Kiên Giang:

“Hơn 30 năm đứng lớp, tôi vẫn tự hào là một giáo viên”

(Dân trí) - Nghe cô Trần Thị Tuyết kể những ngày tháng đứng lớp ở vùng đất “muỗi kêu như sáo thổi”, chúng tôi thấy đầy gian nan. Nhưng khi hỏi cô có tiếc nuối khi chọn nghề “gõ đầu trẻ?”, cô Tuyết cười tươi, nói: “Hơn 30 năm đứng lớp, đến hôm nay tôi vẫn tự hào là một giáo viên”.

Cô Trần Thị Tuyết - nguyên phó hiệu trưởng Trường tiểu học thị trấn 1 (thị trấn Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang). Vợ chồng cô Tuyết là những giáo viên ở Tiền Giang về huyện Vĩnh Thuận dạy học theo lời mời gọi của lãnh đạo huyện này từ năm 1988. Theo nhiều giáo viên, lãnh đạo huyện Vĩnh Thuận, cô giáo Tuyết là tấm gương sáng cho đồng nghiệp, là “người thầy” thực thụ cho bao thế hệ học trò noi theo.

Cô giáo Trần Thị Tuyết luôn tự hào mình là một giáo viên.

Cô Tuyết kể, khoảng năm 1988, vợ chồng cô cùng nhiều giáo viên ở huyện Gò Công Tây (Tiền Giang) đã khăn gối lên đường đến Vĩnh Thuận dạy học - vùng đất một thời được mệnh danh “muỗi kêu như sáo thổi”. Khi về đây, vợ chồng cô được phân công dạy học tại trường phổ thông cơ sở Vĩnh Thuận (sau này là trường tiểu học thị trấn Vĩnh Thuận 1). Do vợ chồng cô có 2 con nhỏ nên được ban giám hiệu và giáo viên nhà trường góp cây, góp lá… dựng cho gia đình cô một căn nhà nhỏ phía sau nhà trường. Và gia đình cô Tuyết sinh sống cho đến nay.

Dù nghỉ hưu từ năm 2003 nhưng cô Tuyết vẫn ở lại cư xá của trường để nghe tiếng ê a của học trò cho đỡ nhớ nghề
Dù nghỉ hưu từ năm 2003 nhưng cô Tuyết vẫn ở lại cư xá của trường để nghe tiếng ê a của học trò cho đỡ nhớ nghề

Khi có chỗ ở, vợ chồng cô Tuyết tập trung vào việc dạy học. Ngoài ra, hai vợ chồng cô Tuyết còn đăng ký dạy thêm những lớp còn thiếu giáo viên. Trong sinh hoạt hàng ngày, cô Tuyết cân, đo chi li từng khoản mới có đủ tiền lo cho hai đứa con ăn học.

Cô Tuyết chia sẻ: “Nói các em đứng cười, từ ngày vợ chồng cô đứng lớp (năm 1975) đến ngày về hưu, hai vợ chồng cô không biết làm thêm việc gì khác để kiếm tiền, ngoài việc dạy học. Thời điểm đó, không có chuyện dạy thêm, học thêm. Thầy cô thấy học trò của mình kém thì dạy kèm ngay trên lớp hoặc bảo các em đến nhà phụ đạo vào ban đêm. Có em đến học, thiếu bút, vở… thầy cô tặng luôn vở, bút cho học trò mình”.

Nói về việc dạy và học vào những năm 80, 90 ở vùng đất Vĩnh Thuận, cô Tuyết và nhiều giáo viên khác cho biết, gian nan và thiếu thốn nhiều thứ. Phòng học chỉ cất tạm bằng cây tràm; vách và mái trường lợp bằng lá dừa… Còn bàn học, nhiều điểm trường thầy cô đốn cây đóng thành từng chiếc bàn dài cho các em ngồi học.


Cô Sử Thị Cẩm Hồng - nguyên Hiệu trưởng trường tiểu học thị trấn 1 cũng là một trong hai giáo viên đầu tiên của đất Vĩnh Thuận đạt danh hiệu Nhà giáo ưu tú. Cô Hồng cho biết việc dạy và học những năm 80, 90 vô cùng khó khăn. Nhưng thầy trò, phụ huynh tình cảm gắn bó mật thiết.

