Môn Địa lý không "khoai" như bạn nghĩ

(Dân trí) - Chỉ cần nghĩ đến việc sẽ ngồi “gạo” từng sự kiện lịch sự, “tụng kinh” từng dẫn chứng văn học và “nhồi nhét” những số liệu khô khan địa lý vào đầu, nhiều Teen đã sẵn sàng chào thua khối C.

Hy vọng rằng, với những ý kiến trao đổi dưới đây của bạn Nguyễn Văn Nam, giải nhất Quốc gia môn Địa lý năm 2007, trường THPT chuyên Vĩnh Phúc, Teen sẽ không còn cảm thấy việc học khối C nói chung, môn Địa lý nói riêng là một “cực hình”.

 1. Cặp đôi hoàn hảo: bạn và anh chàng mang tên SGK

Cũng giống như các môn học khác, Địa lý có hai phần là: Lý thuyếtThực hành. Phần Lý thuyết gồm có 2 câu hỏi liên quan đến các vấn đề về kinh tế - xã hội Việt Nam, địa lý các vùng kinh tế, địa lý các ngành kinh tế, địa lý dân cư - xã hội chiếm từ 65-70% số điểm của bài thi.

“Chìa khoá vàng” cho Teen mở khoá phần Lý thuyết “khoai, khô, khó” là “chơi thật thân” với cậu bạn Sách giáo khoa. Hãy tìm hiểu tính cách, con người cậu ấy qua mỗi tiết giảng của thầy giáo trên lớp. Thường xuyên liên hệ những vùng đất mà cậu ấy giới thiệu, đề cập với những gì mà bạn nhìn thấy trên Tivi, tình cờ đọc qua sách báo hay lướt web hàng ngày. Làm thành một couple hoàn hảo với anh chàng này, đảm bảo bạn sẽ tự tin hơn rất nhiều trong mùa hè 2008.

2. Cách trình bày là bí quyết quan trọng nhất để thành công

Cách trình bày bài thi Địa lý khác nhiều với bài thi môn Văn và Sử.

Môn Địa lý được các thầy cô chấm theo ý nên khi làm bài Teen hãy đánh số 1, 2, 3…đặt các mục a, b, c hoặc gạch đầu dòng cho sáng sủa. Nguyên tắc đánh số là đi từ khái quát đến cụ thể, từ ý lớn đến ý nhỏ, sắp xếp các ý sao cho hợp lý.

Thông thường, một câu hỏi nhưng lại chứa nhiều vấn đề nhỏ khác nhau vì vậy Teen đừng tham lam mà phải biết chọn lọc ý chính, ý phụ, tránh viết lan man, không rơi vào trọng tâm của câu hỏi. Tìm ý chính và xoáy sâu, phân tích ý chính đó thì bài của các bạn mới có trọng tâm, điểm nhấn từ đó mới lôi cuốn thực sự người chấm.

3. Muốn vẽ biểu đồ đẹp thì hãy click vào đây

Trong phần thực hành, đề thi bao giờ cũng cho một bảng số liệu rồi yêu cầu vẽ biểu đồ thích hợp nhất, từ biểu đồ đã vẽ và bảng số liệu nhận xét và giải thích.

Đây là câu hỏi rất dễ kiếm điểm nhưng cũng dễ mất điếm nhất. Vì chỉ vẽ được biểu đồ đúng cũng đã được 1,25-1,5 điểm, nhưng nếu vẽ sai biểu đồ coi như mất tất số điểm của phần này. Vậy làm thế nào để vẽ biểu đồ chính xác?

Trước hết bạn phải xác định chính xác dạng biểu đồ phù hợp với câu hỏi đề bài cho.

Thường có những dạng biểu đồ: hình cột, hình tròn, miền, đường, kết hợp…trong đó biểu đồ kết hợp là biểu đồ khó nhất, nó có thể là sự kết hợp giữa biểu đồ cột với biểu đồ đường.

Nếu câu hỏi là thể hiện sự thay đổi trong cơ cấu thì chỉ có thể là biểu đồ hình tròn hoặc biểu đồ miền. Nhưng nếu số liệu cho từ 1-3 năm thì vẽ biểu đồ tròn là thích hợp nhất, nếu từ 3 năm trở lên hay theo giai đoạn thì vẽ biểu đồ miền là thích hợp nhất.

