Học sinh bị tâm thần ngày càng nhiều

Năm 2005, trong tổng số gần 5.000 người có biểu hiện “bất bình thường” đến khám, tư vấn ở Bệnh viện Tâm thần Trung ương thì 30% là học sinh, sinh viên. Còn theo điều tra của Bệnh viện Nhi tại một số trường học thì cũng có tới 20% học sinh lo lắng, có biểu hiện của bệnh rối loạn tâm trí hay còn gọi là bệnh trầm cảm.

Đến thăm Tuấn tại làng Phùng Khoang, Trung Văn, Từ Liêm, Hà Nội. Vừa bước vào nhà thì Tuấn liền mang chiếc ổ khóa to tướng ra khóa lại. “Anh đến chơi chứ có làm việc gì khuất tất đâu mà em phải khóa cửa?”. “Em xin lỗi anh, nhưng em quen rồi. Cứ mỗi khi bước qua cửa là phải khóa ngay lại”, Tuấn cười hì hì.

 

Rồi Tuấn kể cho câu chuyện về tật đãng trí mà cậu đang mắc phải. Em vốn là sinh viên năm cuối ĐH Kiến trúc Hà Nội. Từ ngày học THPT, Tuấn đã tỏ ra có bệnh đãng trí. Ngoài chuyện học hành ra, cứ thỉnh thoảng cậu lại quên việc này, việc nọ. Nhiều lần Tuấn làm bạn bè và ngay cả cô bạn gái phát cáu vì cậu sai hẹn do “tự nhiên quên khuấy mất”.

 

Lên đại học, việc học hành càng vất vả hơn. Căn bệnh của Tuấn ngày một nặng thêm. Đã nhiều lần cậu để quên cuốn sách, cái cặp hay cả bộ quần áo ở những nơi mà cậu “chẳng còn nhớ nữa”. Từ nhỏ đến lớn luôn là học sinh xuất sắc. Lên đại học, Tuấn vẫn giữ vững thành tích học tập thời phổ thông. Để đạt được kết quả đó, cậu suốt ngày chỉ mải mê với sách. Cứ lúc nào rảnh là Tuấn đọc sách. Thậm chí ngay cả khi đến nhà bạn gái chơi, Tuấn cũng ôm theo cuốn sách để “tranh thủ đọc lúc đợi nàng”, theo như nguyên văn cậu nói với tôi.

 

Song có một chuyện khiến Tuấn phải giật mình và phải thay đổi lại cung cách sinh hoạt. Chỉ cách đây độ vài tuần thôi, vì thời gian nộp đồ án gấp, Tuấn phải ngồi bên bàn máy tính từ sáng đến chiều. Đến khi hoàn thành đồ án thì trời đã tối, người mệt rã rời, cậu chỉ muốn đi ngủ. Mọi lần, cứ khoảng 21-22h là cậu khóa cửa. Song do hôm đó làm mệt quá, Tuấn leo lên giường ngủ luôn.

 

Sáng ra đang mò dậy để đánh răng rửa mặt thì cậu không còn tin vào mắt mình nữa. Cửa vẫn khép, vậy mà cả dàn máy tính cùng con “cuốc Nhật” của cậu đã biến mất tăm không còn dấu vết. Tưởng mình nhìn nhầm, cậu vào nhà vệ sinh vã nước vào mặt cho tỉnh ngủ. Song dù cho cậu dụi mắt hàng chục lần, cảnh tượng vẫn như cũ. Tuấn chạy ra kiểm tra ổ khóa thì rụng rời: không hề có khóa.

 

Bần thần một lúc, Tuấn mới nhớ ra đêm qua mình đã không khóa cửa. Lòng đau như cắt, cậu đành ngậm ngùi chấp nhận coi đây là một “bài học xương máu”. Chính vì thế, Tuấn tự đặt ra cho mình cái thói quen là mỗi khi bước khỏi cửa là phải khóa ngay. Bạn bè kêu ca cũng mặc. Nhiều lần cậu tâm sự: “Có những khi ngay cả ngày sinh tớ cũng không nhớ nổi nữa”. Bạn bè thì đặt cho cậu biệt danh là “Thằng ba ngơ” do tật đãng trí của cậu.

