Không cho điểm với học sinh tiểu học: Băn khoăn

(Dân trí)-Dự thảo quy định mới về đánh giá học sinh tiểu học đã được Bộ GD-ĐT công bố để xin ý kiến. Theo quan điểm của nhiều giáo viên, phụ huynh, việc đánh giá bằng nhận xét sẽ giảm áp lực cho HS. Tuy nhiên, còn có những băn khoăn quanh việc thực hiện quy định này.

Cả giáo viên lẫn phụ huynh đều lo lắng

Theo cô L.T.H - hiệu trưởng một trường tiểu học ở huyện Gia Lâm (Hà Nội), dự thảo quy định mới về đánh giá học sinh (HS) tiểu học nhìn chung, nội dung các vấn đề liên quan đều đảm bảo nguyên tắc để đánh giá toàn diện HS.

“Về đánh giá thường xuyên ngoài việc đánh giá quá trình tiếp thu kiến thức theo chuẩn kiến thức, kỹ năng còn đánh giá một số năng lực khác của HS. Điều này khiến tôi rất tâm đắc. Bởi đây chính là sự đổi mới, sự khác biệt trong đánh giá HS tiểu học. Trước cũng quan tâm đến việc bồi dưỡng, phát triển năng lực của HS nhưng chưa cụ thể và chưa đưa vào nội dung đánh giá một cách rõ ràng như hiện nay. Vì thế, chỉ những cháu nào có năng lực nổi bật mới được chú ý bồi dưỡng - nay 100% các cháu đều được quan tâm, phát hiện để kịp thời uốn nắn và bồi dưỡng” - cô L.T.H bày tỏ quan điểm.

Cũng theo cô L.T.H, dự thảo vẫn còn những điểm chung cần phải chi tiết hóa ra. Chẳng hạn như, cần phân rõ ra các phẩm chất (đạo đức) và năng lực học tập trong các môn học thì sẽ cụ thể hơn.

Bên cạnh đó, cô L.T.H cũng bày tỏ sự băn khoăn: Hiện nay các nhà trường chưa được tham gia góp ý cho dự thảo và mẫu sổ ghi nhật ký đánh giá có phù hợp với quy định thì mới khẳng định được cách đổi mới này có khả thi hay không. Ngoài ra, trong khi chỉ còn hơn 1 tháng nữa là vào năm học mới, việc triển khai để tập huấn cho cán bộ quản lý và giáo viên (GV) sẽ rất eo hẹp về thời gian. Nên có kế hoạch để một số nhà trường làm điểm, rút kinh nghiệm và góp ý cho nội dung và phương pháp thưc hiện. Nói cách khác là chưa nên vội vàng triển khai ngay trong năm học này.
 
Tăng cường nhận xét đánh giá về năng lực, phẩm chất học sinh hơn là
Tăng cường nhận xét đánh giá về năng lực, phẩm chất học sinh hơn là điểm số đối với bậc tiểu học.

Cùng chung quan điểm với cô L.T.H, cô P.T.Y - hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận Ba Đình bày tỏ: “Tôi thấy có nhiều quy định chưa sát liền với thực tế. Việc yêu cầu cả HS, phụ huynh tham gia đánh giá thường xuyên là điều khó thực hiện trong điều kiện hiện nay. Bên cạnh đó, với lớp học quá đông thì việc GV đánh giá thường xuyên các em đã là quá sức chứ chưa nói đến các nhiệm vụ khác mà dự thảo yêu cầu”.

Trong khi giáo viên thì băn khoăn về cách thức thực hiện thì phụ huynh có những sự lo lắng riêng. Chị Phạm Hồng Nhung (quận Ba Đình, Hà Nội) có con đang học ở bậc tiểu học cho rằng, cho điểm cũng là một vấn cần thiết. Tuy nhiên với chủ trương mới của Bộ đưa ra thì đây cũng là một cách hay bởi nó sẽ không gây căng thẳng, tạo áp lực cho HS. Tuy nhiên, nếu không cho điểm số thì liệu có đánh giá được thực chất lực học của các em? Đây sẽ là điều mà nhiều bậc phụ huynh rất trăn trở.

