Mẹ bán hàng rong, bố bại liệt nuôi con học thạc sĩ

Đói nghèo, bệnh tật và những lo toan trên bước đường mưu sinh nhọc nhằn đã không làm vợ chồng chị Lê Thị Cúc (46 tuổi) và anh Lê Thanh Sơn (48 tuổi, ngụ đường Nguyễn Thái Sơn, P.7, Q.Gò Vấp, TPHCM) nản lòng.

Mái ấm của họ luôn đầy ắp tiếng cười hạnh phúc bởi những điều rất đỗi dung dị.

Trưa Sài Gòn, bóng chị Cúc đổ dài trên con đường Nguyễn Du (Q.Gò Vấp) cùng với chiếc xe đẩy treo lủng lẳng mấy chục gói chè đã được chuẩn bị sẵn. Gặp chúng tôi, chị vồn vã nói cười dù lưng áo đẫm mồ hôi. Đã ngót nghét 25 năm, chị quẩy gánh chè, rồi sau đó là đẩy xe, đi khắp hang cùng ngõ hẻm trong thành phố.
 
Với chiếc xe chè này, chị Cúc đã nuôi cậu con trai duy nhất thành cử nhân kinh tế
Với chiếc xe chè này, chị Cúc đã nuôi cậu con trai duy nhất thành cử nhân kinh tế.
 
Bươn bả mưu sinh
 
Chị Cúc sinh ra trong một gia đình có đến 7 anh em, cha chạy xe ôm, mẹ làm lao công. Có được dăm ba chữ lận lưng, biết mấy phép tính cộng trừ là chị kiên quyết đòi nghỉ học, bất kể cha mẹ, anh em khuyên nhủ hết lời. Hồi đó, niềm vui của chị là ngày ngày gánh nước mướn kiếm tiền. Lớn thêm một chút, chị đi làm thuê nhiều hơn, khi bán vé số, lúc nhặt ve chai… Nhiều người chọc chị là Cúc “khờ”, chị cười: “Nghe riết thành quen, chẳng thấy buồn”.
 
21 tuổi, chị lập gia đình. Chồng chị, anh Lê Thanh Sơn là người đàn ông “hiền như đất”. Tay chân anh còng quèo, đi đứng, nói năng đều khó khăn. Gia đình chị phản đối kịch liệt, cha mẹ đòi từ mặt con gái. Vậy là, ngày cưới chị về nhà chồng không có người thân bên cạnh, cũng chẳng nhiều lời chúc tụng. Áo cô dâu cũng là tà áo dài đã cũ mượn của người khác. Nhưng với chị, hạnh phúc chẳng vì thế mà vơi đi.

Chị Cúc đi bán chè quanh năm, anh Sơn thay vợ cáng đáng hết việc nhà. Hết nấu chè, anh lại tất tả lo cơm nước, dọn dẹp nhà cửa. Khi đã có chiếc xe đẩy, thường thì chị ngồi bán dưới một tán cây nhỏ trên đường Nguyễn Du từ sáng đến chiều mới đẩy xe đi dạo tiếp. Anh hay ra phụ những lúc chị cần ăn cơm trưa, nghỉ ngơi. Anh bảo, làm người đàn ông nội trợ cũng có hạnh phúc riêng. Ấy là khi thấy vợ trở về sau một ngày bon chen ngoài đường, tấm tắc khen món cá hôm nay anh kho ngon. Là khi thằng Nghĩa đi thi đấu taekwondo, anh hì hụi chọn tới, chọn lui những món ăn nghe nói rất tốt cho sức khỏe để con tẩm bổ.

Lấy chồng rồi, chị vất vả hơn thời con gái gấp trăm ngàn lần. Anh Sơn hay đau ốm, chị trở thành người gánh gồng gia đình. Hết bán trái cây dạo, lại chuyển sang bán gạo, làm thuê. Cũng có lúc, chị quầy quả xuống tận sông Đồng Nai nhặt ve chai. Nhưng tính chị hiền lành, buôn bán bên ngoài đụng cái gì cũng bị lừa. Nghe anh Sơn thủ thỉ: “Hay vợ chồng mình nấu chè bán?”, chị gật gù: “Thì cứ thử xem sao”.
 
Tháng 9/1987, lần đầu tiên chị quẩy gánh chè đậu đen ra chợ Gò Vấp bán. Chè ngon, khách truyền tai nhau, lâu dần chị có nhiều mối quen. Tích cóp mãi, đến năm 1997, chị sắm được chiếc xe đẩy. Từ đó, ngày nắng cũng như ngày mưa, cứ tầm 9 giờ sáng là chị đẩy xe chè đi, chừng 9 - 10 giờ tối mới về. Ngày nào cũng rong ruổi như vậy, chân tay mỏi nhừ, nhưng miệng chị chẳng bao giờ ngớt tiếng cười: “Có thằng Nghĩa, tui cực mấy cũng chịu được. Có thằng Nghĩa, tui thấy đời mình đáng sống”.
 
Anh Sơn bị sốt bại liệt từ nhỏ, tay chân còng quèo, dáng anh gầy gò và giọng nói hơi ngọng. Anh gặp chị Cúc khi cả hai cùng đi làm thuê kiếm sống. Sức khỏe anh yếu, chẳng thể chạy đôn, chạy đáo ngoài đường như những người đàn ông khác. Thấy vợ vất vả mà mình không giúp được gì, anh rất đau lòng. Rồi anh chợt nhớ đến khả năng nấu chè mà mình học lỏm được từ họ hàng. Vậy là anh bàn với vợ, quyết liều một phen.
 