 

Trần Minh Thanh, sinh viên khoa Văn, ĐH KHXH&NV, cũng khiến mọi người phải lắc đầu khi nghe câu chuyện của cậu. Năm học mới, nhờ đạt thành tích xuất sắc trong học tập, Thanh được bố mẹ mua cho một con xe Wave Alpha mới cóng để cậu đi lại đỡ vất vả. Vốn gia đình cậu cũng chả khá gì (quê ở mãi Nga Sơn, Thanh Hóa) nên cậu quyết tâm phải học thật tốt để trả công cha mẹ.

 

Thanh lao vào học như điên, lại làm thêm nghề gia sư lấy tiền đổ xăng và trang trải sinh hoạt chốn đô thành đắt đỏ. Do làm việc, học tập với cường độ cao, lại không khoa học nên cậu mắc cái tật hay quên. Muốn nhớ được cái gì, cậu thường phải ghi ra giấy rồi luôn đem bên mình để thỉnh thoảng giở ra soát lại.

 

Hôm ấy, sau khi trải qua bài thi căng thẳng xong, phóng xe ra quán ăn cơm. Khi ăn xong, cậu về thẳng nhà mà không nhớ đến chiếc xe. Đến chiều hôm sau, anh bạn thân cùng quê bỗng đập cửa phòng cậu rầm rầm. Ra mở cửa, cậu giật nảy mình lên vì tiếng quát: “Mày vẫn còn ở đây à? Con xe của mày sắp bị chuyển về đồn Công an kìa”.

 

Như sực tỉnh cơn mơ, Thanh lao vội ra quán cơm tối hôm trước thì thấy nhiều người đang đứng xúm quanh chiếc xe của mình. Rẽ đám đông cậu thấy xe của mình đang đứng giữa một đám “đầu gấu”. Rất may là cậu đến đúng lúc, đám người kia chưa kịp mang chiếc xe đi. Nhờ có anh bạn quen với mấy người trong đám kia nên Thanh chỉ phải khao họ một chầu bia túy lúy để trả công trông xe.

 

Tuấn, Thanh chỉ là hai trong số nhiều bạn trẻ mắc phải tật “đãng trí”. Điều đáng báo động ở đây là số bạn trẻ mắc phải tật này ngày càng tăng.

 

Đến Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương. Đang ngồi, bỗng giật mình bởi cú đập vai của một cậu thanh niên khá trẻ, mặt mũi trông rất khôi ngô. Cậu này hỏi: “Anh có 2.000 đồng không? Cho em xin”. Trông vẻ mặt của cậu rất đáng thương, rút ví đưa cho cậu ta. Cầm lấy tiền, cậu này chui tọt vào nhà vệ sinh. Lát sau cậu lại chạy ra, ngồi cạnh tôi: “Anh có 2.000 đồng cho em xin?”. Lần này thì bảo: “Hết rồi”. Thế là cậu lại chạy biến đi nơi khác.

 

Lát sau, chị Hiển, Trưởng khoa Lâm sàng của bệnh viện hỏi: “Cậu có cho em kia tiền không?”. Tôi gật đầu. Chị cười: “Em đó là một sinh viên bị rối loạn tâm thần, đang điều trị ở đây. Thỉnh thoảng bác sĩ có việc bận đi đâu là em ấy tranh thủ xin tiền của khách”. Chị cho biết thời gian gần đây bệnh viện tiếp nhận khá nhiều bệnh nhân bị rối loạn tâm thần vào điều trị, trong đó có nhiều số phận rất đáng thương. Các bác sĩ, nhân viên ở đây hẳn chưa ai có thể quên em T., nhà ở quận Hai Bà Trưng, HN.

 

Bố T. là một con nghiện nặng, đã phải đi cải tạo vì tội buôn bán và sử dụng chất ma túy. Mẹ của cậu cũng từng phải vào tù ra khám vì tội tàng trữ trái phép chất gây nghiện. Người anh trai của T. cũng mắc nghiện nốt. Sống trong hoàn cảnh ấy, đầu năm 2005 T. phát bệnh và người nhà phải đưa cậu vào Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương.

