Đà Nẵng:

Học làm “chiến sĩ” với Học kỳ trong quân đội

(Dân trí) - Trong vòng 15 ngày, các bạn trẻ được học tập và rèn luyện trong môi trường mang tính kỷ luật, trải nghiệm và trưởng thành hơn với những bài học: gấp nội vụ, kỹ năng đi rừng, võ thuật, các tư thế chiến trường, rửa bát, giặt quần áo, giúp dân thu hoạch mùa màng…

Lần đầu tiên, Thành đoàn Đà Nẵng phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự TP Đà Nẵng tổ chức “Học kỳ trong quân đội” với sự tham gia của 46 bạn thanh, thiếu niên thuộc lứa tuổi từ 14-20 trên địa bàn thành phố.

 

Kỳ học sắp kết thúc, hầu hết các bạn đều có chung nhận định: kỳ học thật vui và rất bổ ích. Nhiều bạn lần đầu tiên xa nhà và lần đầu tiên phải làm những công việc mang tính kỷ luật nên thấy rất khó khăn nhưng dần dần chính những ngày được sống bên “đồng đội” đã giúp các bạn trẻ vượt qua.

 

Bạn Trương Hoàng, học sinh lớp 8, Trường THCS Chu Văn An (Đà Nẵng) cho biết: “Tham gia kỳ học này em thấy thật vui và bổ ích, em được học và làm những việc mà mình chưa bao giờ làm như giặt quần áo, rửa chén, xếp chăn màn… Em thấy mình trưởng thành hơn và thương mẹ hơn vì từ trước đến nay toàn ỷ lại để mẹ làm”.

 

Học làm “chiến sĩ” với Học kỳ trong quân đội - 1
“Chiến sĩ” này đang gấp nội vụ.

 

Còn Nguyễn Đắc Huy, học sinh lớp 7, Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng (Đà Nẵng) chia sẻ: “Mới đầu lên đây em thấy nhớ nhà và muốn về lắm nhưng khi gần hết khóa học thì chỉ muốn thời gian chậm lại. Em có thể làm được những việc như rửa bát, giặt quần áo... Từ nay, khi nào mẹ mệt em sẽ giúp mẹ làm công việc đó”.

 

“Học kỳ trong quân đội” (SEMESTER IN ARMY - viết tắt là SIA) là một chương trình đặc biệt để giáo dục thanh thiếu niên được Trung tâm thanh thiếu niên Miền Nam (TPHCM) tổ chức thí điểm năm 2008 và 2009. Sự ảnh hưởng cũng như chương trình đào tạo đã tác động mạnh mẽ trong cộng đồng tuổi thanh thiếu niên. Với phương châm “Thép đã tôi thế đấy”, hình ảnh thanh thiếu niên trong bộ quân phục đã trở thành một biểu tượng mới của giới trẻ, gắn liền với “chất thép” và sự trưởng thành. Hiện nay, chương trình đã được nhiều tỉnh đoàn, thành đoàn phối hợp với Bộ Chỉ huy quân sự phối hợp triển khai tại địa phương.

Tham gia khóa học không chỉ có các “chiến sĩ” nam mà còn có các “chiến sĩ” nữ. Trong số 46 bạn trẻ có 7 bạn nữ trong đó có bạn Trần Mỹ Duyên ở mãi tận Quảng Ninh cũng tạm biệt gia đình để lên đường vào Đà Nẵng làm tân binh.

 

Mỗi ngày ở Học kỳ trong quân đội là một chủ đề như “Gia đình”, “Tự hào”, “Đam mê”, “Hòa nhập”, “Đồng cảm”, “Sẻ chia”… mỗi chủ đề đều mang một ý nghĩa khác nhau. Nhưng có lẽ chủ đề “Viết thư cho mẹ”, “Viết thư cho đồng đội”, “Đối mặt” là những chủ đề để các “chiến sĩ” có thể bộc lộ những cảm xúc với mẹ với đồng đội và nói thật với lòng mình. Những bức thư viết về có mẹ có lẫn nước mắt trong đó, những tình cảm dành cho đồng đội và những phút nói thật với lòng mình để lòng mình thấy nhẹ nhõm hơn.

 

“Lần đầu tiên xa nhà và cũng là lần đầu tiên viết thư cho mẹ nên tâm trạng em có nhiều cảm xúc lẫn lộn. Đi xa rồi thấy thương mẹ nhiều hơn”, bạn Lê Thị Huyền Trang chia sẻ.

 

Học làm “chiến sĩ” với Học kỳ trong quân đội - 2
Nữ “chiến sĩ” viết thư cho mẹ.

 

Anh Trần Vũ Duy Mẫn, phó bí thư Thành đoàn Đà Nẵng, Chỉ huy trưởng Học kỳ trong quân đội, cho biết: “Ngày đầu tham gia các kỳ học các em rất bỡ ngỡ nhưng thấy em nào cũng cố gắng. Bây giờ các em có thể làm được nhiều việc rồi. Hôm các phụ huynh lên thăm con, chúng tôi chiếu lại những cảnh các em tự làm những công việc đó nhiều phụ huynh xúc động vô cùng”.

 

Kỳ học sắp kết thúc, các bạn bịn rịn nhau không muốn rời…

 

Dưới đây là một số hình ảnh về Học kỳ trong quân đội tại Đà Nẵng:

 

Học làm “chiến sĩ” với Học kỳ trong quân đội - 3
Các "chiến sĩ" ra thao trường.
 
Học làm “chiến sĩ” với Học kỳ trong quân đội - 4
Các "chiến sĩ" trong buổi sinh hoạt văn nghệ.
 
Học làm “chiến sĩ” với Học kỳ trong quân đội - 5
 Viết thư cho đồng đội.
 
Học làm “chiến sĩ” với Học kỳ trong quân đội - 6
 Giờ ăn cơm.
 
Học làm “chiến sĩ” với Học kỳ trong quân đội - 7
Tham gia tăng gia sản xuất
 
Học làm “chiến sĩ” với Học kỳ trong quân đội - 8
Phút giải lao của các “chiến sĩ”.

 

Khánh Hồng