Ngày ngày, cứ tầm 3 giờ sáng, anh dậy lui cui trong bếp luộc đậu, nạo dừa làm nước cốt để sáng ra chị mang đi bán. Ban đầu chỉ có chè đậu đen. Sau này, anh mày mò nấu được nhiều loại nữa như chè bà ba, chè bắp, chè chuối… Anh Sơn bộc bạch: “Mừng là chè mình nấu, bà con khen ngon. Với lại, có thằng Nghĩa, tui vất vả tí cũng chẳng nhằm nhò gì”.
 
Minh Nghĩa (
Minh Nghĩa (hàng đầu, thứ 3 từ phải qua) và các võ sinh trong lớp em đang phụ dạy.
 
Ước mơ giản dị
 
“Thằng Nghĩa” mà chị Cúc, anh Sơn hay nhắc tới với tất cả niềm tự hào là em Lê Minh Nghĩa, con trai duy nhất của anh chị. Năm 1990, Nghĩa chào đời. Oái oăm thay, cậu bé không có bàn tay phải. Thấy con như vậy, chị Cúc ngất lịm vì xót xa.
 
Hồi bé, Nghĩa ốm nhom, lại hay mặc cảm nên chỉ nhốt mình trong nhà. Thương con, hễ nghe đâu có thuốc tốt, sữa tốt cho trẻ là chị gom tiền mua. Đến bữa, hai vợ chồng ăn cơm với muối ớt, nhường cá thịt cho con. Gần nhà có lớp dạy võ taekwondo, chị rón rén dắt con tới xin thầy cho học với mong muốn Nghĩa sẽ mạnh dạn, cứng cáp hơn.
 
Thương Nghĩa nhà nghèo lại có chí cầu tiến, thầy cô chẳng lấy đồng học phí nào. Tuy khuyết bàn tay, nhưng Nghĩa rất sáng dạ. Nghĩa kể: “Các thầy, cô dạy võ cho em là thầy Vinh, thầy Nghĩa, cô Linh. Cứ mỗi khi em có dấu hiệu nản là thầy, cô ra đòn nhiều lắm.
 
Em bị đánh nhiều nhất lớp đấy. Sau này lớn lên em mới hiểu ý nghĩa của những thế đòn đó. Thầy cô muốn dạy em phải biết đương đầu trước khó khăn, không được phép gục ngã. Bởi vậy, giờ em chẳng sợ khó khăn, trong hoàn cảnh nào cũng sẽ cố gắng đương đầu với nó để sống tốt”.
 
Minh Nghĩa (
Minh Nghĩa (bìa trái) tham gia lớp đào tạo, bồi dưỡng HLV taekwondo TP.HCM năm 2012.
 
Hiện nay, Nghĩa đã mang đai đen đệ tam đẳng taekwondo cùng bộ sưu tập hơn 10 tấm huy chương các loại sau những kỳ Hội khỏe Phù Đổng toàn thành và các giải đấu của Liên đoàn Taekwondo TP.HCM. Ngoài ra, vào các buổi tối thứ ba, năm, bảy hằng tuần, Nghĩa còn ghé qua CLB võ thuật Thần Châu (P.7, Q.Gò Vấp) phụ thầy, cô dạy taekwondo cho các em nhỏ.
 
Thời bé, khi mới đi học, Nghĩa có những ngày dài mòn mỏi tập viết bằng tay trái. Chữ xấu, nguệch ngoạc, không ai đọc ra, em lại cắm cúi tập đi, tập lại. Nghĩa bảo: “Tuy ba luôn nói mình ít chữ, nhưng chính ba là người đầu tiên rèn em viết, là người thức suốt đêm cùng em bên bàn học và cũng là người dạy em hiểu giá trị của con chữ, nhất là với một đứa trẻ khuyết tật, nghèo khó như em”.
 
12 năm liền Nghĩa đều là học sinh khá, giỏi. Năm 2008, Nghĩa đậu vào khoa Quản trị kinh doanh, Trường đại học Kinh tế TP.HCM. 4 năm sau, cậu bé ốm yếu khi xưa đã là cử nhân kinh tế. Đến tháng 12/2012, Nghĩa được nhận vào làm việc tại Văn phòng Ban chỉ đạo chương trình giảm nghèo - tăng hộ khá của TP.HCM. Không những vậy, đến tháng 3/2013, Nghĩa sẽ bắt đầu học văn bằng hai ngành Luật kinh doanh tại trường Đại học Kinh tế TP.HCM.
 
Hỏi về ước mơ, Nghĩa cười: “Ba mẹ đang dành dụm từng đồng xu lẻ để em học lên thạc sĩ. Đó là tâm nguyện cả đời của ba mẹ và cũng là ước mơ, mục tiêu phấn đấu của em. Sau này, em sẽ cố gắng mở một quán chè nhỏ cho ba mẹ có chỗ bán hàng ổn định.
 
Nhiều hôm mưa lớn, người mẹ ướt sũng nhưng vẫn lang thang trên đường, em xót lắm. Nhà em tuy nghèo vật chất nhưng tình thương thì không. Cả nhà ba người lúc nào cũng kề cận nhau, vui cười và cùng nhau chia sẻ mọi khó khăn. Đó chính là hạnh phúc và niềm tự hào của em”.
 
Theo Dòng Đời/Dân Việt