 

Đầu cậu lúc nào cũng cảm thấy như bị trăm ngàn cái búa bổ vào. Nó khiến T. lúc nào cũng “ngứa chân, ngứa tay”, muốn đập phá, la hét. Gặp bất kỳ con vật gì T. cũng đánh, ngay cả người anh trai cậu cũng không tha. Vào bệnh viện, T. được các bác sĩ hội chẩn là bị động kinh. Sau một thời gian chữa trị, căn bệnh của T. đã thuyên giảm đáng kể. Sáu tháng sau, T. ra viện với bộ mặt khác hẳn. Theo những người hàng xóm kể lại, hàng ngày T. phụ giúp mẹ nấu cơm, đun nước, không đập phá, la hét hay đánh đấm gì nữa.

 

Chuyện của anh em V.S.-Q.S cũng khiến mọi người động lòng. Quê ở Gia Viễn, Ninh Bình, V.S đang là sinh viên năm cuối ĐH Kinh tế Quốc dân. Mặc dù có tiền sử bị động kinh, song khi bình thường V.S. học rất thông minh. Bốn năm ĐH V.S. đều là sinh viên khá, giỏi. Cậu vừa hoàn thành kỳ thực tập cuối khóa thì nhận được tin người bạn thân mất. Quá đau buồn, bệnh cũ đã tái phát V.S. đã phải vào bệnh viện Mai Hương mấy tháng nay.

 

Q.S., em trai V.S. năm lớp 11 đã có biểu hiện bị rối loạn thần kinh. Năm nay Q.S. đang chuẩn bị thi đại học thì nghe tin anh trai phải nhập viện nên cũng phát bệnh trở lại. Giấc mơ đại học của cậu đành gác lại.

 

Cũng tại Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương, gặp em T.H., là học sinh trường THCS Trung Hòa. H. nhập viện đã được hai tuần. Em có khuôn mặt xinh xắn, bầu bĩnh song đôi mắt trông rất ngây dại và có dáng đi lầm lũi như người mộng du. Chị Nguyễn Thị Hiển, mẹ H. cho biết cháu vốn là học sinh khá giỏi từ bé. Bình thường H. có tinh thần tự giác học rất cao, không bao giờ để bố mẹ phải nhắc nhở. Cứ đi học về là H ngồi vào bàn học tập, không thiết chơi bời, giải trí gì cả. Có lẽ do học hành với cường độ quá lớn, lại không dành thời gian vui chơi giải trí đã khiến cô bé mất đi những nét bình thường của một thiếu nữ mới lớn.

 

Còn tại Viện Sức khỏe tâm thần Bạch Mai, tôi gặp H., sinh viên ĐH Giao thông Vận tải. H. vừa xin bảo lưu kết quả để về quê chữa bệnh.

 

Những ngày học THPT, H. đã lầm lì, ít nói. Nhưng không ai nghĩ đó là bệnh cả. Sinh ra ở một vùng nông thôn nghèo, H. rất cố gắng học tập. Người anh trai của cậu đã phải bỏ học vào TPHCM làm việc kiếm tiền nuôi em. Vừa nhập học được 2 tháng, bệnh của cậu đã tái phát. Mỗi lần cầm cuốn sách lên, H. thấy đau đầu, chóng mặt ghê gớm. Bệnh của cậu được xác định là trầm cảm (một dạng của rối loạn tâm căn). Chữa trị ở nhiều nơi, bác sĩ khuyên nên rời xa sách vở một thời gian.

 

Có thể nói, những biểu hiện bệnh lý của những học sinh, sinh viên trên thực chất là rối loạn tâm căn (các rối loạn do stress hoặc có liên quan tới stress) chứ không phải là bệnh tâm thần bẩm sinh. Nguyên nhân là do các em thiếu một phương pháp học hành khoa học, bị tổn thương về tinh thần do yếu tố gia đình hoặc tình cảm...

