Học sử giữ gốc

Bất kì một ai quan tâm đến giáo dục cũng thực sự lo lắng trước một tỉ lệ quá lớn số người đi học không đam mê môn sử dẫn đến kết quả thi cử môn học này được liệt vào danh sách “nhất bảng”.

Có học sinh, cuối năm học lớp 12 không đủ điều kiện dự thi tốt nghiệp THPT chỉ vì môn lịch sử (LS) điểm trung bình chưa đến 2,0. Một giáo viên có trên 20 năm giảng dạy môn học này cho hay, những năm gần đây, không ít trường hợp học sinh bị trượt tốt nghiệp chỉ vì điểm thi môn LS từ 0 cho đến dưới 2, nghĩa là, nếu chỉ cần trên 2 điểm môn này thì nhiều em đã có trong tay tấm bằng tốt nghiệp THPT vì điểm số các môn còn lại cao hơn.

Tôi không hiểu, các em này học bằng cách nào mà sau 9 tháng trời lại có một kết quả tồi tệ như thế. Lỗi ấy do ai? Các nhà nghiên cứu, nhà giáo, chuyên gia đã phân tích và có nhiều ý kiến khác nhau rồi. Ở đây, trong phạm vi hạn hẹp của bài viết ngắn này, tôi chỉ xin mạo muội góp vài ý cho đôi giải pháp nho nhỏ góp phần cải tiến việc dạy và học LS.

Sinh viên không chán học sử

Tôi nhớ, thời còn học ĐH Sư phạm TPHCM, dù là sinh viên khoa Ngữ văn nhưng chúng tôi rất mong đến dịp mùng 10 tháng 3 âm lịch để được tham gia cuộc thi theo dòng lịch sử do Đoàn khoa Lịch sử tổ chức. Sức hấp dẫn của cuộc thi không chỉ là quy mô thu hút tất cả các khoa ngành trong trường tham gia mà hơn cả là sự mới mẻ, sinh động, hấp dẫn và lôi kéo không chỉ các đội tuyển mà ngay cả cổ động viên cũng được tham gia.

Ngày mùng 10 tháng 3 lúc đó trở thành ngày hội của sinh viên, tất cả các đội của các khoa tập trung về hội trường lớn tham gia gần cả ngày với nhiều nội dung. Nào là trắc nghiệm kiến thức lịch sử; hái hoa dân chủ; hỏi đáp nhanh; giải quyết các tình huống… Hấp dẫn nhất là phần thi hoạt cảnh tái hiện các nhân vật và sự kiện lịch sử. Từ các khoa tự nhiên cho đến các khoa xã hội, từ dân ngoại đạo cho đến dân chuyên nghiên cứu sử học đều có cơ hội trổ tài qua những hoạt cảnh. Kịch bản do sinh viên viết, vai diễn do sinh viên đóng, cảnh trí do chính sinh viên dàn dựng… Vậy mà ý nghĩa, hấp dẫn vô cùng.

Tôi ấn tượng mãi hoạt cảnh “Quang Trung tiến quân ra Bắc” do nhóm sinh viên khoa Sử diễn; hay hình ảnh Lý Thường Kiệt dõng dạc đọc bài thơ thần “Nam quốc sơn hà” mang hào khí nước Nam do sinh viên khoa Ngữ văn thể hiện. Có lẽ, sức hấp dẫn của sân chơi LS bổ ích này bay xa nên những năm sau đó, nhiều trường bạn hay tin cũng cùng đến đăng kí tham gia với sinh viên ĐH Sư phạm. Rồi cả quy mô lẫn hình thức tổ chức cũng được nâng lên, sức hấp dẫn ngày một lớn hơn.

Cách đây hai năm, cùng với một số bạn trẻ khác, tôi có đến tham dự một buổi báo cáo chuyên đề về Nguyễn Huệ – Quang Trung do khoa Lịch sử Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM tổ chức. Chỉ mỗi một vấn đề góp thêm một tiếng nói về thành Lạc Dương nằm ở đâu do một nhà nghiên cứu dày công tìm tòi đã thu hút đông đảo sinh viên tham gia trọn cả buổi sáng, hội trường chật kín, có bạn đến trễ phải đứng bên ngoài hành lang nghe vào. Ai cũng chăm chú, thích thú, say sưa với câu chuyện mà học giả đưa ra. Không ít bạn chưa thỏa mãn, cuối giờ còn tranh thủ hỏi thêm báo cáo viên những điều mà bản thân mình quan tâm, kể cả các bạn trẻ dân Bách khoa, Kinh tế, Kiến trúc...

Cái chính là phương pháp truyền đạt kiến thức lịch sử

Như thế, rõ ràng, sinh viên bây giờ đâu phải thờ ơ với LS. Nêu hai câu chuyện trên để thấy rằng, cái chính vẫn là phương pháp truyền đạt kiến thức LS đến với người học. Ở sân chơi LS nêu trên hoàn toàn không ai bắt buộc, không tính gì đến điểm thi đua hay điểm danh gì cả mà hàng ngàn lượt bạn trẻ đến với một sân chơi LS đầy thú vị do một đoàn khoa tổ chức, trở thành sự kiện đợi mong trong năm của không ít sinh viên. Vậy cái chính là sự hấp dẫn của mô hình tổ chức.

