Xét tuyển NV3:

Kẽ “hở” và “cơ hội” cho thí sinh

(Dân trí) - “Thí sinh đã trúng tuyển NV2 vẫn có thể tham gia xét tuyển NV3. Đây là quyền của các em được chọn đúng ngành, đúng trường mình yêu thích”, ông Ngô Kim Khôi, Phó vụ trưởng Vụ ĐH&SĐH cho biết như vậy khi trao đổi với Dân trí.

Mấy ngày gần đây Dân trí liên tục nhận được điện thoại của các bạn thí sinh dồn dập hỏi về việc đã trúng tuyển NV2 muốn xét tuyển NV3 có được không. Thí sinh L.H ở Hải Phòng gọi điện đến Dân trí chia sẻ: “Em đã trúng tuyển NV2 nhưng nghe thông tin trường ĐH Y Hải Phòng xét tuyển NV3 nên em vẫn muốn tham gia xét tuyển NV3. Em thích ngành Y với lại trường cũng gần nhà”.

 

Cũng chung ý nghĩ như L.H thí sinh T.Đ ở Ninh Bình hồ hởi tâm sự: “Em thích trường ĐH Y Thái Bình vì thế khi nghe thông tin trường tuyển NV3 là em nộp đơn ngay cho dù em đã nhập học trường ĐH Giao thông vận tải TPHCM. Nhưng mà em không biết có được phép không?”

 

Theo quy định tuyển sinh ĐH, CĐ thì thí sinh trúng tuyển NV2 sẽ không được phép tham gia xét tuyển NV3. Tuy nhiên quy định này gần như là vô nghĩa khi thí sinh đã có trong tay cả hai phiếu chứng nhận để tham gia xét tuyển NV2 và NV3.

 

Giải thích về kẻ “hở” này ông Khôi cho hay: “Chúng ta nên khuyến khích các em đã trúng tuyển NV2 thì không nên xét tuyển NV3 chứ không phải là cấm các em tham gia xét tuyển tiếp. Các em có quyền được chọn đúng ngành, đúng nghề mình yêu thích.”

 

Quả thật đúng như vậy, đa số thí sinh quyết định thi lại ĐH là do học phải ngành mình không thích hoặc chưa phù hợp với năng lực của các em.  

 

Kẽ “hở” này biết đâu sẽ làm giảm đi số lượng sinh viên thi lại ĐH hàng năm hoặc chí ít cũng là nguồn động lực cho thí sinh theo học ở nhưng ngôi trường mình không yêu thích khi các em hiểu được sự cạnh tranh khốc liệt trong việc thi tuyển.

 

“Ảo” nhiều sẽ hạ điểm chuẩn?  

 

Với việc nhiều trường ĐH Công lập quyết định xét tuyển NV3 mà chủ yếu là đào tạo các ngành nghề khá “hot” hiện nay như ĐH Y Thái Bình, HV Quan hệ quốc tế… sẽ làm cho không ít thí sinh có điểm cao nhưng “bất đắc dĩ” nộp đơn xét tuyển NV2 vào trường mà mình không hề yêu thích nảy sinh ý định tiếp tục xét tuyển NV3. Với cơ chế “rộng mở” này thì việc nhiều trường có thí sinh trúng tuyển “ảo” NV2 là không tránh khỏi.

 

Vậy liệu với số thí sinh trúng tuyển NV2 “ảo” nhiều thì các trường có hạ điểm chuẩn?

 

Theo các chuyên gia tuyển sinh thì việc hạ điểm chuẩn hệ ĐH là điều vạn bất đắc dĩ mới có thể xảy ra. Qua nhiều kì tuyển sinh ĐH cho thấy số trường ĐH hạ điểm chuẩn chỉ tính được trên đầu ngón tay.  

 

Sở dĩ các trường không hạ điểm chuẩn là do trong khi lấy điểm chuẩn NV các trường được phép lấy vượt quá 10% tổng chỉ tiêu xét tuyển. Thậm chí có trường còn xin Bộ GD-ĐT lấy vượt quá đến 15% để tránh hiện tượng trúng tuyển “ảo”.

 

Việc hạ điểm chuẩn chủ yếu phổ biến rơi vào các trường CĐ hoặc hệ CĐ của các trường ĐH. Tuy nhiên điểm chuẩn sau khi hạ vẫn phải tuân thủ quy định là trên mức điểm sàn của Bộ GD-ĐT.  

 

Như vậy, với những kẽ “hở” trong khâu xét tuyển NV thì có thể nhiều thí sinh vẫn có thể hi vọng trúng tuyển đúng vào ngành nghề mình yêu thích và không loại trừ trong số những thí sinh này có thí sinh trúng tuyển từ việc các trường hạ điểm chuẩn.

 

Nguyễn Hùng