Mỹ:

Muốn lấy bằng tốt nghiệp, phải giảm cân

(Dân trí) - Chuyện thật như đùa đó đang trở thành nỗi lo lắng của một số sinh viên tại trường đại học Lincoln (bang Pennsylvania, Mỹ). Họ sẽ không được nhận bằng tốt nghiệp nếu cân nặng của họ không giảm bớt.

Đây là biện pháp được trường ĐH Lincoln thực hiện nhằm “chiến đấu” với nạn béo phì ở sinh viên.
 
Muốn lấy bằng tốt nghiệp, phải giảm cân - 1
Khoảng 30 sinh viên trường ĐH Lincoln có thể sẽ bị chậm tốt nghiệp vì bị thừa cân. (Ảnh minh họa)

Từ năm 2006, trường ĐH Lincoln đã giới thiệu chương trình “Fitness for Life” (tạm dịch Khỏe cho sự sống) nhằm mục đích khuyến khích sinh viên giảm cân.

Theo những người đề ra dự án này, nếu sinh viên có chỉ số khối cơ thể BMI (một chỉ số để tính tỷ lệ giữa chiều cao và cân nặng) trên 30, họ sẽ phải trải qua các khóa tập luyện do trường phê chuẩn để cho thấy họ đã giảm cân hoặc ít nhất là có cố gắng. Khóa học bao gồm đi bộ, Pilates (môn Yoga thời đại mới), các bài tập thể dục và thể hình.

Thế nhưng, trong năm nay, một số sinh viên của trường ĐH Lincoln đã không hoàn thành được khóa học này, vì thế họ có thể sẽ không được tốt nghiệp.

Giáo sư James L DeBoy, trưởng khoa Sức khỏe, giáo dục thể chất và giải trí của trường ĐH Lincoln, người đề xướng chương trình này cho biết khoảng 30 sinh viên có khả năng không thể vượt qua được đợt kiểm tra.

Sharifa Riley, sinh viên chuyên ngành báo chí tại trường ĐH Lincoln, một trong những người có nguy cơ không được ra trường đúng thời hạn đã lên tiếng phản đối quyết định này của nhà trường. Riley cho rằng việc giảm cân không nên là một phần của chương trình giảng dạy.

“Yêu cầu về chỉ số BMI là vô lý”, Riley nói. “Tôi hoàn toàn hiểu rằng béo phì đang trở thành một vấn đề lo ngại, đặc biệt là trong những người ở độ tuổi của chúng tôi.”

Tuy nhiên, Riley cũng nêu ra quan điểm rằng sinh viên đến trường ĐH là để học tập và mất 4 năm để hoàn thành khóa học của mình.

“Chỉ số BMI không nên trở thành một điều kiện. Nó phải là một sự lựa chọn”, Riley kết luận.

Tuy nhiên, giáo sư DeBoy khẳng định trong thời kỳ mà béo phì đang trở thành vấn nạn, nó làm tăng nguy cơ mắc những căn bệnh mãn tính như tim mạch, tiểu đường, đột quỵ, ung thư và rối loạn xương cơ thì cần phải có các biện pháp quyết liệt.

Quả thực là tỷ lệ béo phì tại Mỹ đang tăng lên một cách nhanh chóng. Tại hội nghị về kiểm soát nạn béo phì hồi tháng 8 vừa qua, Bộ trưởng Y tế Mỹ Kathleen Sebelius cho biết khoảng 2/3 người lớn và 1/5 trẻ em Mỹ đang bị béo phì hoặc thừa cân.

Còn theo một nghiên cứu được thực hiện bởi Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Mỹ, hệ thống y tế Mỹ đang phải dành khoảng 150 tỷ USD để phòng chống béo phì, khoản tiền này gần gấp đôi so với chi phí chữa bệnh ung thư.

Những con số trên càng khiến giáo sư DeBoy tin rằng các trường ĐH hiện nay cần phải chia sẻ trách nhiệm giải quyết vấn nạn béo phì.

Võ Hiền
Theo BBC