Nếu câu hỏi là thể hiện sự thay đổi hay sự phát triển thì chỉ có thể là biểu đồ cột hoặc biểu đồ đường. Nếu thể hiện sự thay đổi 1 đối tượng địa lý thì chọn biểu đồ hình cột là thích hợp nhất. Còn nếu là nhiều đối tượng thì vẽ biểu đồ đường là sự lựa chọn số 1.

Nếu bảng số liệu thể hiện 2 đối tượng và yêu cầu thể hiện sư thay đổi trong cơ cấu và sự thay đổi hay sự phát triển của hai đối tương địa lý thì chọn biểu đồ kết hợp là thích hợp nhất.

Lưu ý khi vẽ biểu đồ:

Ghi tên biểu đồ:

- Ghi đầy đủ các tiêu chí của biểu đồ

- Khoảng cách phân chia các năm trên trục hoành sao cho hợp lý

- Vẽ biểu đồ cần quan tâm đến yếu tố thẩm mĩ

Không chỉ thế, từ bản đồ, Teen còn cần có kỹ năng nhận xét và giải thích thật “ pro”

Để nhận xét được, Teen cần căn cứ vào biểu đồ đã vẽ và bảng số liệu (số liệu thô hoặc số liệu đã xử lý). Việc xử lý số liệu và vẽ biểu đồ chính xác thì mới nhận xét đúng được.

Nhận xét phải đi từ khái quát đến cụ thể, tìm được mối liên hệ giữa các nội dung. Nêu lên được sự biến động, sự thay đổi của đối tượng địa lý, xem nó tăng hay giảm như thế nào, đưa ra những số liệu để chứng minh, cần phải tính toán cụ thể xem nó tăng hay giảm bao nhiêu. Chú ý xem có giai đoạn nào có sự thay đổi hay biến động đột biến không, xem xét một cách tỉ mỉ các số liệu để tìm ra nhưng biến động đột biến đó.   

Nếu bảng số liệu có nhiều năm thì các bạn chia nhỏ thành các thời kì để cho dễ nhận xét hơn và nêu được đặc điểm biến động của đối tưọng trong cả giai đoạn đó. Chỉ ra thời kì nào tăng hay giảm nhanh nhất và ngược lại

Để giải thích đúng, yêu cầu các bạn phải nắm vững được kiến thức cơ bản sách giáo khoa và phải biết tổng hợp kiến thức, tìm mối liên hệ giữa chúng, chọn lọc các kiến thức để giải thích làm sao cho sáng tỏ ý vấn đề mà các bạn vừa nhận xét ở trên và theo yêu cầu của của câu hỏi. Chú ý cần giải thích sự thay đổi đột biến của đối tương như đã nhận xét ở trên.

Khi giải thích phải đi vào trong tâm luôn, không dài dòng, chính xác, rõ ràng

Chúc các bạn thành công!

* Lưu ý khi làm bài:
 

- Đọc kĩ toàn bộ đề thi trước khi làm bài. Như vậy các bạn mới chọn được câu nào dễ để làm trước và tránh bị lạc đề

- Làm đề cương ra nháp trước khi viết vào bài thi: các bạn chỉ gạch ra những ý lớn, ý chính, có thể viết tắt hay dùng các kí hiệu cho nhanh, nhưng vào bài thi thì không được viết tắt


- Phân bố thời gian cho hợp lý. Vì thời gian làm bài là 180p với thang điểm 10 như vậy 1 điểm là 18p. Ví dụ như câu hỏi 3,5 điểm thì các bạn dành cho nó khoảng 60-65p. Lưu ý là phải dành 5p-10p để kiểm tra lại bài thi của mình trước khi nộp bài.


- Bài viết phải rõ ràng,chính xác, khoa học. Tránh diễn đạt dài dòng, đi thẳng vào vấn đề trọng tâm luôn.


- Khi đi thi phải mang đầy đủ dung cụ: bút bi, bút chì, tẩy, gọt bút chì,thước kẻ, compa, êke, máy tính bỏ túi…

- Trong 2 phần của đề thi thì phần thực hành là dễ kiếm điểm nhất, vì vậy các bạn nên cố gắng làm phần này trước (nếu có thể chứ không bắt buộc).

 
Nguyễn Văn Nam
Thế Giới Học Đường