Nghèo, vẫn “phổ cập” Đại học cho 5 con

(Dân trí) - Sáng nay, 15/4, tại Nhà văn hóa quận Phú Nhuận diễn ra Đại hội gia đình hiếu học TPHCM lần thứ III. Đại hội đã công nhận và tuyên dương 372 gia đình hiếu học tiêu biểu.

Đến dự Đại hội có Đồng chí Phan Văn Khải - nguyên thủ tướng chính phủ, chủ tịch danh dự Hội khuyến học TPHCM. Bà Nguyễn Thị Thu Hà, phó chủ tịch UBND TPHCM cùng nhiều vị khách mời và đại diện của 372 gia đình được công nhận là gia đình hiếu học của TP trong năm 2009.  
 
Nghèo, vẫn “phổ cập” Đại học cho 5 con - 1

Ông Nguyễn Văn Hanh, Chủ tịch Hội khuyến học TPHCM trao bằng khen cho các gia đình hiếu học tiêu biểu

Chủ tịch nước tặng bằng khen cho Hội Khuyến học TPHCM

Sau 10 năm thành lập Hội khuyến học, và 8 năm triển khai cuộc vận động xây dựng “gia đình hiếu học” trong toàn thành phố, Hội Khuyến học TPHCM đã tiến những bước dài trong sự nghiệp trồng người. Phong trào do Hội phát động nhanh chóng đi vào cuộc sống, nó đã và đang được nhân rộng ở khắp các quận huyện, phường xã.

Theo báo cáo tổng kết của Hội, trong gần 10 năm qua tổng số quỹ Hội đã kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước quyên góp, gây dựng được là 120 tỷ đồng. Hội dành hơn 80% số quỹ đó để cấp học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo học giỏi. Ngoài ra Hội khuyến học TP còn thành lập CLB Hội khuyến tài, lôi cuốn 721 thành viên tham gia.  
 
Nghèo, vẫn “phổ cập” Đại học cho 5 con - 2

Đồng chí Phan Văn Khải cùng lãnh đạo TPHCM và Hội Khuyến học chụp hình lưu niệm với những gia đình hiếu học

Mục tiêu trọng tâm của Hội khuyến học TPHCM là xây dựng mô hình “gia đình hiếu học” trong toàn thành. Sau mỗi năm, số lượng và chất lượng của những gia đình được công nhận là gia đình hiếu học đều tăng nhanh. Đến hết năm 2008 TPHCM đã công nhận 52.588 gia đình hiếu học, 14 dòng họ khuyến học, trong đó có 4.110 gia đình đạt tiêu chuẩn cấp huyện và 693 gia đình đạt tiêu chuẩn cấp TP.

Với nhiều thành tích và những đóng góp trong 10 năm qua của Hội khuyến học TPHCM, trong Đại Hội gia đình hiếu học lần này, Hội vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động hạng III do Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trao tặng. 
 
Nghèo, vẫn “phổ cập” Đại học cho 5 con - 3
Đại diện Hội Khuyến học TPHCM nhận Huân chương Lao động hạng III

Nghèo khó vẫn lo cho 5 con “phổ cập” Đại học

Đại diện cho 372 gia đình hiếu học toàn TP năm nay, có 6 gương mặt tiêu biểu tham dự cuộc giao lưu. Trong đó đáng chú ý nhất là cuộc trò chuyện của ông Vòng Chí Khiềng đến từ Phường Phú Trung, quận Tân Phú và bà Vũ Thị Thu Nga, đảng viên, cán bộ hưu trí khu phố 4, Linh Trung Thủ Đức. 

Gia đình ông Khiềng là một gia đình dân tộc Hoa, vốn trình độ văn hóa không cao. Ông đã phải đi làm nhiều công việc khác nhau ở nhiều vùng của đất nước để mưu sinh, nhưng từ những ngày gian khổ đó ông luôn chú trọng vào việc đầu tư cho các con ăn học. Đến nay ông đã nuôi 5 người con trai tốt nghiệp Đại học, có việc làm ổn định. 

