch sử từ các cấp quản lý đến cha mẹ học sinh và toàn xã hội. Không có quan niệm đúng về môn học này thì tất cả những đề xuất về đổi mới nội dung, phương pháp... đều không thể thực hiện được.

Lỗi thuộc về người lớn

 

Ông tâm sự: "Nếu như được sống hai lần, thì lần thứ hai ấy tôi vẫn tiếp tục làm nghề dạy học". Càng yêu nghề dạy học bao nhiêu, yêu môn Lịch sử bao nhiêu thì ông càng buồn về sự học môn này của lớp trẻ bấy nhiêu.

 

Những con số điểm 0, 1, 2 môn Sử trong các kỳ thi đại học hàng năm được thống kê như những vết cắt tàn nhẫn vào trái tim của nhà khoa học già. Nhưng ông vẫn luôn "ru" mình trong một niềm hy vọng rằng: "Bọn trẻ con vẫn mê Sử lắm, cứ vào hiệu sách thì biết, các cháu say mê tìm đọc sách lịch sử đấy chứ, thậm chí còn ngồi bệt ra cả hành lang để đọc sách! Để chúng không thích học môn Lịch sử, tất cả lỗi đều thuộc về người lớn!". Ông cũng tự an ủi: "Chúng ta không thể nôn nóng trong một sáng một chiều để thay đổi được tình trạng học sinh dốt Sử".

Vậy những quan niệm chưa đúng đang tồn tại về môn học này là gì thưa GS?

Bộ môn Lịch sử và người dạy môn Lịch sử không được coi trọng. Môn Sử bị coi là môn phụ, năm thi, năm không thi tốt nghiệp nên có tình trạng chương trình bị cắt xén một cách tùy tiện. Khi được hỏi về những nguyên nhân giảm sút chất lượng dạy và học môn Lịch sử, có 41,19% các giáo viên cho rằng môn Sử chưa được các nhà quản lý giáo dục trong nhà trường chú trọng đúng vị trí cần có.

Cùng đó là chương trình chưa tốt, sách giáo khoa chưa hoàn chỉnh. Việc soạn sách giáo khoa hiện nay là trên tinh thần "Đại đoàn kết dân tộc", tức là một cuốn sách soạn ra do một ông trong TP.HCM, một ông tại Huế, một ông tại Đà Nẵng rồi lại một ông ở Hà Nội... cùng hợp tác viết nên ông chủ biên cũng không sao gặp được để bàn bạc, vì thế khó mà không để xảy ra sai sót!

"Một "tai nạn" tệ hại

Nhưng trên nhiều cuốn sách, đều thấy sự hiện diện của GS?

Còn một điều tệ hại nữa và cũng là một "tai nạn" của tôi là tên tôi có mặt trong rất nhiều cuốn sách của các trường ĐH trong Nam, ngoài Bắc nhưng có mấy người đề tên tôi xong rồi mời tôi... xem sách!

Chất lượng giáo viên cũng là một điều đáng buồn. Trong một Hội thảo về chất lượng giáo viên, khi tôi nói: "Chất lượng giáo viên của chúng ta kém quá". Nói xong điều này thì tôi giật mình vì ngồi dưới toàn là các thầy cô giáo của các trường ĐH Sư phạm! Nhưng thật... may vì cũng không có ai phản ứng gì và thế cũng khác nào các thầy cô giáo tự thừa nhận là mình kém!

Nếu cố gạt đi tất cả những muộn phiền vì "yêu" môn Lịch sử đến vậy, hẳn là GS sẽ luôn tin rằng môn Lịch sử sắp sang một trang mới với một thân phận mới?

Để nền giáo dục phát triển bền vững, bên cạnh các môn khoa học tự nhiên, các môn khoa học xã, hội nhân văn trong đó có môn Lịch sử cần được coi trọng. Nâng cao chất lượng dạy và học lịch sử ở trường phổ thông là một việc làm có lợi cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước, Dân tộc và tình đoàn kết hữu nghị với các dân tộc khác.

Xin trân trọng cảm ơn GS.

Đoàn Trần (thực hiện)

Dòng sự kiện: Đánh giá lại SGK