Bạn đọc viết:

Làm giáo viên tâm huyết thời @ quá khó khăn

(Dân trí) - Câu chuyện thầy trò xô xát nhau tại lớp 10A3 trường THPT Tầm Vu (huyện Châu Thành A) đã cảnh báo cho rất nhiều phụ huynh về lối sống tự do quá trớn, hỗn hào với thầy cô của một bộ phận các em học sinh thời đại @.

Xem clip, ta có thể thấy không phải vô cớ mà thầy giáo bực bội đến mức phải nạt nộ, phải dọa em N. khi em quậy phá trong giờ học, gây ảnh hưởng tới giờ giảng bài của thầy với thái độ bất cần, mình không thích học thì mình la hét cho vui, bất kể bạn bè trong lớp đang trật tự nghe thầy giảng bài. Thầy mất bình tĩnh khi học trò vênh mặt thách thức thầy đánh mình "Ngon đánh cái coi chơi".

Nhiều người có thể chỉ xem clip rồi lên án thầy giáo bạo lực với học trò, không đủ tư cách làm thầy chứ chưa đặt mình vào hoàn cảnh oái oăm mà thầy phải đối mặt. Ở nhà, con chúng ta chỉ cần lơ đi yêu cầu gì đó của bố mẹ cũng có thể khiến bố mẹ nổi khùng vác roi dạy dỗ, vậy đã có bố mẹ nào lại ngọt ngào khuyên nhủ khi con cái hỗn láo, thách thức và coi thường chưa? Với một học sinh mà thầy cô nhắc nhở không thèm nghe, còn nói giọng "cá mè một lứa" đố thầy dám đánh mình thì em N. là một học sinh ý thức rất kém, lớp học cần có nguyên tắc chứ không phải là cái chợ hoặc nơi công cộng để em tự tung tự tác, bất chấp lời khuyên răn từ phía thầy cô giáo.

Tôi đã choáng váng khi thấy thầy chỉ đánh cảnh cáo trò thì em N. nổi xung, có vẻ như muốn đánh trả lại thầy ngay lập tức. Cái cách em N. cầm tập vở quăng theo thầy khi thầy bước lên bục giảng thật nhức mắt. Em thách thức thầy giáo, thậm chí la hét chửi lại thầy dạy mình, học sinh này đâu có chút gì đáng thông cảm mà là rất đáng lên án hành vi hỗn láo với thầy cô.

Có thể phụ huynh em N. chỉ nhìn hình ảnh là xót con bị thầy đánh chứ chẳng quan tâm con mình đã phá lớp trong giờ học ra sao, con mình hung hăng đánh lại thầy thì con hỗn hào khó lòng chấp nhận ở một học sinh lớp 10. Nếu em N. không được gia đình nghiêm khắc uốn nắn thì khi em ra đường, chỉ cần phật ý một câu nói, một ánh mắt thiếu thiện chí, em cũng lao vào đánh bạn bè không thương tiếc. Hành vi này của em N. cần được chỉnh đốn ngay tại gia đình em cũng như ở trường học.

Hiện nay mạng xã hội phát triển với tốc độ chóng mặt cũng là nơi để nhiều học trò hư tụ tập thành nhóm kín nói xấu thầy cô như căn bệnh khó chữa. Tôi từng trò chuyện với một vài em đang độ tuổi 16, 17 thì các em không ngại khi kể chuyện “cô giáo béo như lợn”, “giảng bài chả lọt tai từ nào còn hay cưa sừng làm nghé”, “xấu như Thị Nở”... Một số bạn bè tôi làm giáo viên từng than thở rằng, rất khó để học trò nghe lời mình dù áp dụng nhiều cách như gần gũi trò chuyện hoặc làm mới bài giảng khi học trò luôn ngấm ngầm chống đối, chán học, thậm chí coi thường thầy cô.

Một thực trạng đáng báo động khi nhiều phụ huynh chỉ có ý quý thầy cô nào hay săn sóc, nâng điểm cho con mà bất mãn với thầy cô nào hay chê trách con mình. Cha mẹ chưa thực sự quan tâm tới con mà luôn đẩy trách nhiệm dạy dỗ con cái cho giáo viên, nhà trường chỉ với câu cửa miệng "trăm sự nhờ thầy". Nhưng khi con cái chúng ta hỗn hào, thầy cô có đe nẹt một chút thì gia đình lập tức quy chụp cho thầy hành xử bạo lực với học trò, nhiều gia đình còn sẵn sàng làm to chuyện khi làm đơn từ tố cáo thầy cô. Muốn làm thầy cô tâm huyết thời này thật khó, lơ mơ có thể mất việc như chơi...

Câu chuyện thầy K. lúc bực bội đánh em N. n cần được nhìn nhận một cách công bằng ở nhiều khía cạnh. Tôi cho rằng thầy đáng được thông cảm từ phía nhà trường cũng như từ chính gia đình em N.

Phụ huynh muốn thầy cô dạy dỗ con em mình tới nơi tới chốn hay chỉ muốn con mình gặp được những thầy cô giáo chỉ biết dạy cho xong, bàng quan với mọi hành vi sai lầm từ học sinh, mặc kệ học sinh học hành hay - dở ra sao. Ai cũng mong con mình khi tốt nghiệp cấp 3, không chỉ nắm được kiến thức cơ bản mà còn phải trưởng thành trong nhân cách, lối sống. Thầy cô giáo xứng đáng được phụ huynh và học sinh tôn trọng chứ không phải canh cánh lo sắm đủ "áo giáp" để không vô tình mắc lỗi với học sinh và lúc nào cũng phải nhượng bộ dù học sinh hỗn láo, hư hỏng...

Thanh Mai

(Thị trấn Đông Anh, Hà Nội)