Trao đổi trong Đại hội ông cho biết: “Cuộc sống gia đình tôi trước đây rất khó khăn, vợ chồng tôi ban ngày đi làm mướn, ban đêm còn gia công giày dép cho xí nghiệp để kiếm tiền nuôi con. Chúng tôi luôn nhắc nhở các cháu cố gắng học tập để mai này có tương lai tươi sáng, khỏi phải làm những công việc cơ cực”. 
 
Nghèo, vẫn “phổ cập” Đại học cho 5 con - 4

Nhiều tham luận phát biểu sôi nổi của 6 gia đình đại diện trong Đại hội gia đình hiếu học

Còn gia đình bà Vũ Thị Thu Nga xuất thân từ một gia đình nông dân Bắc bộ, 11 tuổi bà mới được đến trường. Học xong lớp 4 bà đi thanh niên xung phong vừa làm vừa học hết phổ thông. Chồng đi chiến trường miền Nam bà một mình nuôi 4 con thơ dại đồng thời tiếp tục học tại chức Quản lý kinh tế. Năm 1989 chồng bà qua đời, bản thân bà bị khối u, sau khi mổ bà chỉ còn 37 kg nhưng bà vẫn kiên trì làm lụng để nuôi các con ăn học. 4 người con của bà đến nay đều đã tốt nghiệp Đại học, riêng cô con gái út có bằng thạc sĩ của Úc. 

Bà Nga tâm sự: “Khi hoàn cảnh gia đình khó khăn, đã có lúc các con tôi muốn bỏ học để phụ giúp mẹ, tôi đã khuyên các con dù có khó khăn đến mấy cũng phải cố gắng học đến nơi đến chốn. Bản thân tôi gắng gượng làm đủ mọi việc từ nấu rượu nuôi heo đến trồng rau, bán nước tương dạo… để có tiền nuôi con ăn học. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, con tôi có đứa phải đi làm ban đêm để ban ngày đi học, có đứa vừa đi học vừa đi dạy kèm”.  

“Gia đình hiếu học là một tế bào xã hội học tập của đất nước”

Trong diễn văn khai mạc Đại hội ông Nguyễn Văn Hanh, chủ tịch Hội khuyến học TPHCM cho biết: “Xây dựng mô hình, gia đình hiếu học và dòng họ hiếu học là phong trào thể hiện truyền thống hiếu học, quý trọng nhân tài và tôn sư trọng đạo vốn có từ ngàn xưa của dân tộc. Đây cũng là nhân tố quan trọng góp phần vào công tác xóa đói giảm nghèo đồng thời tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho đất nước, bên cạnh đó còn ngăn chặn hiệu quả các tiêu cực xâm lấn vào môi trường học đường”.  
 
Nghèo, vẫn “phổ cập” Đại học cho 5 con - 5

Đồng chí Phan Văn Khải phát biểu tại Đại hội

Phát biểu tại Đại hội, đồng chí Phan Văn Khải, nguyên thủ tướng chính phủ, chủ tịch danh dự Hội khuyến học TPHCM nói: “Gia đình hiếu học là một tế bào xã hội học tập của đất nước. Mỗi gia đình, đoàn thể, tổ chức Đảng cần chú tâm phát triển mô hình này để nuôi dạy con em của chúng ta trở thành những người vừa có tài vừa có đức, góp phần làm cho xã hội ngày càng văn minh giàu đẹp… Tôi rất vui mừng trước những thành quả mà Hội khuyến học TP đã làm được, nhưng cần phải mở rộng và phát triển hơn nữa mô hình gia đình hiếu học để tương xứng với vị thế của thành phố”. 

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, phó chủ tịch UBND TPHCM đánh giá cao hoạt động của Hội Khuyến học trong thời gian vừa qua, đồng thời kêu gọi các gia đình và các cơ quan ban ngành chú trọng vào việc phát triển nâng cao cả về số lượng và chất lượng của mô hình gia đình hiếu học. 

Vân Sơn