LS vốn khô khan nên cần được truyền thụ một cách mềm dẻo, lôi cuốn bằng những hình thức hấp dẫn, mới lạ mới mong thu hút được các bạn trẻ đến với LS. Giờ học LS trong nhà trường chắc chắn khó có thời gian và điều kiện để làm những việc như tôi vừa nêu trên, vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Song, chắc chắn một điều mà nhà trường và thầy cô giáo có thể làm được để tạo cho HS niềm đam mê bộ môn bằng những hoạt động ngoại khóa, chuyên đề tương tự giữa các lớp trong khối, hoặc giữa các khối trong trường. Chắc chắn, những ấn tượng khó quên qua những ngoại khoá sẽ để lại trong các em HS niềm đam mê bộ môn và từ đó là nguồn cảm hứng học tập tốt bộ môn.

Rồi việc đưa các em thâm nhập thực tế, về với cội nguồn dân tộc bằng những chuyến tham quan học tập thực tế những địa chỉ đỏ là cần thiết. Hoặc, nếu chưa có thời gian, kinh phí thì việc sưu tầm, tuyển chọn, in ấn các băng đĩa về các vấn đề lịch sử, sự kiện, địa danh lịch sử chiếu lại cho HS xem trong các tiết học trên lớp, các giờ ngoại khoá của tổ bộ môn là việc cần làm... Một khi hứng thú học tập đã có, tự thân người học sẽ tìm tòi, nghiên cứu và sáng tạo.

Người ta nói nhiều đến việc đổi mới phương pháp giảng dạy, thay đổi chương trình, sách giáo khoa LS trong nhà trường… Nhìn chung có lí nhưng liệu thay đổi đến mức nào thì hợp lí? Một chuyên gia sử học có tiếng của TP.HCM vừa phát biểu trên báo rằng ở Mỹ, sách LS lớp 11 của Mỹ dày 1.600 trang, còn ở ta chỉ hơn 120 trang. Nhưng nếu ở ta giống ở nước bạn thì liệu có ổn không? Chắc chắc là HS lẫn giáo viên có thể bị tâm thần mất! Có ý kiến thì bảo rằng, môn LS được đưa vào chương trình quá ít tiết nên dẫn đến tình trạng kém chất lượng và đề nghị nên bằng với giờ dạy của môn Ngữ văn, Toán học. Xem ra chẳng hợp lí chút nào, bởi HS ở ta học 12 môn, nếu môn nào cũng muốn “ôm” thật nhiều tiết thì lấy đâu ra thời gian, rồi thời gian ở đâu cho học trò nghỉ ngơi, giải trí?

Điều mà chúng ta cần là xem lại nên dạy cái gì cần nhất, thiết thực nhất, ngắn gọn, dễ nhớ cho HS và hiển nhiên, tần số xuất hiện kiến thức ấy phục vụ cho việc vun bồi tình yêu nước, lòng tự hào dân tộc, áp dụng vào thực tiễn cuộc sống của mỗi công dân trẻ hôm nay phải thường xuyên, liên tục. Cũng đừng quá cứng ngắc vào sự kiện, ngày tháng năm chi chít mà làm khổ học trò. Chỉ cần dạy những điều khái quát để từ đó vun đắp tình cảm cho các em. Và, trong thời đại thông tin như hiện nay, nếu cần bao nhiêu kiến thức chi tiết, các bạn có thể ngồi tại nhà, vào mạng là lôi ra được hết thì việc gì phải nhớ chi li cho khổ xác. Cái linh hồn, cái tinh túy, cái cốt lõi là phải nắm vững, chỉ cần vậy thôi.

Tôi cho rằng, dạy LS có một ý nghĩa vô cùng to lớn là đang truyền thụ truyền thống bốn ngàn năm đầy tự hào cho thế hệ trẻ, đang dạy cho những công dân trẻ biết gốc và giữ gốc bền vững. Từ cái gốc của lòng yêu nước, tự hào dân tộc căn cơ thì mỗi công dân trẻ mới có tâm thế, tư thế vững vàng khi bước vào sân chơi hội nhập. Một khi gốc vững thì mới mong vững bền. Bởi, như một danh nhân đã nói “Chỉ có tình yêu quê hương mới làm cho quê hương trường tồn”. Tôi tin rằng, sau lần mổ xẻ thấu đáo này của dư luận, từ các cơ quan có trách nhiệm cho đến mỗi thầy cô giáo giảng dạy và cả người học sẽ có những thay đổi căn cơ cho câu chuyện dài nhiều tập: dạy và học LS như thế nào. Làm sao cho các em HS vui học LS mới mong thành công.

Theo Nguyễn Văn Cải
(GV Trường THPT Quang Trung, huyện Củ Chi, TP.HCM)
Giáo dục TP.HCM