Học đường thật sự an toàn: Nỗi lo không nhỏ!

Hiệu trưởng một trường THPT tại TPHCM kể, một học sinh trong trường đã tỏ thái độ căm ghét cô chủ nhiệm bằng cách lấy tên cô đưa vào bài tập soạn thảo một hợp đồng... thuê người giúp việc.

Mới đây, dư luận chấn động khi một sinh viên khoa Sư phạm xông thẳng vào trường ĐH Cần Thơ chém trọng thương thầy cô của mình. Rồi thông tin về những băng nhóm học trò đã làm không ít phụ huynh lo ngại về sự an toàn của môi trường học đường...

 

Tính từ bậc mầm non cho đến THPT, TPHCM có gần 1.500 trường, đồng nghĩa với chừng ấy môi trường học đường cần được bảo vệ. Thông thường mỗi trường có 1 - 2 bảo vệ, với những trường có số học sinh đông, con số có thể tăng lên khoảng 10 người (THPT chuyên Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai...). Tuy nhiên, đội ngũ này thực hiện công việc chính của mình là bảo vệ cơ sở vật chất, tài sản của trường mà thôi. Còn vấn đề bảo vệ môi trường học đường như kỷ cương, nền nếp, tác phong... lại thuộc trách nhiệm của các giám thị, quản nhiệm, cấp cao hơn là Ban giám hiệu...

 

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, các trường THPT lo ngại tình trạng học sinh trong trường lập băng nhóm, kết bè phái "xưng hùng xưng bá". Vài năm trở lại đây, học sinh trường THPT N.D vẫn còn râm ran với nhau nhóm "Đại tỉ" nổi tiếng về việc sẵn sàng nói chuyện bằng tay chân… Ở bậc học thấp hơn như mầm non, tiểu học hay THCS thì nhà trường lại "ngán ngẩm" cách hành xử của một số phụ huynh. Nhiều khi chỉ không đồng tình với giáo viên về cách giáo dục học sinh, có phụ huynh đã xông thẳng vào trường ngang nhiên sỉ vả thầy cô…

 

Khi chúng tôi đặt vấn đề với các trường học về biện pháp ngăn chặn những hành vi bạo lực của học sinh, ông Lê Văn Linh, Phó hiệu trưởng trường THPT dân lập Thanh Bình cho biết: "Hằng ngày, từ 6 giờ sáng, thầy cô quản nhiệm trực tiếp đứng tại cổng trường kiểm tra cặp của từng học sinh, nghiêm cấm các em mang thuốc lá và vật dụng nguy hiểm vào trường". Hay như ông Lâm Văn Triệu, Phó hiệu trưởng trường THPT chuyên Lê Hồng Phong thì khẳng định: "Cho dù chưa khi nào xảy ra hiện tượng bạo lực nhưng nhà trường thường xuyên tổ chức buổi sinh hoạt dưới cờ, ngoại khóa để giáo dục các em. Ngoài ra, đội ngũ giám thị theo dõi sát sao những thay đổi trong giao tiếp của các em, từ đó có hình thức xử lý kịp thời".

 

Ở một số trường học không sử dụng cơ chế giám thị như trường THPT Nam Sài Gòn thì nhà trường đề cao vai trò của mỗi giáo viên trong trường. Ông Nguyễn Đức Đại, Hiệu trưởng nhà trường tâm đắc: "Bảo vệ môi trường học đường là nhiệm vụ của từng thành viên trong trường, từ giáo viên cho đến bảo vệ. Không phải cứ dùng biện pháp mạnh để trấn áp những hành vi bạo lực là thành công mà chúng ta ngăn chặn chúng bằng cách chú ý đến phương pháp thuyết phục học sinh, cách xử lý tình huống cụ thể sao cho các em nhận thức đó là việc không thể chấp nhận".

 

Đồng tình với quan điểm này, bà Võ Ngọc Thu, Hiệu trưởng trường TH Minh Đạo (Q.5) cho biết nhà trường luôn khuyến khích giáo viên chủ nhiệm hay bảo mẫu thường xuyên trao đổi với phụ huynh, học sinh, giải thích rõ ràng khi có sự cố xảy ra...

 

Đó là chưa kể, mấy năm trở lại đây có hiện tượng bắt cóc trẻ em ngay cổng trường học. Do vậy mà bảo mẫu trường học ở lứa tuổi nhỏ phải chú ý trao học sinh tận tay người thân trong giờ tan trường. Mặt khác, hằng năm, theo bà Nguyễn Thị Hồng Hải, Trưởng phòng Giáo dục Q.Tân Phú cho biết: "Các trường đều tổ chức lớp tập huấn cho nhân viên bảo vệ cách phòng ngự an toàn và xử lý tình huống bất ngờ...". Đó là trường công lập, còn ở trường dân lập, để đảm bảo an ninh tuyệt đối cho phụ huynh, học sinh, có trường thuê hẳn đội vệ sĩ chuyên nghiệp.

 

Ở TPHCM, hiện nay có hệ thống trường Quốc tế - Á châu sử dụng hơn 20 vệ sĩ của Công ty bảo vệ Hoàng Gia được huấn luyện kỹ năng và phong cách làm việc phù hợp với môi trường sư phạm. Tất cả các vệ sĩ đều sử dụng những phương tiện hiện đại, đảm bảo an ninh tối đa cho nhà trường, nhất là vào giờ tan học...

 

Trở lại quan điểm giáo dục học sinh phòng tránh những hành vi tổn hại môi trường học đường, ông Nguyễn Hoài Chương, Phó giám đốc Sở GD - ĐT TPHCM khẳng định: "Gốc của vấn đề chính là giáo dục chính trị, tư tưởng cho học sinh. Đặc biệt, năm học này có chủ đề là "Sống có trách nhiệm" được Sở chỉ đạo đến từng Ban giám hiệu trường. Trong chủ đề có những yêu cầu riêng về phía học sinh khi ứng xử với bạn bè, thầy cô phải biết thương yêu và kính trọng, lễ phép"...

 

Theo Bích Thanh

Thanh Niên