Học trường quốc tế: Làm thế nào để biết thực, giả?

Với sự quan tâm đặc biệt đối với những sinh viên và phụ huynh VN, tiến sĩ Mark A.Ashwill - Giám đốc Viện Giáo dục quốc tế tại Việt Nam, đã có bài viết chi tiết để có thể phân biệt được thế nào là chuyện thật - giả ở các trường quốc tế.

Dưới đây là nội dung bài viết:

 

Một điều không may là trong lĩnh vực giáo dục đại học quốc tế, có rất nhiều trường đại học muốn che giấu đi phần nào sự thực về cơ sở đào tạo và chất lượng giáo dục của họ.

 

Tôi sẽ tập trung vào những trường đại học của Mỹ, dù có được thẩm định chất lượng hay không, thường dùng những kiểu bịp bợm kết hợp với hình thức quảng cáo hào nhoáng để bán được sản phẩm, và mục tiêu chính dường như nhằm vào lợi nhuận hơn là chất lượng. Hiểu theo cách khác, những trường đại học này đang nhử mồi của mình vào các "vị khách hàng kém hiểu biết" (sinh viên và phụ huynh), những người mong muốn có được tấm bằng đại học có giá trị và uy tín của Mỹ với một cái giá phải chăng.

 

Hãy thận trọng!

 

Ở Mỹ, các trường đại học và cao đẳng được thẩm định bởi 19 tổ chức thẩm định chất lượng có uy tín. Theo Ủy ban thẩm định đại học (CHEA: http://www.chea.org/), "thẩm định chất lượng" là một quá trình xem xét tiến hành từ bên ngoài do một tổ chức giáo dục cấp cao điều tra khả năng đảm bảo và nâng cao chất lượng giáo dục của các trường đại học, cao đẳng.

 

Ở Mỹ, việc thẩm định này được thực hiện bởi các tổ chức tư, phi lợi nhuận được thành lập cho mục đích này. Các trường đại học cần được thẩm định chất lượng để khẳng định vị thế và chất lượng của mình đối với sinh viên và công chúng, và nhờ đó có thể xin ngân sách liên bang. Các chương trình học được thẩm định bởi xấp xỉ 60 tổ chức thẩm định được công nhận. Dữ liệu của Ủy ban thẩm định đại học về các chương trình đào tạo đã được thẩm định bao gồm trên 7.000 trường đại học và 17.000 chương trình đào tạo. Văn phòng giáo dục sau phổ thông trung học của Bộ Giáo dục Mỹ cũng có một trang web để các bạn có thể tìm hiểu theo các yếu tố phân loại khác nhau.

 

Một số trường đại học ở Mỹ không được thẩm định đã tìm cách hoặc đang tiến hành kinh doanh ở Việt Nam và rất nhiều quốc gia khác. Họ đang ra sức tìm kiếm thị trường trên toàn thế giới ở những nơi mà khách hàng kém hiểu biết, thích có bằng cấp nước ngoài, nói cách khác là những khách hàng dễ bị hại.

 

Từ điển quốc tế xuất bản lần thứ 3 định nghĩa lò cấp bằng là "những cơ sở đại học hoạt động không có sự giám sát của một ủy ban chuyên môn cấp bang nào và hoặc là đang cấp bằng giả hoặc là cấp bằng không có giá trị do không tuân theo những tiêu chuẩn đào tạo". Một trong những hậu quả nguy hiểm của hành động gian lận này là người được cấp bằng sử dụng tấm bằng của mình để tìm việc làm, bao gồm cả những vị trí đầy quyền lực và trách nhiệm.

 

Một trường hợp cá biệt xảy ra cách đây vài năm, khi người ta phát hiện một nhân viên cấp cao trong Bộ An ninh Quốc gia đã nhận bằng Tiến sĩ của mình từ một lò cấp bằng tại bang Wyoming. Nữ nhân viên Bộ An ninh Quốc gia nói trên dùng các tín chỉ đại học đã nhận được từ các khóa học từ xa trên mạng và "kinh nghiệm cuộc sống" của mình để được thừa nhận đã có bằng cử nhân và thạc sĩ. Bà ta chỉ cần làm một bài kiểm tra gồm 10 câu hỏi về luân lý và viết một bài luận 2.000 từ, nghĩa là chỉ trong khoảng 4 trang giấy. Để nhận được bằng Tiến sĩ, bà ta gửi một luận văn và một tấm séc. Khi tôi đang hoàn thành bài viết này, tôi nhận được một bức thư điện tử ở hộp thư rác viết rằng: "Để có được một tương lai thịnh vượng, tiền bạc, và quyền năng kiếm ra tiền. Nhận bằng đại học dựa trên kinh nghiệm sống. Hãy gọi điện ngay và nhận được bằng chỉ trong vòng 2 tuần. 1-413-376-9218. Phục vụ 24 giờ trong ngày, 7 ngày trong tuần".

 

Tôi đề cập đến trường cụ thể chẳng hạn Đại học Thủ đô Mỹ (ACU) vì trường này đã hợp tác với Trung tâm Đào tạo quản lý Singapore (sau này gọi là Trung tâm Đào tạo quản lý cấp cao) để mở một chương trình Thạc sĩ Quản trị kinh doanh ở Việt Nam (ACU và SMTC, liên kết với Trường SITC nay đã đóng cửa). Cũng như các trung tâm tiếng Anh SITC, những sinh viên trót dính dáng với chương trình SMTC MBA cũng mất đứt hàng ngàn đô la, là nạn nhân của sự gian lận. Một số các trường khác của Mỹ không được thẩm định chất lượng gần đây đã xuất hiện ở Việt Nam là Preston University (WY), Pacific Western University (CA), American of Technology (WY, CA), Columbia Commonwealth University (WY), và Akamai. Trường đại học Preston, thu học phí lấy bằng cử nhân là  13.950 USD, lấy bằng thạc sĩ là 6.950 USD, và lấy bằng tiến sĩ là 7.450 USD, có "cơ sở đào tạo" ở 21 nước, riêng ở  Pakistan là 15 cơ sở.