 

Theo Tiến sĩ Đỗ Thanh Hồi, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương, thì stress, căng thẳng là một tất yếu khách quan, là vấn đề lớn của thời đại. Công nghiệp hóa, sự bùng nổ thông tin, sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ,... nhịp sống ngày càng khẩn trương, căng thẳng đã tạo nên ngày càng nhiều thử thách có khi là những sức ép rất mạnh. Rồi đến những thay đổi về mặt xã hội: sự phân hóa xã hội, nạn thất nghiệp, các tệ nạn xã hội, các bất cập của nền giáo dục, của nền y tế, sự thay đổi cơ cấu gia đình, mất đi các giá trị của gia đình truyền thống... cũng góp phần làm cho bệnh tâm căn ngày càng phổ biến.

 

Thực tế, trước và sau các mùa thi đại học, cao đẳng, đã có nhiều học sinh, sinh viên vì không chịu nổi những sức ép tâm lý đã dẫn đến những hành vi bất thường: nhẹ thì bị tổn thương thần kinh, phải nghỉ học, nghỉ thi. Nặng thì có những hành động tự sát.

 

Ngày 23/6, một nữ sinh 19 tuổi sắp tham dự kỳ thi tuyển sinh vào đại học, cao đẳng đã dại dột gieo mình từ cầu Bến Thủy xuống dòng sông Lam. Nguyên nhân vì em không chịu nổi sức ép trước mùa thi, từ gia đình, bè bạn. Năm 2005 cũng tại dòng sông này, nữ sinh Lê Thu Thủy (22 tuổi, Hà Tĩnh) nhảy xuống tự tử. Thủy thi rớt đại học 2 năm liền.

 

Cũng trong năm 2005, khi biết tin đạt 20 điểm, chưa đủ để vào trường đại học mình mong muốn, em H. (19 tuổi, lớp Toán 2, THPT chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định) đã thắt cổ tự vẫn. Cùng thời gian này, Hồ Văn Thương ở Phù Cát (Bình Định), từ chỗ thi rớt đại học, do suy nghĩ nông nổi, đã tự vẫn tại nhà của ông nội. Chuyện rối loạn về tâm thần bởi sức ép về học hành, thi cử và chuyện tình cảm là khá phổ biến.

 

Vẫn theo Tiến sĩ Hồi, thanh niên, học sinh, sinh viên cần được giáo dục và rèn luyện tốt hơn, chuẩn bị tốt hơn về mặt tâm lý khi đứng trước các khó khăn của cuộc sống như: thất bại trong học tập, thi cử, không xin được việc làm, thất bại trong tình yêu, thua lỗ trong sản xuất kinh doanh, thất bại trong thi đấu thể thao. Chẳng có cách nào khác là đứng dậy mà đi, không gục ngã về tinh thần. Ngược lại, cũng cần đề phòng mắc phải bệnh “ngôi sao”, không chủ quan buông thả khi dễ dàng có những thành công liên tiếp.

 

Bên cạnh đó cũng phải thay đổi về cơ chế giáo dục đến tận gốc; phải làm cho việc học hành nhẹ đi, làm một cuộc cách mạng về giáo đức, phải tạo nhiều cơ hội làm việc cho thanh niên khi ra đời và khả năng học tiếp lên cao. Gia đình có vai trò rất quan trọng trong việc giúp các em giải tỏa căng thẳng. Bố mẹ hãy thấu hiểu và chia sẻ với con cái để giảm bớt gánh nặng tâm lý thi cử. Không nên ép con học quá tải hay đề ra những tiêu chuẩn nhất định phải đạt đến.

 

Thực ra, những bệnh nhân bị rối loạn tâm thần nếu được đưa vào bệnh viện kịp thời và có những liệu pháp tâm lý phù hợp thì sẽ chẳng bao giờ có những bi kịch xảy ra. Theo bác sĩ Hiển, tháng 6, Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương nhận hai sinh viên ĐH Bách Khoa vào chữa trị trong tình trạng tâm thần bấn loạn. Chỉ trong chưa đầy một tháng, với những biện pháp chữa trị thích hợp, hai sinh viên này đã được xuất viện và đi học lại bình thường.

 

Theo Công An Nhân Dân