Không có chuyện GV bị áp lực

Trước những băn khoăn lo lắng trên, ông Phạm Ngọc Định - Vụ trưởng Vụ giáo dục Tiểu học (Bộ GD-ĐT) bày tỏ: Những quy định mới bao giờ cũng gặp khó khăn khi bắt đầu triển khai. Chẳng hạn như Thông tư 32 trước đây cũng gặp nhiều ý kiến trái chiều nhưng sau đó lại nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ. Thật ra, quy định mới về đánh giá HS tiểu học chỉ nhằm giảm áp lực cho HS, thậm chí là cho cả phụ huynh.

Về góc độ công việc của GV, tôi nghĩ không có gì khác biệt nhiều so với trước đây. Chúng ta chỉ chuyển từ thói quen đánh giá bằng điểm số sang đánh giá bằng nhận xét, điều này cũng đã được lồng ghép thực hiện nhiều năm nay nhưng chưa rõ nét mà thôi. Đánh giá nhận xét thì có thể là nhận xét bằng lời hoặc nhận xét bằng viết.

Cũng theo ông Định, lâu nay chúng ta vẫn đánh giá nhận xét bằng lời nên chuyện không có gì mới. Còn đánh giá nhận xét bằng viết đáng lẽ là trách nhiệm của GV lâu nay nhưng bị “bỏ quên”.

Minh chứng cho vấn đề này ông Định lấy ví dụ, khi GV kiểm tra vở bài tập của HS đáng lẽ là phải có lời nhận xét em làm đúng, làm sai thế nào, cần lưu ý điểm gì... nhưng ở đây chỉ cho điểm số. Đối với bậc tiểu học thì chúng ta chỉ cần động viên, khích lệ là chính. Không nên gây áp lực cho các em về điểm số. Cũng vì áp lực từ việc cho điểm số mà dẫn đến hình thành việc dạy thêm, học thêm ở bậc tiểu học.

Điều này có nghĩa là công việc của GV không có gì thay đổi mà chỉ đơn thuần chuyển thói quen cho điểm sang nhận xét?

“Đúng là như vậy. Công việc của GV so với trước không có sự thay đổi quá nhiều. Đơn thuần là GV phải có trách nhiệm hơn trong công việc mà thôi” - ông Định khẳng định.

Về việc đưa cả HS, phụ huynh tham gia đánh giá thường xuyên, ông Định thẳng thắn nhìn nhận: Quan điểm của Bộ là muốn có sự gắn kết giữa HS, gia đình và nhà trường. Ở đây chúng ta khuyến khích cả HS và phụ huynh tham gia đánh giá chứ không phải là quy định bắt buộc. Mục đích ở đây là giúp HS có khả năng tự đánh giá, tham gia đánh giá; tự học, tự điều chỉnh cách học; giao tiếp, hợp tác; có hứng thú học tập và rèn luyện để tiến bộ. Bên cạnh đó giúp phụ huynh quan tâm và biết tham gia đánh giá quá trình và kết quả học tập, rèn luyện, quá trình hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất của con em mình; tích cực hợp tác với nhà trường trong các hoạt động giáo dục HS.

“Nguyên tắc đánh giá ở đây là kết hợp đánh giá của GV, HS, phụ huynh HS, trong đó đánh giá của giáo viên là quan trọng nhất” - ông Định giải thích.

Dưới góc độ cấp cơ sở, ông Phạm Xuân Tiến - phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội phân tích thêm: Từ trước đến nay, việc cho điểm số bao giờ cũng đi kèm với lời nhận xét. Chính vì thế chuyển từ việc không cho điểm số sang bằng nhận xét thì không có gì khó khăn. Năm học 2013-2014, mặc dù Bộ GD-ĐT chỉ khuyến khích các địa phương triển khai đánh giá thường xuyên bằng nhận xét đối với HS lớp 1 nhưng Hà Nội đã chủ động làm và kết quả khá tốt.

“Tôi nghĩ chúng ta còn băn khoăn là do cách nhận thức mà thôi. Một số GV cứ nghĩ là hàng ngày phải ghi nhận xét vào vở của HS nhưng không phải như vậy. GV có thể nhận xét, góp ý bằng lời trực tiếp cho HS khi xem bài tập, bài kiểm tra của các em hoặc viết trên vở của các em” - phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội nói.

Nguyễn Hùng