Học online trên... Youtube

(Dân trí) - Không cần phải là sinh viên bạn vẫn có thể được nghe giáo sư từ những trường đại học danh tiếng giảng bài, đồng thời được tiếp cận với kho tài liệu chính thống và vô cùng đồ sộ. Tất cả chỉ cách bạn một cú click chuột!

Youtube không chỉ để giải trí

Youtube đã xây dựng được danh tiếng trên toàn thế giới như một nơi dành cho những video clip độc đáo như mèo đang hát, những em bé đang cười... Nhưng thực tế thì có nhiều thứ đáng để xem hơn là những video giải trí đơn thuần. Hiện nay ngày càng có nhiều bài giảng của các trường đại học được tải lên Youtube, trong đó có cả bài của những giáo sư danh tiếng như giáo sư trường Kinh doanh Harvard về tâm lý khách hàng trong cuộc khủng hoảng kinh tế hay nhà sử học David Starkey của trường ĐH Cambridge bàn về lịch sử của chế độ quân chủ ở nước Anh.

Đầu năm nay, Youtube đã cho ra đời một chuyên trang mới về giáo dục, Youtube EDU, được khởi đầu như một dự án tình nguyện bởi những nhân viên công ty đang tìm kiếm một cách tốt hơn để tâp hợp những nội dung về giáo dục được đưa lên bởi các trường đại học của Mỹ.

Học online trên... Youtube - 1
Youtube EDU cho phép bạn download tài liệu của các trường đại học danh tiếng.
 
Tháng 9 vừa rồi, Youtube EDU càng trở nên phổ biến rộng rãi trên toàn thế giới với sự tham gia của 45 trường đại học của châu Âu và Israel. Obadiah Greenberg, giám đốc chiến lược của Youtube EDU, cho biết: “Bây giờ, trên khắp thế giới người ta có thể vừa ngồi nhà thoải mái vừa ôn lại kiến thức ở một lĩnh vực nào đó hoặc tìm hiểu những vấn đề khác nhau để tăng thêm hiểu biết. Tôi nghĩ điều đó thật tuyệt vời.” Nhờ đó mà một người không phải là sinh viên vẫn có thể hưởng lợi từ nền giáo dục cấp cao.

Bên cạnh Youtube EDU, những trang web như iTunes U, TED và Academic Earth cũng cho phép hàng triệu người download miễn phí những bài giảng của những chuyên gia hàng đầu thế giới.

Một trào lưu thực sự

Được biết đến như những tài nguyên giáo dục mở (Open Educational Resources hay OER), trào lưu này đang chuyển biến giáo dục thành một dạng giải trí đại chúng. Peter Bradwell, một nhà nghiên cứu của nhóm chuyên gia tư vấn các vấn đề học thuật Demos, Anh cho biết: “Có một sự thích thú thực sự đối với những nội dung không đơn thuần chỉ là cảnh một con mèo đang hắt xì hơi mà phải mang tính thúc đẩy sự hoạt động trí não đồng thời cũng dễ tiếp cận.”

Khóa học mở của trường MIT (OpenCourseWare hay OCW) cho phép tiếp cận miễn phí với hầu hết những tài liệu và bài giảng của trường ở những môn học như nhạc dân gian của người Mỹ gốc Anh và các thuật toán. iTunes U cung cấp những bài giảng, cuộc thảo luận và hội thảo miễn phí từ những trường như Oxford, Yale và Học viện Kinh doanh HEC (Paris, Pháp). “Nét thú vị của “bục giảng” trên mạng là có thể đưa tài liệu đến với số lượng khán giả lớn hơn rất nhiều” -  theo Carolyn Culver, trưởng phòng chiến lược truyền thông của Oxford.

Ngày càng phát triển mạnh

Sự dân chủ hóa việc giáo dục bậc cao bắt đầu từ những năm 1990 khi các trường đại học bắt đầu tìm đến mạng Internet để quảng bá những tài nguyên trí tuệ của mình. Năm 1999, trường ĐH Tubingen của Đức trở thành trường đại học đầu tiên đưa những bài giảng miễn phí lên mạng. Vào năm 2002, trường MIT danh tiếng cho ra mắt trang web OCW. Bây giờ, gần 45% người truy cập trang web của MIT được trường gọi là “những người tự học”. Randy Pausch, nhà khoa học về máy tính của trường Carnegie Mellon người qua đời năm ngoái vì bệnh ung thư, đã tham gia và trào lưu này và trở thành một “ngôi sao” trên mạng sau khi ông quay phim bài giảng cuối cùng của mình về việc đạt được những giấc mơ từ thời thơ ấu. Tính đến nay, “The Last Lecture” (Bài giảng cuối cùng) đã nhận được 10,5 triệu lượt truy cập.

Người ta không cho rằng người sử dụng lớn nhất của những tài liệu giáo dục trực tuyến này là những người tự học. Francesc Pedro, nhà phân tích cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục và Đổi mới thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), nói: “Không có chuyện bạn đang ngồi ở nhà vào một tối thứ 7 mà chả có việc gì làm, rồi bạn tình cờ thấy một video về vật lý lượng tử trên Youtube và xem nó. Nhưng hãy tuởng tượng xem đây là một kho báu quý giá đến thế nào đối với một giáo viên đại học ở châu Phi hay một sinh viên ở một nước đang phát triển của châu Á khi họ có thể tiếp cận những tài liệu tốt từ những trường đại học danh tiếng được đem đến tận tay.”

Số lượng người đang sử dụng OER vẫn tiếp tục tăng. Trang web của trường MIT giờ đây nhận được hơn 1,2 triệu lượt truy cập mỗi tháng. Tài liệu trên trang iTunes của Oxford đã vượt qua con số một triệu bài được đưa lên và luôn có 10 podcast trong top 100 podcast toàn cầu. Như vậy, có thể nói, học online trên các trang web danh tiếng như Youtube EDU, OCW, iTunes U…đang ngày càng khẳng định vị trí của mình trong việc nâng cao nhận thức của con người bên cạnh những cách học truyền thống.
 
Kim Chi
Theo Newsweek