Quảng Trị:

Lo ngại tình trạng nhiều học sinh miền núi bỏ học

(Dân trí) - Hàng trăm học sinh tại tỉnh Quảng Trị bỏ học trong năm học 2017-2018, tập trung chủ yếu ở 2 huyện miền núi Đakrông và huyện Hướng Hóa.

Theo báo cáo của Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị, toàn tỉnh có hơn 500 học sinh bỏ học từ đầu năm học 2017-2018 đến nay. Học sinh bỏ học nhiều nhất ở cấp THPT và các trường vùng cao của huyện Đakrông, Hướng Hóa... Nhiều trường có số lượng học sinh bỏ học cao như THPT số 2 Đăkrông với 64 em, THPT Đakrông 25 em, THPT A Túc với 29 em, THPT Cồn Tiền 23 em.

Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị đánh giá, dù đã tích cực ngăn chặn tình trạng bỏ học, song tại một số địa bàn huyện và trường học, số lượng học sinh bỏ học còn khá cao, công tác vận động học sinh đã bỏ học trở lại lớp còn nhiều hạn chế.

Nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng học sinh bỏ học: Gia đình buông lỏng quản lý, giáo dục con em, nhất là đối với học sinh lêu lỏng, cá biệt, ham chơi, có sức học yếu nên chán học, bỏ học. Do chất lượng đầu vào thấp (có học lực yếu, hổng kiến thức nên không theo kịp chương trình).

Học sinh miền núi bỏ học đang là thực trạng đáng lo ngại
Học sinh miền núi bỏ học đang là thực trạng đáng lo ngại

Một số em có hoàn cảnh khó khăn, muốn nghỉ học đi lao động phụ giúp gia đình. Do ảnh hưởng một số hủ tục, tập quán lạc hậu ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số dẫn đến nạn tảo hôn, học sinh bỏ học để lập gia đình, hoặc có bạn bè, người thân đi làm ăn xa rủ rê, lôi kéo bỏ học để đi kiếm tiền; cá biệt có học sinh bỏ học do nhà ở xa trường, đi lại khó khăn.

Trước thực trạng học sinh bỏ học ở một số địa bàn còn chiếm tỷ lệ cao trong những năm trước, ngay từ đầu năm học 2017-2018 đến nay, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các Phòng Giáo dục và các cơ sở giáo dục thực hiện tốt công tác duy trì số lượng, hạn chế thấp nhất tình trạng học sinh bỏ học.

Các cơ sở giáo dục đã thực hiện nhiều giải pháp để duy trì số lượng, phân công giáo viên bộ môn kèm cặp, giúp đỡ, phụ đạo cho học sinh có học lực yếu kém. Bám địa bàn, phối hợp với chính quyền, đoàn thể, phụ huynh để quản lý, giáo dục học sinh. Huy động các nguồn lực để hỗ trợ học sinh nghèo vượt qua khó khăn tiếp tục đến trường. Tuyên truyền vận động học sinh bỏ học trở lại lớp. Nhờ thực hiện các giải pháp tích cực, tỷ lệ học sinh bỏ học trong học kỳ 1 giảm so với năm trước.

Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục đã rà soát các đối tượng học sinh có nguy cơ bỏ học, phân loại và có biện pháp tác động phù hợp. Đối với học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn thì huy động nguồn lực giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời cho các em. Học sinh cá biệt, chậm tiến thì phân công giáo viên chủ nhiệm lien hệ với phụ huynh để có biện pháp quản lý, giáo dục. Với những đơn vị có học sinh bỏ học, nhà trường đã cử giáo viên trực tiếp đến với gia đình để tuyên truyền, vận động học sinh trở lại lớp.

Các trường đã tăng cường thực hiện phân luồng học sinh, hướng nghiệp đối với học sinh THCS, THPT để các em có định hướng nghề nghiệp phù hợp, tránh tình trạng giảm sút động cơ học tập và bỏ học.

Đ. Đức