Học trò chết vì tình khi… đời chẳng còn gì

(Dân trí) - Chuyện tình cảm đổ vỡ, nhiều học trò hành hạ bản thân hoặc dại dột chọn cái chết vì “Mất người yêu đời em chẳng còn gì”.

Không thể phủ nhận tình yêu là thứ tình cảm có thể làm con người mù quáng và vật vã nhất. Chỉ cần yêu, chưa cần biết hạnh phúc hay khổ đau đã đủ “chết trong lòng một ít”. Với các cô cậu học trò, những mối tình chớm nở đầu đời cũng dữ dội và mãnh liệt không kém tình yêu của người trưởng thành. Thậm chí còn mơ mộng, bay bổng với chất chứa niềm tin hơn.

Học trò TPHCM trong một chuyên đề tư vấn tâm lý về tình yêu, giới tính (Ảnh: Hoài Nam)
Học trò TPHCM trong một chuyên đề tư vấn tâm lý về tình yêu, giới tính (Ảnh: Hoài Nam)

Khi tình yêu đổ vỡ, nhiều em quay sang hành hạ bản thân, bỏ bê việc học hay đau lòng hơn có những trước hợp chọn cái chết để kết thúc nỗi đau. Vừa thương vừa giận, các em sẽ bị trách bồng bột, dại dột và ai cũng đinh ninh rằng các em chết vì… tình. Nhưng đó chỉ là nguyên nhân bề nổi.

Từng phụ trách công tác tư vấn cho một số trường học, chuyên gia tâm lý Trần Đăng Thảo kể rất nhiều học trò khi thất tình tìm đến những hành vi tiêu cực bởi “mất người yêu đời em chẳng còn gì nên không thiết tha sống”.

Dường như các em đã bỏ quên bố mẹ, bạn bè, thầy cô, cuộc sống… Hay chính các em đã bị “bỏ rơi”, cô đơn, thiếu thốn tình cảm đến mức xem anh chàng người yêu, cô bạn gái mới quen đôi khi chỉ vài ba tuần đã là tất cả lẽ sống của mình.

Khi nhắc đến trường hợp học trò nữ sinh tự hành xác hay chọn cái chết vì… thất tình, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến bày tỏ, nhìn bề ngoài chúng ta tưởng rằng các em chết vì tình. Nhưng không, có thể phía sau các em đang đối diện rất nhiều chuyện bế tắc trong gia đình, bạn bè, cuộc sống. Cùng với việc tình cảm đổ vỡ thì các em… gục ngã.

Nhất là việc thiếu hụt tình yêu thương từ gia đình, thiếu sự quan tâm của bố mẹ, các em sẽ có xu hướng lao ra ngoài tìm kiếm tình cảm như một sự bù đắp. Khi ai yêu mình thì các em đặt kỳ vọng rất lớn, dễ bi lụy, phụ thuộc. Bởi một lẽ, thiếu tình yêu thương các em sẽ không biết cách yêu thương. Thêm nữa, đã ai dạy các em các bài học về tình yêu, các kỹ năng giải quyết khúc mắc “ở thiên đường tình ái”?

Những bài toán phương trình chẳng ai giúp các em biết rằng tình yêu mãnh liệt nào cũng có thể thay đổi, nhất là tình yêu tuổi học trò mới chỉ là những rung cảm đầu đời. Hôm nay đang “điên cuồng” vì kẻ lớp bên nhưng qua cơn đau vài ba hôm đã “say” người ngồi bên cạnh.

Những bài văn mẫu không đủ giúp các em hiểu các thất tình thông minh không phải là tự dày xéo bản thân mà càng phải cười thật tươi, thật thân thiện. Cách trả thù lợi hại nhất không phải là những màn tạt axit kẻ bạc tình mà nhiều cách ngọt ngào hơn như học thật giỏi, sạch đẹp hơn… để biết rằng sẽ còn rất nhiều người yêu mình.

Những bài học đạo đức không dạy em cứ yêu, cứ tả tơi vì tình nhưng bất kỳ hoàn cảnh nào không ai được phép làm đau mình. Các em có thể yêu người khác hết lòng nhưng tình yêu lớn nhất trước hết phải yêu chính bản thân. Sao lại mong chờ người khác yêu ta suốt đời suốt kiếp trong khi ta còn chẳng yêu chính ta - có lúc chỉ cần thêm một ngày, một tuần thì mọi sự đã khác?

Không ai dạy các em rằng tình yêu nam nữ rất thiêng liêng nhưng không phải là tất cả. Cuộc sống còn rất nhiều điều ý nghĩa mà có khi nhờ “gác” tình yêu sang một bên các em mới nhận ra.

Thế nên khi tiếp xúc những cô gái, chàng trai “mất người yêu em chẳng biết sống vì cái gì nữa cả”, một chuyên gia tâm lý ở TPHCM đặt câu hỏi ngược lại: “Thế trước khi quen người ta, em sống vì cái gì?”.

Câu hỏi đó không chỉ dành cho các em mà dành cho cả người lớn, đặc biệt cho những ông bố bà mẹ. Bởi hiện nay rất nhiều đứa trẻ, khi đau khổ nhất, các em thà tự hành hạ bản thân, thậm chí thà tìm đến cái chết còn hơn… tìm đến bố mẹ.

Hoài Nam

(Hoainam@dantri.com.vn)