“Dù thiếu thốn bộn bề nhưng tình cảm thầy trò, tình cảm thầy cô với phụ huynh gắn bó mật thiết. Với phụ huynh, họ đặt hết niềm tin vào các thầy cô trong việc dạy dỗ con em, từ con chữ đến nhân cách. Đáp lại tình cảm này, những ngày lễ, tết, phụ huynh mang gạo, cá, mớ rau… đến biếu thầy cô, chứ chẳng thứ gì quý giá hơn” - cô Hồng chia sẻ.

Cô Sử Thị Cẩm Hồng - nguyên Hiệu trưởng trường tiểu học thị trấn 1 cũng là một trong hai giáo viên đầu tiên của đất Vĩnh Thuận đạt danh hiệu Nhà giáo ưu tú. Cô Hồng cho biết việc dạy và học những năm 80, 90 vô cùng khó khăn. Nhưng thầy trò, phụ huynh tình cảm gắn bó mật thiết.

“Dù thiếu thốn bộn bề nhưng tình cảm thầy trò, tình cảm thầy cô với phụ huynh gắn bó mật thiết. Với phụ huynh, họ đặt hết niềm tin vào các thầy cô trong việc dạy dỗ con em, từ con chữ đến nhân cách. Đáp lại tình cảm này, những ngày lễ, tết, phụ huynh mang gạo, cá, mớ rau… đến biếu thầy cô, chứ chẳng thứ gì quý giá hơn” - cô Hồng chia sẻ.

Nhớ lại món quà 20/11 khi còn đứng lớp, cô Tuyết kể: “Ngày 20/11/1995, mới sáng sớm khi cô chuẩn bị xuống lớp thì cả đám học sinh chạy ùa vào nhà. Bọn chúng tề tựu quanh cô, chúc mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam và tặng cô một bó hoa mà trong đó có nhiều loại hoa... Cô tra hỏi “xuất xứ” bó hoa thì biết, các em hái hoa ở nhà (ai có hoa gì thì hái hoa đó) rồi gom lại tặng cô”. Đó là món quà 20/11 mà cô nhớ nhất”.

Sau hơn 30 năm đứng lớp đầy gian nan với nghề gõ đầu trẻ nhưng cô Tuyết luôn tự hào mình là một giáo viên
Sau hơn 30 năm đứng lớp đầy gian nan với nghề "gõ đầu trẻ" nhưng cô Tuyết luôn tự hào mình là một giáo viên

Vợ chồng cô Tuyết khó khăn nhưng nuôi dạy hai đứa con ăn học thành tài. Nhiều lần, hai con cô Tuyết mời cô về nhà sống chung nhưng cô chưa đồng ý mặc dù căn nhà tập thể mà cô đang sinh sống đã xuống cấp nhiều.

“Nói thật với các em, cô ở đây, có lúc nghe tiếng thầy ho trên bục giảng… Cô thấy ấm lòng lắm. Vì khi đó, thầy hết lòng với sự nghiệp dạy học, thầy đau khi còn đứng trên lớp và không bao lâu, thấy mất. Hơn nữa, ở đây ngày nào cô cũng nghe tiếng ê a của bọn trẻ nên thấy vui, không muốn rời xa nơi đây một chút nào”. Cô Tuyết, chia sẻ.

Hơn 30 năm đứng lớp, cô có tiếc nuối khi mình chọn “nghề gõ đầu trẻ?”, cô Tuyết cười hiền, nói: “Dù cuộc sống trước đây và hiện tại còn khó khăn, không khá giả nhưng cô rất tự hào mình là một giáo viên. Hiện nay, có nhiều giáo viên trẻ đến tâm sự “việc dạy học bây giờ khó lắm, học sinh thực tế, phụ huynh phó mặt hết cho giáo viên…” Nhưng theo cô, để vượt qua cái khó này, trước tiên mỗi giáo viên đặt hết cái tâm của mình vào việc dạy học. Phải yêu trẻ, nâng đỡ các em trong mọi hoàn cảnh và người giáo viên không chỉ dạy con chữ mà con uốn nắn nhân cách, đạo đức cho các em. Từ đó, mối quan hệ thầy, trò và phụ huynh cũng khắn khít và đi đến hợp tác tốt trong việc dạy và học của bọn trẻ”.

Khi chúng tôi ra về, vài em học sinh lớp 3 chạy xuống nhà cô Tuyết, cùng cô chăm mấy chậu hoa lan, cúc trước sân nhà. Có em gọi cô Tuyết bằng bà cô, có đứa gọi cô Tuyết là bà nội, bà ngoại… Rồi các em nói: Đến ngày 20/11, cha, mẹ và con sẽ đến thăm và tặng hoa cho bà cô!

Nguyễn Hành