Ngành Kinh tế vẫn được các thí sinh ưa chuộng

(Dân trí) - Đến nay, các trường THPT trên địa bàn Hà Nội gần như đã khóa sổ nhận hồ sơ ĐKDT ĐH, CĐ 2010. Ghi nhận từ các trường, phần đông học sinh đăng ký dự thi vào khối ngành kinh tế thuộc các trường “tốp giữa”.

Ngành Kinh tế vẫn được các thí sinh ưa chuộng - 1
Thí sinh dự thi đại học năm 2009.
 
Cán bộ thu nhận hồ sơ của Trường THPT Đống Đa cho biết: “Hiện trường đã nhận được hơn 1.000 hồ sơ ĐKDT của hơn 600 em học sinh của trường, trung bình mỗi em nộp 2 bộ hồ sơ. Qua thống kê sơ bộ thì lượng hồ sơ đăng ký đông nhất vào khối ngành kinh tế, ngân hàng của Viện ĐH Mở Hà Nội, ĐH Công đoàn và nhiều trường ĐH Dân lập. Còn khối kỹ thuật rất ít hồ sơ”.

Kinh nghiệm cho thấy, 2 năm trở lại đây học sinh của trường thường đăng ký vào các  ngành kinh tế - ngân hàng thuộc những trường có điểm chuẩn trung bình - vị cán bộ trên cho hay.

Còn Trường THPT Phan Huy Chú cũng nhận được hơn 1.000 bộ hồ sơ của hơn 300 học sinh. Cũng giống như Trường Đống Đa, hồ sơ của  học sinh chủ yếu tập trung đăng ký vào các trường như Viện ĐH Mở, Công Đoàn, ĐH Kinh doanh và Công nghệ.

Tương tự, Trường THPT Trần Phú cũng nhận được hơn 1.600 bộ hồ sơ của 660 học sinh. Cô Nguyễn Thị Vân, cán bộ văn phòng của trường cho biết: “Hồ sơ của thí sinh chủ yếu đăng ký vào các ngành khối Kinh tế thuộc Viện ĐH mở, Thương mại phù hợp với năng lực của các em. Rất ít các em nộp hồ sơ vào các trường có điểm chuẩn hàng năm cao”.

Bà Tạ Song Hà, Phó trưởng phòng giáo dục chuyên nghiệp Sở GD-ĐT Hà Nội - người có thâm niên trong quản lý thu nhận hồ sơ ĐKDT ĐH, CĐ cho biết: “Bắt đầu từ mùa tuyển sinh năm trước, lượng hồ sơ ĐKDT ĐH, CĐ đã giảm hẳn, không còn nhiều hồ sơ ảo. Do thí sinh đã xác định được lực học của mình vì cũng là ngành kinh tế, học sinh có lực học giỏi thì thi vào các trường “tốp trên” như ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh tế quốc dân, Học viện Ngân hàng... Những học sinh có lực học trung bình - khá thì thi vào ngành kinh tế thuộc các trường tốp giữa như Viện ĐH Mở, Công đoàn, Thương mại hoặc các trường đại học đa ngành. Không chỉ khối ngành kinh tế mà khối ngành khác cũng vậy”.

Hồng Hạnh