 

"Khi một lời mời chào quá hấp dẫn, hãy xem xét lại!"

 

Các trường đại học đang có ý định hợp tác với một trường của Mỹ hay một trường quốc tế nói chung cũng như các sinh viên đang có ý định đăng ký học một trong các chương trình hiện có cần phải dành thời gian tìm hiểu về các cơ sở trường và các chương trình đó. Công việc này hầu như có thể làm thông qua mạng Internet. Trước hết, cần đảm bảo rằng trường đại học đó phải được thẩm định, và cơ quan thẩm định phải được Bộ Giáo dục Mỹ công nhận. Thứ hai, cần điều tra xem chính xác là trường đó có các chương trình như thế nào ở Mỹ và so sánh chúng với các chương trình tại Việt Nam.

 

Hãy đặt ra các câu hỏi về trường, cơ sở đào tạo đó:

 

- Con số sinh viên hiện đang học tại trường là bao nhiêu? 

 

- Năm vừa rồi trường đã cấp phát bao nhiêu văn bằng?

 

- Các yêu cầu đầu vào và đầu ra của trường là gì? (Mức độ cạnh tranh và các tiêu chuẩn cao hơn cũng là một biểu hiện cho thấy chất lượng đào tạo)  

 

- Hãy yêu cầu trường cung cấp các chương trình học chi tiết, danh sách các môn học, đồng thời nêu rõ các tín chỉ cần tích lũy trước khi tốt nghiệp 

 

- Trường được phép cấp các loại văn bằng nào và được phép đào tạo những ngành nào?

 

- Trình độ của các giáo viên dạy tại trường như thế nào? Họ đã có những bằng gì? Họ đã có những công trình nghiên cứu nào được xuất bản? Nếu có thì xuất bản ở đâu? Các giáo viên đã đạt được những giải thưởng gì (nếu có)?

 

- Trường có bao nhiêu giáo viên? Bao nhiêu trong số họ là giáo viên chính thức, bao nhiêu là giáo viên hợp đồng dạy bán thời gian hoặc giáo viên phụ tá? Nếu trên website của trường không nói rõ, thì cũng cần đặt câu hỏi là giáo viên của trường đó tốt nghiệp từ những trường nào ra?   

 

- Nếu việc đào tạo được thực hiện hoàn toàn qua mạng thì những phương pháp và dụng cụ hỗ trợ nào được áp dụng? Tỷ lệ sinh viên/giảng viên là bao nhiêu? Sinh viên được hỗ trợ về mặt kỹ thuật như thế nào trong trường hợp máy chủ có vấn đề? Trường có được Hội đồng Giáo dục và đào tạo từ xa cấp phép hoạt động hay không?

 

- Hiệu trưởng, các trưởng khoa và những người thuộc đội ngũ quản lý khác của trường đã tốt nghiệp những trường nào?

 

- Yêu cầu trường cung cấp thông tin liên lạc của một số cựu sinh viên thuộc ngành bạn quan tâm

 

- Yêu cầu trường cho xem một số bài tập/công trình mà sinh viên của trường đã làm 

 

- Điều tra kỹ về tư cách pháp nhân của trường

 

- Trường có được cấp phép hay được chứng nhận là có quyền cấp bằng hay không? Nếu có thì do cơ quan nào cấp? (Cần lưu ý rằng việc xin cấp chứng nhận là một quy trình khá dễ dàng và không đảm bảo cơ sở đào tạo đó là một cơ sở có chất lượng) 

 

- Đọc kỹ các thông tin trên website của trường và kiểm tra tính xác thực của các thông tin đó dựa vào các nguồn tin bên ngoài (bao gồm các tổ chức, công ty, và cả những người hoạt động trong lĩnh vực đó)

 

- Cuối cùng thì trường đại học nào sẽ chịu trách nhiệm cấp bằng cho người học? 

 

- Đối với các chương trình đào tạo trong nước, cần hỏi rõ xem khóa học có đòi hỏi thời gian học ở nước ngoài nào hay không. Nếu có thì cần phải làm gì trong trường hợp người học không xin được visa.

 

Với tư cách là Giám đốc của Viện Giáo dục quốc tế tại Việt Nam  (IIE-Việt Nam), tôi sẵn sàng viết thư xác nhận về tư cách pháp nhân của một trường đại học hay cao đẳng Mỹ nếu trường bên phía Việt Nam hay Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam có yêu cầu. Trong lá thư xác nhận này, tôi có thể liệt kê ra các bằng và chương trình mà trường được phép đào tạo cũng như phương pháp đào tạo được áp dụng. Tôi cũng có thể cung cấp tên và địa chỉ e-mail của một người có trách nhiệm thuộc cơ quan thẩm định để các trường tự liên hệ.

 

Mặc dù IIE Việt Nam không có một danh sách các trường nghi vấn cần theo dõi, chúng tôi vẫn dành một sự quan tâm đặc biệt đến những trường đến Việt Nam chỉ với mục đích kinh doanh và sẵn sàng lừa bịp khách hàng.

 

Tiến sĩ Mark A.Ashwill

(Giám đốc Viện Giáo dục quốc tế tại Việt Nam)

Theo Thanh Niên