Năm 2011, mở nhiều hình thức học không chính quy ở xã, phường

(Dân trí) - Đây là một trong những định hướng quan trọng nhất đối với các hoạt động của toàn Hội năm 2011 mà Hội Khuyến học Việt Nam đưa ra tại Hội nghị Ban chấp hành lần thứ II - Khóa IV vừa được tổ chức.

Hội nghị đã tập trung bàn về nhiều vấn đề quan trọng như Hướng dẫn thực hiện một số điểm của Nghị định 45/2010 về Hội có tính chất đặc thù; Phương hướng nhiệm vụ năm 2011…
 
Mỗi tỉnh/thành Hội có 7 biên chế

Về hướng dẫn thực hiện một số điểm của Nghị định 45/2010 về Hội có tính chất đặc thù. Theo GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam, về các quyền Hội khi vận dụng Nghị định 45/BD-CP là được tham gia với các Sở, ngành… xây dựng các cơ chế, chính sách liên quan trực tiếp đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội. Tham gia thực hiện một số hoạt động quản lý nhà nước, dịch vụ công thuộc lĩnh vực hoạt động của Hội theo quy định của pháp luật. Tư vấn phản biện, giám định xã hội đối với các chính sách, chương trình, đề tài, dự án của các cấp ủy Đảng, Chính quyền về các vấn đề thuộc lĩnh vực giáo dục, đào tạo, khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

Về biên chế của Hội: Cán bộ, công chức, viên chức được các cơ quan Đảng, Nhà nước điều động làm công tác tại Hội, được hưởng chế độ chính sách theo quy định của pháp luật; Những người được tuyển dụng theo chỉ tiêu biên chế được giao gồm có hợp đồng dài hạn, có bảo hiểm, những người này được tuyển dụng theo quy định; Những cán bộ đã nghỉ hưởng lương hưu theo quy định giữ các chức danh lãnh đạo chuyên trách tại Hội. Về chế độ chính sách những cán bộ này ngoài lương hưu được phụ cấp lương theo quy định của Hội và theo quy định của pháp luật bảo đảm tương quan nội bộ và các hội tương đương; Cán bộ công tác tại Hội không thuộc ba đối tượng trên. Những cán bộ này thực hiện theo hợp đồng thỏa thuận giữa hội và người làm công tác hôi theo quy định của Luật lao động và quy định của Pháp luật.

Theo đó, dự kiến biên chế (tối thiểu) của các tổ chức Hội như sau: Tỉnh/thành Hội khoảng 7 biên chế trở lên gồm: Chủ tịch, 3 Phó Chủ tịch, gồm: PCT thường trực, PCT phụ trách chuyên môn, PCT kiêm nhiệm; Văn phòng 3 gồm: Chánh văn phòng, cán bộ hành chính văn thư, Kế toán, thủ quỹ… Về kinh phí hoạt động bao gồm chi lương và các khoản có tính chất lương. Đặc biệt, ngân sách hỗ trợ đối với một số hoạt động khác như trụ sở/xây trụ sở làm việc của hội các cấp và các thiết bị cần thiết trang bị cho các cán bộ làm việc.

Đối với cấp huyện/quận Hội khoảng 3 biên chế trở lên gồm: Chủ tịch, Phó Chủ tịch, văn phòng. Xã/phường 2 biên chế gồm: Chủ tịch, Phó Chủ tịch thường trực.

Để thực hiện tốt Nghị định, Phó Chủ tịch Phạm Tất Dong cho biết: “Trên cơ sở những điểm gợi ý và điều kiện cụ thể của địa phương, hàng năm Hội tham mưu, tư vấn cho Sở Nội vụ, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng kế hoạch về biên chế, kinh phí cho các hoạt động của hội phù hợp với tình hình kinh tế địa phương, trình UBND và HĐND xét quyết định. Căn cứ khung lương và phụ cấp tối thiểu TƯ Hội đề xuất, với đặc điểm và điều kiện thực tế của địa phương, Hội đề xuất với cấp ủy Đảng, Chính quyền phương án về biên chế, kinh phí hoạt động của Hội phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của địa phương nhằm động viên cán bộ hội hoàn thành chất lượng hiệu quả cao nhất nhiệm vụ được giao”.

Năm 2011, cần mở nhiều hình thức học không chính quy ở xã, phường

Đây là một trong những định hướng quan trọng nhất đối với các hoạt động của toàn Hội năm 2011 mà Hội Khuyến học đưa ra tại Hội nghị Ban chấp hành.

Cụ thể, các cấp hội cần thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong việc vận động các ngành chức năng, các lực lượng xã hội, đẩy mạnh các hoạt động khuyến học, khuyến tài, mở ra nhiều hình thức học không chính quy ở xã, phương, khuyến khích thanh niên và người lao động học tập để nâng cao học vấn và trình độ tay nghề.

Về tổ chức hội, việc phát triển tổ chức và kết nạp hội viên mới phải hướng mạnh về cơ sở nhất là địa bàn thôn, xóm/bản, làng.. . đẩy mạnh hơn nữa việc phát triển các chi hội khuyến học trong tổ chức nhân dân, các dòng họ ở xã, phường, các trường mầm non, tiểu học, THCS và THPT và doanh nghiệp. Mỗi gia đình hiếu học phải có ít nhất 1 người là hội viên. Bên cạnh đó, các tổ chức hội cần quan tâm hơn nữa tới công tác khuyến tài.

Về những hoạt động lớn của toàn Hội trong năm 2011, tổ chức tốt lễ kỷ niệm 15 năm thành lập Hội Khuyến học VN; Phối hợp với Bộ GD-ĐT tổ chức Tuần lễ khuyến học; Tổ chức Kỷ niệm Ngày Khuyến học Việt Nam 2/10 , cụ thể giáo dục lòng tự hào về Ngày Khuyến học VN, coi khuyến học, khuyến tài là nét văn hóa đặc sắc của nước ta; Phát triển các hình thức học tập trên địa bàn xã/phường, thôn/bản để số lượng người được học tập đông đảo, thực hiện được việc học tập thường xuyên.

Hồng Hạnh