Hội Khuyến học tham gia phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”

(Dân trí) - Ngày 22/4, Bộ GD-ĐT, Hội Khuyến học VN và Hội Liên hiệp phụ nữ VN đã ký kết chương trình phối hợp thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” giai đoạn 2009-2013.

Mục đích của ký kết này, Bộ GD-ĐT, Hội KHVN, Hội Liên hiệp phụ nữ VN cùng với ngành Văn hoá, thể thao và du lịch, Đoàn Thanh niên  phối hợp hoạt động nhằm triển khai, nâng cao chất lượng và hiệu quả của phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”.
 
Theo đó, phát huy vị trí hết sức quan trọng của gia đình trong việc tạo điều kiện học tập và giáo dục nhân cách cho các em, khai thác tốt nhất mọi chính sách của Nhà nước, sự hỗ trợ của cá nhân hoặc đơn vị để đảm bảo yêu cầu “3 đủ” đối với mỗi học sinh: “đủ ăn, đủ sách vở, đủ quần áo”, yêu cầu “1 có”: “Có chỗ học tập ổn định, thuận tiện” và yêu cầu “3 biết”:
 
“biết các chính sách của Nhà nước hỗ trợ việc học tập của con em các gia đình thuộc các vùng miền khác nhau, có hoàn cảnh gia đình khác nhau trong đó có gia đình chính sách và khuyến khích học nghề đối với con em nông dân; biết  nhu cầu lao động và việc làm ở địa phương để quyết định học nghề, học ĐH,CĐ một cách hợp lý; biết lựa chọn cơ sở học tập và đào tạo phù hợp với điều kiện của bản thân và gia đình”.

Chương trình phối hợp với 5 nội dung hoạt động. Theo đó, Hội Khuyến học Việt Nam cần thực hiện 5 việc:

Thứ nhất: Về nội dung xây dựng trường, lớp xanh, sạch, đẹp, an toàn, nhiệm vụ Hội Khuyến học cần vận động các tổ chức và cá nhân ủng hộ quỹ khuyến học để cấp học bổng cho học sinh nghèo, khuyến khích học sinh học giỏi vượt khó đi lên và góp phần vận động nhân dân nâng cấp cơ sở vật chất các nhà trường.

Thứ hai: Dạy và  học có hiệu quả, phù hợp với đặc điểm lứa tuổi của học sinh ở mỗi địa phương, giúp các em tự tin trong học tập. Hội Khuyến học các cấp cần hỗ trợ ngành giáo dục vận động thầy cô giáo ở các bậc học và ngành học đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục; tham gia phổ cập giáo dục đúng độ tuổi và đảm bảo chất lượng; chống bỏ học, giảm lưu ban và ngăn chặn tiêu cực xâm nhập nhà trường…

Cần tiếp tục mở rộng cuộc vận động xây dựng gia đình hiếu học và dòng họ khuyến học và động viên các gia đình, dòng họ này tham gia xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Có hình thức khuyến khích, động viên các thầy cô giáo dạy tốt, có hoàn cảnh khó khăn. Cần đẩy mạnh hoạt động của các trung tâm HTCĐ. Các cấp Hội phát huy sáng kiến tạo điều kiện để những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được học tập với hình thức phù hợp; chú trọng mở các lớp dạy nghề ngắn hạn, các lớp học nghề tại cơ sở sản xuất, tại các làng nghề thủ công để thanh, thiếu niên ở địa phương có hội tìm việc làm…

Hội Khuyến học phát huy mọi sáng kiến để tạo điều kiện học tập tốt cho học sinh như hình thức hỗ trợ 1-1.

Thứ ba: Về rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh, các cấp Hội địa phương cần phối hợp với nhà trường và gia đình làm tốt việc quản lý trẻ em ngoài giờ học, chủ động đề xuất chương trình giáo dục kỹ năng sống cụ thể đối với học sinh theo lứa tuổi và điều kiện địa phương…

Thứ tư: Nội dung Tổ chức các hoạt động tập thể vui chơi, lành mạnh, Hội Khuyến học cần tập hợp các hội viên có trình độ và hiểu biết tham gia với nhà trường và các TTHTCĐ sưu tầm, biên soạn hướng dẫn cho học sinh các hoạt động vui chơi tập thể các trò chơi dân gian, các loại hình nghệ thuật dân gian.

Thứ năm:  Học sinh tham gia tìm hiểu, chăm sóc và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hoá, cách mạng ở địa phương, Hội Khuyến học cần huy động các hội viên tham gia giới thiệu cho học sinh giá trị các di tích lịch sử, văn hoá và cách mạng; các ngành nghề truyền thống ở địa phương.

Ngoài ra, Bộ GD&ĐT, Hội Liên hiệp Phụ nữ VN phối hợp với Hội Khuyến học VN triển khai kế hoạch “Tháng 9 khuyến học”, tổ chức tốt “Ngày Khuyến học Việt Nam 2/10” nhằm động viên  toàn xã hội quan tâm đến những hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập và hưởng ứng những đóng góp thiết thực cho việc xây dựng môi trường học đường lành mạnh, thân thiện.

 Hồng Hạnh